Tại sao Trung Quốc lại "hào phóng" với ông Donald Trump?

Một nước có tiếng là không mấy thân thiện với các thương hiệu nổi tiếng nước ngoài, như Trung Quốc, lại đồng ý bật đèn xanh hàng loạt cho các nhãn hiệu của đương kim Tổng thống Mỹ là một chủ đề nóng.
Tại sao Trung Quốc lại "hào phóng" với ông Donald Trump? ảnh 1Nhãn hiệu Trump được sử dụng cho một sản phẩm bồn cầu của Trung Quốc. (Nguồn: bigstory.ap.org

Trung Quốc vừa ra thông báo sơ bộ về việc sẽ cấp 38 văn bằng bảo hộ cho các nhãn hiệu mang tên đương kim Tổng thống Mỹ - Donald Trump. Động thái đầy bất ngờ này làm dấy lên các nghi vấn về lý do thực sự tại sao Trung Quốc lại quá hào phóng với Tổng thống Mỹ, quốc gia vốn là đối thủ của Trung Quốc trên các mặt như kinh tế, chính trị và quân sự.

Đau đầu bảo hộ thương hiệu tại Trung Quốc

Từ lâu, Trung Quốc đã được mệnh danh là công xưởng của thế giới. Sự phát triển nhanh đến chóng mặt của nền kinh tế kéo theo nhiều vấn đề pháp luật phát sinh trong thực tế. Tại đây, những bất cập trong việc bảo vệ các tài sản trí tuệ không phải ngoại lệ.

[Trung Quốc cấp phép chóng vánh cho thương hiệu Trump gây phản ứng]

Chúng ta đã từng chứng kiến các công ty lớn trên thế giới phải ngậm trái đắng khi bất lực trong việc bảo vệ thương hiệu của mình. Apple mất quyền sử dụng thương hiệu nổi tiếng iPhone vào tay một công ty làm đồ da hay phải trả đến 60 triệu USD để được sử dụng tên iPad tại Trung Quốc là những bài học nhãn tiền cho bất cứ ai muốn đầu tư kinh doanh vào đất nước đông dân nhất thế giới này.

Trước khi trở thành Tổng thống Mỹ, Donald Trump là một tỷ phú và ngôi sao giải trí có tiếng trên thế giới. Dĩ nhiên, các thương hiệu gắn liền với tên của tỷ phú người Mỹ này nhanh chóng trở thành một miếng mồi ngon cho các nhà sản xuất tại Trung Quốc.

Tại Trung Quốc, bạn có thể dễ dàng bắt gặp cái tên của đương kim Tổng thống Mỹ ở khắp mọi nơi và trong nhiều hoàn cảnh khá thú vị. Đi vệ sinh bằng bồn cầu có thể thử thai mang nhãn hiệu Trump, sử dụng bao cao su mang tên Trump, mua thiết bị y tế Trump hay thậm chí là ăn ở tại khách sạn Trump International… Có hàng trăm nhãn hiệu tại Trung Quốc có chứa tên của Donald Trump nhưng không thuộc về ngài Tổng thống Mỹ.

Donald Trump và cuộc chiến bảo hộ tên của chính mình tại Trung Quốc

Với bộ óc kinh doanh thiên bẩm, rõ ràng Donald Trump phải nhận thức được tiềm năng tại thị trường đông dân nhất thế giới, cũng như những nguy hại tiềm tàng từ việc không nắm giữ các nhãn hiệu mang tên mình. Do đó, ông Donald Trump đã bắt đầu cuộc chiến giành lại tên…chính mình từ hơn một thập kỷ qua.

