Liên quan đến vụ tai nạn thương tâm chiều 21/1 trên quốc lộ 5 đoạn chạy qua xã Kim Lương, huyện Kim Thành, Hải Dương, theo tìm hiểu của phóng viên, việc thiết kế cầu vượt dân sinh tại đây có nhiều điểm bất hợp lý. Đây cũng được cho là một trong những nguyên nhan gián tiếp dẫn tới những cái chết đau lòng cho người đi bộ.
Cụ thể, điểm xảy ra tai nạn được xác định là Km76+410 thuộc quốc lộ 5 theo hướng lưu thông từ Hà Nội về Hải Phòng. Vị trí đoàn người bị xe đâm nằm ở lề đường sát bên phải, cách chân cầu thang nối lên cầu vượt quốc lộ 5 chừng 30m.
Theo diễn biến của vụ tai nạn, đoàn cán bộ Mặt trận của xã Kim Lương sau khi rời nghĩa trang liệt sỹ đã theo đường ngang dân sinh ra Quốc lộ 5. Do cầu vượt gần đó có thiết kế phần thang lên xuống nên cả đoàn đã quyết định đi ngược chiều để lên cầu. Đúng lúc này, xe tải mang biển kiểm soát 29C-71953 lao tới và đâm thẳng vào gần 20 người khi chỉ còn cách “đích” vài chục mét.
Thực tế, theo tìm hiểu của phóng viên, cây cầu vượt bắc qua Quốc lộ 5 vẫn có hai đường lên và xuống nằm ở hai bên rìa quốc lộ, trong phần đất của xã Kim Lương. Người dân khi lưu thông bằng các phương tiện giao thông từ bên này sang bên đối diện sẽ đi theo đường dẫn lên và xuống này.
Tuy nhiên, điểm đáng nói nhất là không hiểu vì lý do gì, cha đẻ của cây cầu vượt ấy lại quyết định “vẽ thêm” hai cầu thang nối thẳng vào lòng quốc lộ 5. Do độ dốc khá lớn nên chỉ có xe đạp và người đi bộ mới có thể sử dụng được hai cầu thang này để lên hoặc xuống.
[Vụ xe tải đâm chết 8 người ở Hải Dương diễn ra thế nào?]
Cầu vượt, thay vì dẫn người đi bộ tránh quốc lộ lại dẫn thẳng họ xuống… lòng đường vốn không hề có hành lang, lan can bảo vệ cũng đồng nghĩa dẫn thẳng họ xuống với tử thần.Việc mở lối dẫn thiếu khoa học như vậy cũng vô tình tạo ra thói quen xấu cho người dân khi… cổ xúy họ đi bộ dọc quốc lộ để lên và xuống cho tiện.
Chính hệ thống kỳ lạ này đã khiến câu cầu vượt dùng để dẫn người và phương tiện “né” quốc lộ thì nay lại có thêm tác dụng… dẫn thẳng họ xuống lòng đường vốn không có hành lang, lan can bảo vệ; đồng nghĩa dẫn thẳng họ xuống với tử thần. Việc mở lối dẫn thiếu khoa học như vậy cũng vô tình tạo ra thói quen xấu cho người dân khi khiến họ“ngầm hiểu” rằng họ được quyền sử dụng lòng quốc lộ.
Tại cuộc họp diễn ra vào chiều muộn tối qua, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cũng đã chỉ đạo và yêu cầu các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm phải làm rõ nguyên nhân gây ra vụ tai nạn thảm khốc này.
Bên cạnh yêu cầu kiểm tra và có hình thức xử lý đúng quy định về việc tại sao dữ liệu hành trình của chiếc xe gây tai nạn không được truyền về Tổng cục Đường bộ theo quy định, làm rõ trách nhiệm của chủ doanh nghiệp và lái xe gây tai nạn...Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng nhận định: khu vực xảy ra vụ TNGT là một “điểm đen” về an toàn giao thông.
Nói về chiếc cầu vượt cho người đi bộ, Bộ trưởng chỉ đạo Tổng cục đường bộ rà soát lại toàn bộ những khu vực có cầu vượt dành cho người đi bộ tương tự để chấn chỉnh nhằm đảm bảo an toàn cho người dân; yêu cầu cơ quan chức năng làm rõ trách nhiệm của Vidifi vì có một số làn vạch sơn không rõ và khẳng định: “Trách nhiệm thuộc về ai, phải làm rõ để xử lý.''
Đối với quốc lộ 5 và nhiều quốc lộ có khu công nghiệp thường có cầu cho người đi bộ qua đường, Bộ trưởng GTVT đề nghị Tổng cục Đường bộ kiểm tra ngay việc này để chấn chỉnh, đảm bảo an toàn cho người dân.
Thực tế, dọc tuyến quốc lộ 5 chạy qua xã Kim Lương có tới 4 thôn với khoảng 4.000 người dân thường xuyên đi lại. Các lối rẽ dân sinh cũng rất bất tiện, buộc người dân phải tìm lối tắt và đi ngược chiều lên cầu dân sinh để qua đường bên kia.
Theo Chủ tịch Uỷ ban nhân xã Kim Lương, ông Vũ Ngọc Uông, vị trí tai nạn đau lòng xảy ra cũng là một điểm đen giao thông. Cách đó chỉ 1 tháng, cũng chính tại khu vực này đã xảy ra vụ tai nạn khiến một bí thư chi bộ thôn tử nạn.
Xây cầu thang dẫn người đi bộ ra cao tốc, mở lối cho người dân xuống lòng quốc lộ đông nghìn nghịt xe, những “cha đẻ” của những cây cầu vượt kỳ dị này nghĩ gì khi chứng kiến cái chết thương tâm của 8 người dân Kim Lương vào chiều 21/1?./.