Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề nghị các địa phương tăng cường tổ chức đối thoại trong các khu công nghiệp, khu chế xuất để giải quyết kịp thời các nguyện vọng của người lao động, phòng ngừa tranh chấp lao động, đình công. Đặc biệt, việc đối thoại, thương lượng cần tập trung vào các doanh nghiệp có quy mô lao động lớn.
Đây là nội dung công văn số 2479/LĐ-TB&XH-QHLĐTL của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội gửi các địa phương, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về việc phòng ngừa tranh chấp lao động và đình công.
Để phòng ngừa, hạn chế tranh chấp lao động và đình công, hướng tới xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và phát triển trong doanh nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị các tỉnh, thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật lao động, xử lý nghiêm những trường họp vi phạm pháp luật lao động.
Đặc biệt, việc kiểm tra tập trung vào những địa bàn có nhiều doanh nghiệp, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động và những nội dung dễ phát sinh tranh chấp lao động như tiền lương, làm thêm giờ, phúc lợi, ăn ca, đóng, hưởng bảo hiểm xã hội…
[Giải quyết tranh chấp lao động: Đình công đang là "vũ khí" đầu tiên]
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng đề nghị các địa phương khi xảy ra đình công cần sớm tìm hiểu nguyên nhân, chủ động hỗ trợ các bên thương lượng, giải quyết tranh chấp, sớm ổn định tình hình. Bên cạnh đó, thường xuyên theo dõi, tổng hợp và báo cáo tình hình tranh chấp lao động, đình công trên địa bàn về Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.
Đối với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, VCCI, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng đề nghị các cơ quan này đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật; tăng cường các hoạt động đối thoại thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, giải quyết những vấn đề vướng mắc, phát sinh trong quan hệ lao động./.