Theo tạp chí Diplomat, những thay đổi đáng kể đã xảy ra trong cấu trúc kinh tế và chính trị toàn cầu do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và những căng thẳng địa chính trị.
Các quốc gia đã áp đặt các biện pháp trừng phạt lẫn nhau nhân danh an ninh chính trị và kinh tế.
Chuỗi cung ứng toàn cầu, chuỗi công nghiệp và hệ thống chuỗi giá trị được xây dựng trong những thập kỷ qua đã bị giáng một đòn nặng nề.
Hiện tại, sự hỗn loạn do đại dịch gây ra vẫn chưa kết thúc và cuộc xung đột Nga-Ukraine đã đẩy thế giới vào một tình huống nguy cấp khác.
Các tập đoàn đa quốc gia đã chủ động hoặc buộc phải áp dụng các chiến lược ứng phó tương ứng trong kỷ nguyên phi toàn cầu hóa này.
Đám mây phi toàn cầu hóa ngày càng hiện rõ
Là quốc gia dẫn đầu quá trình toàn cầu hóa trong suốt bốn thập kỷ qua, Mỹ đã thể hiện những đặc điểm của chủ nghĩa bảo hộ và biệt lập nổi bật trong những năm gần đây thông qua các chính sách kinh tế và chính trị đối ngoại của nước này.
Những điều chỉnh chính sách này của Mỹ đã làm suy yếu quá trình toàn cầu hóa và tạo ra các biện pháp đối phó chính sách giữa các phe và nhóm lợi ích khác nhau.
[Khủng hoảng Ukraine không ảnh hưởng đồng nhất trên toàn Đông Nam Á]
Số liệu thống kê do Bộ Thương mại Mỹ công bố cho thấy thâm hụt hàng hóa và dịch vụ của Mỹ năm 2021 là 859,1 tỷ USD, tăng 27% so với năm trước, chiếm gần 4% GDP. Đây là một con số kỷ lục.
Kể từ năm 2016, việc ông Donald Trump được bầu làm Tổng thống Mỹ, hiện tượng Brexit (Anh ra khỏi Liên minh châu Âu) và cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung là những dấu hiệu cảnh báo về việc ngày càng khó duy trì hệ thống toàn cầu hóa.
Đại dịch COVID-19 và tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine đã làm trầm trọng thêm những căng thẳng hiện có và làm cho các nền kinh tế quốc gia dễ bị tổn thương hơn trước những biến động kinh tế bất ngờ, làm suy yếu sự đồng thuận về toàn cầu hóa.
Tính đến ngày 11/4, thống kê của Đại học Yale chỉ ra rằng hơn 600 tập đoàn đa quốc gia đã thoái vốn khỏi Nga hoặc ngừng hoạt động.
Theo Laurence Boone, nhà kinh tế trưởng của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), những lực lượng phi toàn cầu hóa này “có thể gây ra những tác động sâu sắc và khó lường.”
Theo xu hướng mới này đối với chủ nghĩa khu vực, an ninh kinh tế được xây dựng bởi chuỗi cung ứng toàn cầu, chuỗi công nghiệp và chuỗi giá trị đã phải hứng chịu những tác động mạnh mẽ.
Bối cảnh kinh tế và chính trị toàn cầu hiện nay đang trong một giai đoạn điều chỉnh mới, và sự bất ổn do quá trình phân tách kinh tế gây ra lại là nguyên nhân đầu tiên ảnh hưởng đến các tập đoàn đa quốc gia.
Tuy nhiên, thời điểm này cũng là cơ hội cho các quốc gia có năng lực hấp thụ thu hút và tạo điều kiện cho các công ty tìm kiếm cơ hội kinh tế và thị trường mới.
Các chiến lược của các tập đoàn đa quốc gia trong bối cảnh phi toàn cầu hóa
Khi xung đột giữa Nga và Ukraine tiếp tục gia tăng, cuộc đối đầu giữa các nước phương Tây và Nga đã mở rộng từ cấp độ quốc gia đến các tập đoàn kinh doanh.
Tập đoàn dầu khí British Petroleum (BP) ngày 27/2 thông báo sẽ từ bỏ 19,75% cổ phần của hãng này, trị giá khoảng 25 tỷ USD, trong tập đoàn năng lượng Rosneft của Nga.
Ngoài ra, hàng chục công ty năng lượng, bao gồm Statoil, Shell, ExxonMobil và các công ty khác đã ngừng hoạt động hoặc thông báo kế hoạch từ bỏ hoạt động ở Nga.
