‘Tân biểu hiện’ và cuộc chơi ‘tranh xấu' của năm nghệ sỹ đương đại

Bên cạnh việc biểu đạt những suy tư, trăn trở về thời cuộc, tranh của các tác giả tham gia triển lãm lần này cũng cho thấy phần vô thức trong con người nghệ sỹ.
Tác phẩm "Ngôi nhà của chúng tôi" của nghệ sỹ Hoàng Khánh Dư. (Ảnh: BTC)
Tác phẩm "Ngôi nhà của chúng tôi" của nghệ sỹ Hoàng Khánh Dư. (Ảnh: BTC)

Triển lãm “Tân biểu hiện” giới thiệu tới công chúng 44 tác phẩm của năm nghệ sỹ: Nguyễn Văn Thể, Phạm Thanh Toàn, Hoàng Khánh Dư, Đặng Thành và Lê Thừa Ngọc Hải.

Đó là những bức tranh được vẽ bằng chất liệu acrylic và sơn dầu trên toan khổ lớn với những mảng màu sống động, biểu hiện những luồng xúc cảm cá nhân mãnh liệt của nghệ sỹ.

Những sắc màu riêng biệt

Ông Bùi Quang Thắng (Giám đốc Nghệ thuật của Vicas Art Studio) cho hay: “Sáng tác của năm nghệ sỹ được lựa chọn để thực hiện triển lãm lần này rõ nét của trường phái tân biểu hiện trên thế giới: sử dụng ngôn ngữ hội họa với những đường nét thô ráp, mang tính biểu trưng (như các hình vẽ thời tiền sử); bút pháp nhanh, mạnh, quyết liệt; các nghệ sỹ biểu hiện cảm xúc một cách trực diện và tác phẩm cũng phản chiếu phần vô thức trong tâm hồn người nghệ sỹ…”

‘Tân biểu hiện’ và cuộc chơi ‘tranh xấu' của năm nghệ sỹ đương đại ảnh 1Ông Bùi Quang Thắng (thứ ba từ trái sang) và nhóm nghệ sỹ tham gia triển lãm. (Ảnh: Linh Trang/Vietnam+)

Triển lãm “Tân biểu hiện” kéo dài từ nay đến hết ngày 28/4 tại Vicas Art Studio (số 32 Hào Nam, Hà Nội).

[Phát hiện bản vẽ cổ xưa nhất của nhân loại tại Nam Phi]

Tuy ngôn ngữ hội họa của năm nghệ sỹ tham gia triển lãm lần này có nhiều điểm chung nhưng mỗi tác giả vẫn tạo được dấu ấn riêng trong các sáng tác. Cách vẽ của Nguyễn Văn Thể vẫn khá bản năng, phóng túng. Tranh của anh có sức hút tự thân từ bút pháp trừu tượng với những mảng màu loang, biến hóa linh hoạt.

Phạm Thanh Toàn (sinh năm 1992) là họa sỹ trẻ nhất trong nhóm. Dẫu vậy, anh  hiểu rõ tinh thần và đặc trưng ngôn ngữ của dòng tranh này nhờ quá trình học hỏi bài bản. Tranh của Phạm Thanh Toàn đầy ám ảnh về cái chết, những cơn ác mộng và suy tư về sự vĩnh hằng…

Bề mặt tranh Phạm Thanh Toàn “ngập tràn” những vệt màu xù xì, bạo liệt. Những hình nhân không đầu xuất hiện nhiều trong tranh của anh như một biểu trưng đầy ám ảnh về sự chai sạn cảm xúc, thiếu linh hồn của con người trong đời sống đương đại…

Trong khi đó Hoàng Khánh Dư là một họa sỹ dân tộc Tày. Anh luôn thể hiện thế giới quan của mình qua những bức tranh siêu thực. Trong mỗi sáng tác của anh luôn có hai thế giới song song tồn tại và có quan hệ mật thiết với nhau: thế giới đời thường (với những con người ở thực tại) và thế giới siêu hình (với sự xuất hiện của thần linh, người đã khuất)…

Tại sự kiện lần này, Đặng Thành là một trường hợp đặc biệt với loạt tranh về phụ nữ. Chỉ với những nét bút mau lẹ cùng vài mảng màu đơn giản nhưng Đặng Thành đã thể hiện tư tưởng nữ quyền rõ nét trong những sáng tác của mình: Tại sao việc hưởng thụ những thú vui trong cuộc sống lại chỉ dành cho đàn ông?

‘Tân biểu hiện’ và cuộc chơi ‘tranh xấu' của năm nghệ sỹ đương đại ảnh 2"Cái chết hay sự khởi đầu sự sống mới" của Phạm Thanh Toàn. (Ảnh: BTC)

Lê Ngọc Hải là một họa sỹ trẻ mê vẽ tranh theo trường phái tân biểu hiện. Trong anh luôn tồn tại những mâu thuẫn nội tâm phức tạp. Hình ảnh những chiếc ghế (tượng trưng cho quyền lực xã hội), những con người mang đôi cánh (với khát vọng sải cánh bay cao, bay xa nhưng lại không vượt thoát được chính thực tại đang sống) xuất hiện nhiều trong loạt tranh “Đôi cánh” của Lê Ngọc Hải tại triển lãm lần này; thể hiện những trăn trở, suy tư của anh về những góc khuất trong xã hội đương đại.

“Tranh xấu”

Theo ông Bùi Quang Thắng, trong hội họa, trường phái tân biểu hiện hay còn được gọi là “tân dã thú” hoặc “hoang dã mới.” Trường phái này do một nhóm nghệ sỹ người Đức (đứng đầu là Georg Baselitz cùng những tên tuổi lớn khác là Anselm Kiefer, Markus Lupertz, Eugen Schonebeck và A.R. Penck) khởi xướng vào những năm cuối thập niên 1970s nhằm chống lại trào lưu nghệ thuật tối giản và nghệ thuật vị niệm (với những vấn đề xa rời đời sống hiện thực) “thống trị” nền nghệ thuật châu Âu thời kỳ đó.

Về sau, trào lưu này đã lan rộng ra nhiều quốc gia ở châu Âu và phát triển rực rỡ ở Mỹ với những tên tuổi như Jean-Michel Basquiat, Elizabeth Murray...

Những chủ đề mà các họa sỹ thuộc trường phái này thường thể hiện là: con người, tính dục, huyền thoại, lịch sử, tâm lý… Trong ngôn ngữ đời thường, trường phái này còn được gọi là trường phái “tranh xấu” (bad painting).

‘Tân biểu hiện’ và cuộc chơi ‘tranh xấu' của năm nghệ sỹ đương đại ảnh 3Nguyễn Văn Thể và câu chuyện "Bán cá dọc đường." (Ảnh: Linh Trang/Vietnam+)

Giám đốc Nghệ thuật của Vicas Art Studio cũng cho rằng, loạt tranh “Tân biểu hiện” cùng sắc thái cá nhân trong tranh của năm họa sỹ đã góp phần làm sinh động hơn đời sống hội họa hiện nay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục