'Bông hoa' blouse trắng: ‘Xin gửi lại nơi này, một trái tim yêu'

Tâm sự nữ điều dưỡng chi viện: ‘Xin gửi lại nơi này, một trái tim yêu'

Để góp một phần công sức trong công cuộc phòng chống dịch COVID-19, những nữ cán bộ ngành y tế đã phải gác lại thiên chức làm mẹ, làm vợ lên đường vào các tỉnh miền Nam chống dịch.
Điều dưỡng Đinh Thị Giang Hoài - Khoa Cơ Xương khớp (Bệnh viện Hữu Nghị) tại Bệnh viện Dã chiến số 2 ở Tiền Giang. (Ảnh: PV/Vietnam+)

"Chuyện đi chi viện chống dịch tại miền Nam thì nhiều, chuyện vui có, buồn có, chống chếnh và cả hân hoan cũng có.

Nhưng tôi cũng không biết bắt đầu từ đâu, bởi thời gian hai tháng qua là một cuộc hành trình khó tả, có sự vội vã và gấp gáp, lúc lại chậm dãi như một thước phim quay chậm khi đứng bên bệnh nhân cùng những chiếc máy thở chỉ phát ra từng tiếng bíp bíp đều đặn mỗi ngày…"

Điều dưỡng Đinh Thị Giang Hoài - Khoa Cơ Xương khớp (Bệnh viện Hữu Nghị) tâm sự về hơn 50 ngày cùng đồng nghiệp nhận nhiệm vụ tham gia hỗ trợ công tác chống dịch COVID-19 tại Bệnh viện Dã chiến số 2 (Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi Tiền Giang) ở Tiền Giang.

Nỗ lực để không có những cảnh chia ly

Ngày 19/8, điều dưỡng Hoài (47 tuổi) và 29 y bác sỹ của Bệnh viện Hữu Nghị lên đường vào chi viện chống dịch tại Trung tâm ICU của Bệnh viện Dã chiến số 2 tỉnh Tiền Giang.

Trung tâm hồi sức tích cực bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi Tiền Giang là cơ sở thu dung, điều trị cho 60-80 bệnh nhân COVID-19 có diễn biến nặng, nguy kịch. Đây cũng là cơ sở điều trị tuyến cuối thuộc tháp điều trị 3 tầng của Bộ Y tế. Trung tâm được chia làm 3 tầng, tương ứng với khu điều trị bệnh nhân nguy kịch, nặng đến nhẹ và đủ điều kiện xuất viện.

[Bộ trưởng Bộ Y tế: Chiến lược vaccine đang diễn ra thành công]

Mỗi kíp trực, các điều dưỡng và y bác sỹ của trung tâm phải liên tục theo dõi và chăm sóc cho 18 bệnh nhân diễn biến nặng. Vì trực ca đêm nên ai nấy đều mệt mỏi, nhưng vì tính mạng của người bệnh cũng như trách nhiệm của một nhân viên y tế nên mọi người đều tự nhủ phải cố gắng, nỗ lực từng giây, từng phút mong sao người bệnh được khỏe mạnh trong cuộc chiến cam go này.

Nhớ về những ngày tham gia chi viện tại phương Nam, chị Hoài chia sẻ: Đó dường như là một khoảng thời gian mà với tôi cảm xúc lẫn lộn, khó diễn tả bằng lời. Chỉ biết rằng, đi qua những ngày tháng ấy, chúng tôi luôn tâm niệm phải cố gắng, nỗ lực cao nhất để làm sao không có những cảnh chia ly, những câu chuyện buồn đau do đại dịch COVID-19 gây ra…".

Điều dưỡng Hoài chăm sóc cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại Bệnh viện Dã chiến số 2 ở Tiền Giang. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Nhớ lại những ngày làm việc tại trung tâm, chị Hoài và những đồng nghiệp thấy “liều” và đầy may mắn. Bởi có những lúc cứu chữa bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch phải vận chuyển nhanh lên cấp cứu ở các tầng trên, mọi người trong trang phục bảo hộ 4 lớp bùng nhùng và khó di chuyển nhưng ai nấy cũng đều băng băng đi như bay khiêng bệnh nhân bằng cầu thang bộ chạy lên gác một cách nhanh nhất có thể.