Ngay từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, các tập đoàn đa quốc gia, đại diện là Citibank, đã bắt đầu ứng phó với những rủi ro hoạt động phát sinh từ các biện pháp quy định không nhất quán ở các quốc gia khác nhau bằng cách thu hẹp và bán lại hoạt động kinh doanh của họ.
Kể từ năm 2008, Citibank đã bán bớt mảng bán lẻ và các mảng kinh doanh liên quan ở Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil, Ai Cập và hàng chục quốc gia khác.
Tháng 3/2022, Citi cũng đã đồng ý bán lĩnh vực ngân hàng bán lẻ ở Ấn Độ của mình cho Axis Bank, ngân hàng tư nhân lớn thứ ba của Ấn Độ, với giá khoảng 1,6 tỷ USD.
Citibank không phải là ngân hàng duy nhất đối phó với những thách thức của quá trình phi toàn cầu hóa bằng cách thu hẹp và bán các mảng kinh doanh của mình.
Tập đoàn HSBC cũng đã bắt tay thực hiện một chương trình giảm tài sản lớn trên toàn cầu kể từ năm 2011 để đáp ứng xu hướng phi toàn cầu hóa.
Chiến lược chuyển hướng sang châu Á của HSBC bao gồm việc bán bất động sản ở Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil và tăng cường đầu tư vào các khu vực châu Á như khu vực Đồng bằng sông Châu Giang ở Quảng Đông, Trung Quốc và Đông Nam Á.
Quyết định của HSBC nhằm tái khẳng định vai trò của châu Á trong chiến lược tăng trưởng của tập đoàn này chắc chắn sẽ củng cố vị trí hàng đầu của HSBC ở châu Á.
Theo báo cáo tài chính năm 2021, lợi nhuận trước thuế của HSBC tại thị trường châu Á là 12,249 tỷ USD, chiếm 64,8% tổng lợi nhuận của tập đoàn.
Lối thoát cho các tập đoàn đa quốc gia
Đại dịch COVID-19 và sự leo thang của cuộc xung đột Nga-Ukraine đã thu hẹp đáng kể các nỗ lực ứng phó với quá trình phi toàn cầu hóa của các tập đoàn đa quốc gia.
Với việc phương Tây áp đặt ngày càng nhiều các biện pháp trừng phạt đối với Nga, rất nhiều quốc gia không phải là đối tác hay đồng minh của Mỹ giờ đây đã nhận thức rõ hơn về những nguy cơ bị ràng buộc về mặt kinh tế đối với Mỹ và các đồng minh.
Đó là một thách thức chiến lược đối với các Tổng Giám đốc điều hành (CEO) của các tập đoàn đa quốc gia khi đánh giá xem những rủi ro trừng phạt do phương Tây áp đặt với Nga có liên quan như thế nào đến các lĩnh vực khác, như các mối đe dọa mạng, chủ nghĩa bảo hộ mới nổi hay các nhà thầu chính phủ.
Các tập đoàn đa quốc gia nói trên, đại diện là HSBC, phải đối mặt với nhiều tình huống khó xử. Tất cả càng có lý do để các công ty trên sớm chuẩn bị và tìm ra lối thoát phù hợp trong bối cảnh phi toàn cầu hóa.
Để né tránh tốt hơn những rủi ro do các biện pháp trừng phạt như vậy ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong tương lai, có bốn biện pháp mà các công ty đa quốc gia có thể thực hiện:
Thứ nhất, rời khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu hóa và các thị trường để hướng tới một thực tế mới của toàn cầu hóa phân mảnh, nơi quá trình nội địa hóa và khu vực hóa đang ngày càng hiện rõ. Trong bối cảnh kinh tế và chính trị quốc tế hiện nay, các yếu tố và phạm vi của an ninh quốc gia đã dần được mở rộng.
Bên cạnh các mối đe dọa an ninh truyền thống, an ninh công nghệ, an ninh mạng, an ninh môi trường, an ninh năng lượng ngày càng được các quốc gia quan tâm.
Các quy tắc quản lý do các chính phủ khác nhau thiết lập dựa trên các yêu cầu bảo mật khác nhau thường xung đột với các nguyên tắc được tuân thủ bởi thương mại tự do.
Các tập đoàn đa quốc gia chắc chắn cần phải lựa chọn trong số các quy tắc này.
Tuy nhiên, bất kể quy tắc nào được thông qua, các tập đoàn đa quốc gia đều không thể đảm bảo bảo hiểm rủi ro hiệu quả do sự phức tạp của nhiều quy định quốc gia khác nhau và sự thiếu minh bạch.
Do đó, nội địa hóa hoặc hội nhập khu vực hoạt động kinh doanh đối với các thị trường hoặc nhóm lợi ích khác nhau sẽ là xu hướng chung trong tương lai.
Thứ hai, chuyển từ phân tách bắt buộc sang phân tách chọn lọc và từ phân tách toàn diện sang phân tách có mục tiêu.
Kể từ khi Mỹ áp dụng chính sách phân tách kinh tế đối với Trung Quốc dưới thời chính quyền Tổng thống Trump, hợp tác kinh tế song phương và trao đổi văn hóa giữa Trung Quốc và Mỹ đã bị ảnh hưởng ở nhiều khía cạnh khác nhau.
Tuy nhiên, nhìn chung hợp tác giữa Trung Quốc và Mỹ vẫn đang diễn ra suôn sẻ ở một mức độ nhất định.
Giờ đây, sự rạn nứt kinh tế lớn giữa phương Tây và Nga đã chứng tỏ khả năng phân tách toàn diện, khu vực châu Á-Thái Bình Dương cần thiết lập một cơ chế kịp thời để đối phó với tình huống có thể xảy ra này.
Thay vì thụ động đối mặt với nguy cơ bị phân tách bắt buộc, các tập đoàn đa quốc gia nên áp dụng chiến lược phân tách có chọn lọc để đảm bảo sự phát triển toàn cầu.
Sau khi phân tách toàn diện với Nga, các chính phủ bắt đầu nhận ra rủi ro cao của cách tiếp cận này và dự kiến sẽ phân tách trong các lĩnh vực quan trọng như các ngành công nghệ cao trong tương lai.
Dựa trên tình hình trên, các tập đoàn đa quốc gia cần làm rõ các loại hình kinh doanh của mình, áp dụng chiến lược phân tách có chọn lọc.
Thứ ba, xây dựng một hệ thống chuỗi cung ứng đa dạng để đảm bảo toàn bộ chuỗi công nghiệp. Hệ thống chuỗi cung ứng toàn cầu đã bị ảnh hưởng rất nhiều bởi đại dịch COVID-19.
Các rủi ro mà các quốc gia khác nhau phải đối mặt trong chuỗi cung ứng công nghiệp hoàn toàn khác nhau và điều này khiến cho nguy cơ càng tăng cao.
Cùng với việc gia tăng xung đột địa chính trị gần đây, chuỗi cung ứng vốn đã mỏng manh khiến chi phí hoạt động của các tập đoàn đa quốc gia vốn dựa vào sự hợp tác toàn cầu liên tục tăng lên.
Do đó, tích cực mở rộng và phân nhỏ các kênh chuỗi cung ứng là rất quan trọng trong việc đảm bảo an ninh chuỗi cung ứng.
Đồng thời, bản chất của cạnh tranh quốc tế hiện nay là cạnh tranh về quyền kiểm soát chuỗi công nghiệp, nhất là công nghệ lõi trong chuỗi công nghiệp.
Một mặt, các tập đoàn đa quốc gia nên theo đuổi khả năng tự cung ứng trong chuỗi công nghiệp và làm chủ công nghệ cốt lõi ở mức độ lớn nhất có thể.
Mặt khác, họ nên mở rộng sự phụ thuộc xuyên biên giới của chuỗi công nghiệp để bao gồm các yếu tố địa phương và thị trường tiêu thụ nhằm tăng cường duy trì an ninh của chuỗi công nghiệp.
Thứ tư, coi trọng thị trường Trung Quốc và tạo ra một “chuỗi tăng trưởng toàn cầu đôi bên cùng có lợi.”
Sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) của Trung Quốc đã trở thành biểu tượng của sự hợp tác toàn cầu ngay cả trong bối cảnh xu hướng phi toàn cầu hóa ngày càng mở rộng.
BRI mang lại cơ hội mới cho các doanh nghiệp toàn cầu, cho phép các tập đoàn đa quốc gia và các doanh nghiệp vừa và nhỏ khám phá các thị trường mới nổi và mở rộng cơ hội kinh doanh với Trung Quốc, ASEAN, Trung Đông, Trung và Đông Âu.
Đầu tư trực tiếp phi tài chính của Trung Quốc vào các nước thuộc sáng kiến BRI đạt khoảng 20,3 tỷ USD vào năm 2021, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các tập đoàn đa quốc gia nên nắm bắt cơ hội này và sử dụng mạng lưới toàn cầu và kinh nghiệm hoạt động của họ để xây dựng cơ sở hạ tầng sâu hơn, tối ưu hóa môi trường đầu tư và phát triển thị trường tương lai ở các quốc gia thuộc BRI.
Đồng thời, các tập đoàn đa quốc gia cũng nên tận dụng lợi thế quốc tế hóa của đồng nhân dân tệ để giảm rủi ro trong thanh toán và bảo hiểm rủi ro tại các thị trường cụ thể./.