Syria cho phép các nhà máy nhập khẩu nhiên liệu trong vòng 3 tháng

Chính phủ Syria đã cho phép các chủ nhà máy nhập khẩu nhiên liệu trong 3 tháng nhằm giảm bớt căng thẳng của cuộc khủng hoảng nhiên liệu đang diễn ra ở đất nước này do ảnh hưởng của cuộc nội chiến.
Syria cho phép các nhà máy nhập khẩu nhiên liệu trong vòng 3 tháng ảnh 1Người dân Syria xếp hàng chờ đổi khí đốt ở quận Salah al-Din của thành phố phía bắc Aleppo, ngày 11/2. (Nguồn: AFP)

Phóng viên TTXVN tại Trung Đông dẫn thông tin của hãng thông tấn SANA (Syria) ngày 4/3 cho biết, Chính phủ Syria đã cho phép các chủ nhà máy nhập khẩu nhiên liệu trong 3 tháng nhằm giảm bớt căng thẳng của cuộc khủng hoảng nhiên liệu đang diễn ra ở đất nước này do ảnh hưởng của cuộc nội chiến.

Syria trước đây vốn là nước nhập khẩu dầu mỏ và các sản phẩm phái sinh từ dầu, nhưng đã phải đối mặt với một loạt các lệnh trừng phạt của quốc tế kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu nổ ra vào năm 2011.

Theo SANA, Chính phủ Syria đã đưa ra quyết định cho phép các phòng công nghiệp và các nhà sản xuất nhập khẩu nhiên liệu và dầu đốt bằng đường bộ và đường biển trong vòng ba tháng. Mục đích của việc nhập khẩu nhiên liệu để đáp ứng nhu cầu sản xuất công nghiệp trong nước và hỗ trợ việc cung cấp các sản phẩm phái sinh từ dầu cũng như cần bảo đảm đủ nhiên liệu để duy trì sản xuất và đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân.

Trong những tháng gần đây, Syria đã phải gánh chịu một cuộc khủng hoảng nhiên liệu do việc tăng giá dầu đốt và nhu cầu sử dụng gas trong nước ngày một tăng. Bộ trưởng Dầu khí và Tài nguyên khoáng sản của Syria Ali Ghanem cho rằng nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng nhiên liệu là do các cường quốc đơn phương áp đặt các đòn trừng phạt kinh tế lên nước này.

Trao đổi với hãng tin AFP, nhà phân tích Shadi Ahmed cho biết các biện pháp được công bố hôm 4/3 mang lại tín hiệu tích cực cho Syria, qua đó thiết lập được một loạt các quan hệ đối tác giữa khu vực công và tư nhằm đảm bảo các nhu cầu thiết yếu của đất nước.

Cuộc chiến ở Syria đã tàn phá các cơ sở hạ tầng và làm tê liệt ngành sản xuất điện và dầu mỏ của nước này. Chính quyền Damascus ước tính thiệt hại trong lĩnh vực dầu mỏ lên tới 74 tỷ USD kể từ khi cuộc nội chiến xảy ra năm 2011.

Sau một loạt chiến thắng chống lại phe đối lập và các tay súng thánh chiến kể từ khi có sự can thiệp của Nga vào năm 2015, chế độ của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad cho tới nay đã kiểm soát được 2/3 lãnh thổ Syria. Tuy nhiên, các mỏ dầu khí chủ yếu của nước này nằm ở khu vực Đông Bắc đất nước vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát của quân chính phủ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.