Và một kỷ niệm khó quên nữa khiến chị Hoài và nhiều đồng nghiệp vẫn bùi ngùi khi nhắc lại, đó là khoảnh khắc chia tay sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ sau quãng thời gian "chiến đấu" gian khổ và kiên cường.

"Tôi chỉ biết rằng, trong lịch sử làm việc của mình chưa bao giờ gặp cảnh ngộ như vậy. Sau hai tháng làm việc, ngày 14/10, khi chúng tôi chia tay đoàn y bác sỹ ở Bệnh viện Dã chiến số 2 (Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi Tiền Giang). Đó cũng gần như là lần duy nhất tại nơi làm việc chúng tôi được bỏ khẩu trang sau nhiều lần xét nghiệm để nói lời chia tay với bạn đồng nghiệp," điều dưỡng Hoài kể. 

“Bên nhau trong những ngày gian khó”

Bệnh viện Dã chiến số 2 tại tỉnh Tiền Giang được thành lập ngày 16/6 trên cơ sở của Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi, với thiết kết ban đầu cho khoảng 60 giường điều trị bệnh nhân COVID-19. Sau đó, bệnh viện nâng dần công suất lên 80 giường bệnh.

Nhớ lại những ngày đầu, đối diện với nhiều ca bệnh nặng, chứng kiến ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết, làm việc liên tục, mỗi ca trực đêm của các điều dưỡng và y bác sỹ tại đây có cường độ làm việc từ 8-12 giờ/ngày. Trước sự khắc nghiệt của dịch bệnh và trước bạo bệnh, sinh mệnh con người chỉ mong manh như ngọn đèn trước gió, mỗi cán bộ y tế tại bệnh viện đều không bao giờ chùn bước để bảo vệ an toàn cho mỗi người dân, giành lại sự sống cho người bệnh.

Chị Hoài nhớ lại, có ca bệnh nhân mắc COVID-19 chuyển biến xấu và khó thở nhanh trong đêm tại tầng 3 - nơi theo dõi, điều trị cho bệnh nhân nhẹ, trung bình. Khi đó 3 y, bác sỹ của Bệnh viện Hữu nghị trong ca trực tại tầng 1 tức tốc chạy lên phòng bệnh để nắm bắt tình hình.

Bệnh viện không có thang máy để di chuyển bệnh nhân, cơ sở vật chất cũng tương đối cũ mà chỉ có 3 người, việc vận chuyển bằng cáng trong tình huống cấp bách đó rất khó khăn.

Bệnh nhân H.T.A, 66 tuổi, lúc tỉnh, lúc mê, có biểu hiện suy hô hấp, nồng độ oxy trong máu SPO2 chỉ đạt 71%. Lập tức, điều dưỡng Nguyễn Văn Mạnh của Bệnh viện Hữu nghị tiến hành sơ cứu tại chỗ, tăng nồng độ oxy, mặc dù vậy bệnh nhân vẫn không có cải thiện.

Nhận thấy người bệnh có diễn biến xấu, cả nhóm chuẩn bị cáng cứu thương, bình oxy để di chuyển bệnh nhân xuống tầng 1 là khu vực điều trị cho các ca bệnh nặng, nguy kịch.

Niềm vui của các y bác sỹ khi bệnh nhân mắc COVID-19 tại Bệnh viện Dã chiến số 2 ở Tiền Giang được xuất viện về nhà. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Lúc này kíp trực chỉ có 3 người, 1 nam và 2 nữ, người bệnh lại đang diễn biến nhanh, việc vận chuyển bằng cáng xuống 3 tầng lầu sẽ tốn rất nhiều thời gian và có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Với kinh nghiệm cấp cứu cũng như cảm quan của một điều dưỡng, điều dưỡng Mạnh ngay lập tức cõng bệnh nhân di chuyển xuống khu vực cấp cứu xuống tầng 1.

