Quốc vương Saudi Arabia Salman bin Abdul-Aziz Al Saud sẽ có chuyến công du tới châu Á ba tuần từ ngày 26/2, nhằm tìm kiếm các nguồn vốn đầu tư, trong bối cảnh nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới này đang nỗ lực đa dạng hóa nền kinh tế để tránh lệ thuộc vào dầu mỏ.
Trong chuyến công du châu Á sắp tới, Quốc vương Salman sẽ thăm các nước Malaysia, Nhật Bản, Indonesia, Trung Quốc và Maldives.
Đây là chuyến thăm đầu tiên của người trị vì Vương quốc Arab vùng Vịnh tới Nhật Bản và Indonesia trong gần 50 năm qua. Chặng dừng chân đầu tiên của Quốc vương Salman trong chuyến công du này là đồng minh thân cận Malaysia, quốc gia mà cố Quốc vương Abdullah từng tới thăm 11 năm trước.
Tuy nhiên, chuyến thăm Nhật Bản và Indonesia sẽ là tâm điểm trong chuyến công du châu Á của ông Salman. Quốc vương Saudi Arabia mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ kinh tế với Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, và Indonesia, quốc gia có dân theo đạo Hồi đông nhất thế giới.
Năm 2016, Saudi Arabia bắt đầu thúc đẩy các nỗ lực cải cách kinh tế-xã hội quy mô lớn, được biết đến là "Tầm nhìn 2030" để đa dạng hóa nền kinh tế. Chính phủ Saudi Arabia có kế hoạch phát triển các ngành phi dầu mỏ, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời thúc đẩy đầu tư với mục tiêu tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động trong nước.
Kể từ sau chuyến thăm Nhật Bản hồi năm ngoái của Phó Thái tử Mohammed bin Salman, Tokyo và Riyadh đã thảo luận về khả năng Nhật Bản có thể đóng góp cho kế hoạch cải tổ kinh tế của Saudi Arabia. Nhà nghiên cứu Shigeto Kondo thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế Năng lượng (Nhật Bản) nhận định, một số khuôn khổ hợp tác giữa hai nước có thể sẽ được công bố trong chuyến thăm Nhật Bản sắp tới của ông Salman.
Còn theo đánh giá của nhà phân tích Makio Yamada, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Hồi giáo King Faisal (Saudi Arabia), trong khi Saudi Arabia đang nỗ lực phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo, giải trí, kỹ thuật số và một số lĩnh vực khác, Riyadh mong muốn thu hút vốn đầu tư từ Nhật Bản vào những lĩnh vực này.
Chuyên gia Yamada cho rằng Nhật Bản và Saudi Arabia đã bắt đầu thúc đẩy các mối quan hệ kinh tế đa dạng hơn giữa hai nước, giữa lúc Tokyo tìm kiếm nguồn năng lượng từ nhà cung cấp dầu mỏ chủ chốt này.
Trong khi đó, các công ty Nhật Bản cũng đang giúp đào tạo các kỹ năng liên quan đến kỹ thuật, công nghệ cao cho lao động trẻ Saudi Arabia nhằm thay thế hàng triệu lao động người nước ngoài đang làm việc tại quốc gia vùng Vịnh này.
Trong khuôn khổ chuyến công du tới Indonesia, Quốc vương Salman sẽ ở thăm Jakarta từ ngày 1-3/3, sau đó ông có kỳ nghỉ 5 ngày tại đảo nghỉ dưỡng Bali. Thư ký Nội các Indonesia, ông Pramono Anung nhấn manh đây là chuyến thăm lịch sử đối với chúng tôi. Indonesia là nước có số dân theo đạo Hồi đông nhất thế giới và hàng năm có số lượng lớn công dân tới Saudi Arabia hành hương.
Chính phủ Saudi Arabia mới đây đã thông qua một loạt biên bản ghi nhớ hợp tác kinh tế giữa nước này với các quốc gia châu Á mà ông Salman dự kiến tới thăm thời gian tới. Saudi Arabia mong muốn hợp tác với Indonesia để thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ của hai nước.
Ngoài ra, Riyadh cũng mong muốn tăng cường hơn với Malaysia trên các lĩnh vực công nghiệp, thương mại và nguồn nhân lực.
Truyền thông Saudi Arabia cho biết ông Salman cũng có nhiều kỳ vọng về hợp tác kinh tế với Trung Quốc trong chyến thăm Bắc Kinh sắp tới. Nhân chuyến thăm Saudi Arabia hồi tháng 1/2016 của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hai nước đã khai trương một nhà máy lọc dầu liên doanh, dấu hiệu cho thấy sự can dự ngày càng sâu của Bắc Kinh tại Trung Đông cũng như khát vọng lớn về đa dạng hóa nền kinh tế của Riyadh./.