Tại sao Trung Quốc lại "hào phóng" với ông Donald Trump? ảnh 2Màn hình máy tính cho thấy một số thương hiệu Trump đã được Văn phòng Nhãn hiệu Trung Quốc chấp thuận. (Nguồn: AP)

Trở lại tháng 12/2006, ông Donald Trump đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu Trump tại Trung Quốc cho dịch vụ xây dựng-ngành kinh doanh chủ đạo của vị tỷ phú này. Trớ trêu thay, đơn nhãn hiệu của Trump đã bị từ chối với lý do nhãn hiệu tương tự đã được nộp trước đó…2 tuần bởi một người đàn ông tên Dong Wei. Cuộc chiến pháp lý hơn 10 năm giữa Trump và các cơ quan cầm quyền của Trung Quốc luôn đi đến một kịch bản – Trump bị từ chối.

Tuy nhiên, mọi chuyện đã thay đổi cho đến khi Trump lên nhậm chức Tổng thống Mỹ. Cuối năm 2016, Cơ quan quản lý nhãn hiệu của Trung Quốc đã thông báo hủy nhãn hiệu Trump của Dong Wei để dọn đường cho việc cấp nhãn hiệu này cho Donald Trump.

Thậm chí, gần đây Trung Quốc đã đã thông báo sơ bộ rằng về việc cấp thêm 38 văn bằng bảo hộ cho các nhãn hiệu của đương kim tổng thống Mỹ. Các nhãn hiệu này được bảo hộ cho rất nhiều loại hàng hóa, dịch vụ khác nhau, từ nhà hàng khách sạn đến câu lạc bộ golf, dịch vụ bảo vệ, giữ cửa hay thậm chí là quảng cáo,…

Trung Quốc liệu có hào phóng?

Một quốc gia có tiếng là không mấy thân thiện với các thương hiệu nổi tiếng nước ngoài, như Trung Quốc, lại đồng ý bật đèn xanh hàng loạt cho các nhãn hiệu của đương kim Tổng thống Mỹ là một chủ đề nóng cho các nhà quan sát trên thế giới.

Nhiều người đã liên tưởng đến một thuật ngữ được sử dụng rất phổ biến trong hợp đồng của phương Tây, “consideration” - sự trao đổi, hứa hẹn. Liệu Trung Quốc có hào phóng bảo vệ cho các nhãn hiệu của Trump khi họ (Trung Quốc) không nhận lại bất kỳ lợi ích nào từ vị Tổng thống Mỹ. Thậm chí, một số bài báo còn viện dẫn mang tính ngụ ý rằng, sự kiện Donald Trump quay ngoắt 180 độ và ủng hộ chính sách “Một Trung Quốc” trong các vấn đề liên quan đến Đài Loan, như là một “consideration” của động thái cấp nhãn hiệu nhanh đến…không tưởng của Trung Quốc.

Nhiều luật sư tại Mỹ cho rằng, nếu Trump có được bất kỳ “đối xử đặc biệt” nào trong việc bảo hộ quyền đối với các nhãn hiệu của mình, điều đó có thể vi phạm Hiến pháp Hoa Kỳ. Theo đó, pháp luật ngăn cấm việc tổng thống nhận bất kỳ thứ gì có giá trị từ các chính phủ nước ngoài, trừ khi được sự chấp thuận của Quốc hội.

Các câu hỏi như: tại sao Trump lại thành công sau hơn 10 năm thất bại? Và liệu Trung Quốc có thực sự đang đòi hỏi bất kỳ ưu đãi chính sách nào từ Tổng thống Mỹ hay không?... không ai có thể giải thích bởi các bên liên quan đều không bình luận gì thêm về động thái bất thường này.

Tuy nhiên, có một thực tế phải thừa nhận đó là giá trị của nhãn hiệu – một loại tài sản trí tuệ, là vô cùng to lớn. Khi Trump là một người nổi tiếng, hàng trăm nhãn hàng ăn theo tên vị tỷ phú này tại Trung Quốc với mong muốn tận dụng danh tiếng trong công việc kinh doanh. Đến khi Trump lên ngồi vị trí của người đàn ông quyền lực nhất thế giới, các nhãn hiệu của Trump đang được đánh giá là có tiềm năng kinh doanh khổng lồ, cũng như bị đặt nghi vấn về vai trò của nó trong mối quan hệ kinh tế, chính trị giữa hai siêu cường Mỹ và Trung Quốc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.