Kíp trực của chị Hoài, điều dưỡng Mạnh đêm hôm đó người cõng bệnh nhân, người đỡ lưng, nâng chân, người thì ôm bình oxy nặng gần 20kg di chuyển nhanh xuống tầng một. Trong bầu không khí căng thẳng, mỗi người một việc, đặt máy thở oxy dòng cao, đặt đường truyền, mắc monitor theo dõi. Khi bác sỹ cấp cứu cho bệnh nhân, kíp trực lại chuẩn bị máy thở, máy hút đờm và tiếp tục theo dõi sát những chỉ số sinh tồn của người bệnh.

Rất may sau đó, bệnh nhân không phải đặt nội khí quản, SPO2 lên dần 80, 85... rồi 91%. Mọi người thở phào, ai nấy đều vui mừng vì nhờ sự khẩn trương, không ngại khó khăn của các điều dưỡng mà người bệnh đã vượt qua cơn nguy kịch, từ cõi chết trở về.

Sau gần hai tháng tham gia hỗ trợ công tác chống dịch tại Tiền Giang, tối 15/10/2021 đoàn thầy thuốc gồm 30 nhân viên y tế của Bệnh viện Hữu Nghị đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và trở về bệnh viện. Với họ, gần hai tháng trôi qua là một cuốn hồi ký khó quên trong suốt quãng đời còn lại. Cuốn hồi ký có chất chứa cả niềm vui, nỗi buồn, nụ cười và cả những giọt nước mắt.

Các y bác sỹ tại Bệnh viện Dã chiến số 2 ở Tiền Giang. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Với điều dưỡng Hoài, chị tâm sự đó là chuyến đi công tác dài nhất của chị nhưng mang lại nhiều điều quý giá, là trải nghiệm không thể quên trong đời. Chia tay Tiền Giang, hoàn thành nhiệm vụ đi chi viện trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19, người phụ nữ, người điều dưỡng ấy xúc động viết nên những vần thơ đầy lắng đọng:

                Tạm biệt nhé, viện Lao đầy "máu lửa"
                Trải qua bao đêm thức trắng bên Người
                Những bước chân trong đêm đen vội vã
                Bậc cầu thang lên xuống đến ghê người

                Tạm biệt nhé, những đồng đội của tôi
                Đã bên nhau trong những ngày gian khó
               Cùng đóng góp một phần nhỏ bé
               Đẩy lùi dịch bệnh để cuộc sống được hồi sinh

               Tạm biệt nhé, những gì còn đọng lại
               Nơi ghi dấu những ngày tháng bên nhau
               Mai mốt về với nơi tôi đang sống
               Xin gửi lại nơi này, một trái tim yêu

Trong bốn tháng qua, Bộ Y tế đã điều động 20.000 cán bộ y tế từ các tỉnh, thành phố vào miền Nam phòng chống dịch bệnh COVID-19. Những ngày tham gia chi viện tại phương Nam, lực lượng nhân viên y tế phải gánh vác một khối lượng công việc rất lớn, mỗi người làm gấp ít nhất 5 lần công việc hàng ngày vốn đã rất áp lực. Ngoài khó khăn và nỗ lực vì phải đảm đương khối lượng công việc lớn, cán bộ y tế phải đối mặt với nguy cơ cao bị lây nhiễm, đã có hàng nghìn cán bộ y tế bị lây nhiễm khi đang làm nhiệm vụ.

Để góp một phần công sức trong công cuộc phòng chống dịch COVID-19, những nữ cán bộ ngành y tế đã phải gác lại thiên chức làm mẹ, làm vợ, chấp nhận những hy sinh, gian khổ lên đường vào các tỉnh miền Nam tham gia đội ngũ phòng chống dịch bệnh.

Hằng ngày, dù phải đối mặt với những hiểm nguy nhưng họ vẫn quyết tâm vượt lên trên tất cả, cho đi sức trẻ, tinh thần, sự nhiệt huyết với mong muốn sớm đẩy lùi dịch bệnh một cách nhanh nhất để cuộc sống của người dân sớm trở về bình thường như trước.

Điều dưỡng Hoài và những nữ cán bộ y tế xứng đáng là những "bông hoa" trong bộ áo Blouse trắng lặng thầm tỏa hương thơm góp phần vào thắng lợi bước đầu trong công cuộc phòng chống dịch bệnh, đem lại bình yên cho nhân dân./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục