Tác động từ Mỹ và Saudi Arabia kìm hãm đà phục hồi của giá dầu

Đóng cửa phiên này tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ giao tháng 3/2016 chỉ còn tăng được 11 xu lên chốt phiên ở 30,77 USD/thùng.
Tác động từ Mỹ và Saudi Arabia kìm hãm đà phục hồi của giá dầu ảnh 1Giàn khoan dầu của Công ty dầu nhà nước Jose Antonio Anzoategui ở miền Đông Venezuela. (Nguồn: Reuters/TTXVN)

Kho dự trữ dầu thô và các chế phẩm dầu của Mỹ tăng lên cùng việc Saudi Arabia phản đối việc cắt giảm sản lượng là hai nhân tố chặn lại sức tăng của giá dầu trong phiên 18/2, sau một đợt khởi sắc trong các phiên trước đó.

Đóng cửa phiên này tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ giao tháng 3/2016 chỉ còn tăng 11 xu lên chốt phiên ở 30,77 USD/thùng, sau khi đã tăng được tới hơn 4% lên mức gần 32 USD/thùng.

Trong khi đó tại London, giá dầu Brent giao tháng 4/2016 quay đầu giảm 22 xu Mỹ xuống còn 34,28 USD/thùng, sau khi đã tăng được tới 7% trong phiên trước đó.

Nguyên nhân làm chững lại một đợt phục hồi khá mạnh trên thị trường năng lượng, được khởi phát từ cuối tuần trước, là thông tin từ Bộ Năng lượng Mỹ cho hay kho dầu dự trữ​ tuần vừa qua đã tăng thêm hơn 2 triệu thùng, trong khi dự trữ xăng và các chế phẩm dầu mỏ khác cũng đầy lên.

Dấu hiệu cho thấy về nguồn cung vẫn còn dồi dào, kết hợp với việc Saudi Arabia phản đối bất cứ kế hoạch cắt giảm sản lượng nào ở quốc gia sản xuất dầu hàng đầu này (trừ một thỏa thuận “đóng băng” sản lượng ở các mức hồi tháng Một đạt được với Nga và một số nhà sản xuất dầu khác) là hai nhân tố chặn lại đà phục hồi của giá dầu.

Bộ Năng lượng Mỹ cũng vừa đưa ra cảnh báo về việc giá dầu trong trung hạn sẽ còn chịu nhiều áp lực hơn từ các nhà sản xuất ở vùng Vịnh Mexico, khi những nước này cho biết sẽ tiếp tục nâng sản lượng trong vòng hai năm tới, bất chấp giá dầu sụt giảm.

Bộ Năng lượng Mỹ dự báo sản lượng trung bình tại các nước khu vực này sẽ đạt tới mức 1,6 triệu thùng/ngày trong năm nay và tăng lên mức gần 1,9 triệu thùng/ngày vào cuối năm 2017./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.