Khai thác khía cạnh tâm tư tình cảm, những vấn đề con người Việt Nam thời kỳ những năm 70 của thế kỷ trước bằng ngôn ngữ hiện đại, chứ không đơn giản là tính biểu hiện quen thuộc hay những hình tượng đã đóng khung thông qua nghệ thuật múa đương đại như thường thấy.
Đó là nội dung xuyên suốt sáu tác phẩm của dự án “Việt Nam những năm 70,” sẽ lần đầu tiên giới thiệu đến công chúng Thủ đô Hà Nội trong hai ngày 25-26/3, tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Các biên đạo múa Quách Hoàng Điệp với tác phẩm “Những không gian gốc,” Nguyễn Dũng với “Bến đợi,” Trần Ly Ly với “7X,” Quách Phượng Hoàng với “Tế bào..." bằng những chuyển động tinh tế, nhạy cảm kết hợp với âm nhạc sẽ kể cho khán giả câu chuyện của riêng mình từ nguồn cảm hứng cá nhân, từ những ký ức đã qua đang ngày ngày tác động tới cuộc sống con người.
“Với mục đích giới thiệu một dòng chảy đúng là nghệ thuật múa đương đại, chúng tôi muốn đóng góp thêm sức mình để mang đến cho công chúng cái nhìn đúng đắn thế nào là múa đương đại,” biên đạo múa Lê Vũ Long chia sẻ tại cuộc họp báo giới thiệu về dự án sáng nay (20/3).
Cũng theo anh, với múa đương đại, người biên đạo sử dụng “ngôn ngữ gì không quan trọng mà quan trọng là câu chuyện của chúng ta như thế nào.”
Chương trình được kỳ vọng sẽ mang một không gian mới, cách nhìn mới của các nghệ sỹ múa đương đại đến cho công chúng, để những khán giả yêu thích múa đương đại mới đang dừng ở mức độ đứng ngoài quan sát, thu nhận thông tin có hội tiếp cận và tìm hiểu sâu hơn nữa về loại hình nghệ thuật này.
“Việt Nam những năm 70” của đoàn múa Nơi Đến là tiếp nối thành công dự án “Ba mặt-Một lời” do Quỹ Trao đổi và phát triển văn hóa Đan Mạch-Việt Nam (CDEF) hỗ trợ thực hiện năm 2012, hướng tới việc kích thích sự sáng tạo của các biên đạo, giúp họ sáng tác có chiều sâu và đi theo chủ đề.
Giám đốc đoàn múa Nơi Đến Lê Vũ Long cho biết, dự án mới này sẽ được CDEF hỗ trợ triển khai tại Việt Nam trong năm 2014. “Chúng tôi hy vọng, bằng nỗ lực của mình sẽ mang đến cho khán giả những tác phẩm mới lần đầu ra mắt của các tác giả đương đại Việt Nam và sẽ có cơ hội tiếp tục xây dựng những dự án tương tự trong những năm tiếp theo,” Lê Vũ Long bày tỏ.
Được coi là đoàn nghệ thuật đương đại đầu tiên ở Việt Nam, Nơi Đến thành lập năm 2002 với các thành viên chủ chốt là những người khiếm thính, sống và làm việc tại Hà Nội. Nơi Đến thực hiện các dự án độc lập trong và ngoài nước với sự tài trợ của các tổ chức văn hóa và quỹ phát triển./.