Thực hiện "mục tiêu kép" vừa kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 vừa khôi phục phát triển kinh tế-xã hội, tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, nhiều giải pháp tăng cường thông tin, cung ứng nguồn lao động, đáp ứng nhu cầu phục hồi sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp trong khu vực, đang được triển khai đồng bộ, kịp thời.
Tăng kết nối cung-cầu
Tăng cường dự báo nhu cầu tuyển dụng, kết nối cung-cầu lao động trên cơ sở sát thực cả về số lượng cần tuyển dụng cũng như nguồn lao động hiện có, nhiều chương trình giới thiệu việc làm, sàn giao dịch việc làm trực tuyến hoặc trực tiếp được các địa phương triển khai đồng loạt trong những tháng cuối năm.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên thành phố tiếp tục tổ chức chương trình Tiếp sức người lao động với gói hỗ trợ tìm việc làm "3 trong 1" đến hết tháng 11 gồm: cung cấp thông tin, giới thiệu việc làm; hỗ trợ tìm nhà trọ với chi phí hợp lý và xét nghiệm SARS-CoV-2 miễn phí trước khi vào làm việc.
Theo thông tin từ Ban Quản lý các khu chế xuất, Khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, đến đầu tháng 11, hơn 1.340/1.400 doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, khu chế xuất đã có thông báo phục hồi sản xuất kinh doanh với trên 216.000 người lao động đăng ký đi làm trở lại.
Còn tại tỉnh Bình Dương, theo ông Nguyễn Lộc Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, để góp phần phục hồi sản xuất, tỉnh tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp về nguồn lao động trong trường hợp thiếu hụt nhân sự, bảo đảm không đứt gãy chuỗi sản xuất; tiếp tục có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động phù hợp tình hình địa phương.
Tỉnh cũng tăng cường vai trò hệ thống giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn trong việc phối hợp, liên hệ với các doanh nghiệp có nhu cầu được hỗ trợ, từ đó xây dựng phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động, ký hợp đồng liên kết đào tạo với doanh nghiệp.
Đầu tháng 11, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương và Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Cà Mau ký ghi nhớ chia sẻ thông tin thị trường lao động và kết nối người lao động bị ảnh hưởng dịch COVID-19 quay lại thị trường lao động.
[Cần có giải pháp căn cơ về đào tạo nghề, hướng nghiệp cho lao động]
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương làm đầu mối cung cấp thường xuyên nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp; kế hoạch sử dụng lao động gắn với từng giai đoạn hoạt động của doanh nghiệp.
Hai trung tâm phối hợp tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tuyến, đóng vai trò cầu nối giữa người tìm việc-việc tìm người; phối hợp đưa lao động tại Cà Mau trở lại Bình Dương làm việc.
Trong những tháng cuối năm, nhu cầu tuyển dụng tại tỉnh Bình Dương là khoảng 50.000 lao động.
Cùng thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Long An đã thành lập Tổ vận động, hỗ trợ công dân, người lao động làm việc trên địa bàn tỉnh; thông tin về Kế hoạch phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn để người lao động nắm bắt chính xác và có cơ sở quyết định ở lại làm việc.
Tỉnh tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động tại các huyện, thị xã, thành phố, qua đó thông tin kịp thời nhu cầu tuyển dụng, điều kiện làm việc và chính sách hỗ trợ của doanh nghiệp cũng như các cơ quan chức năng đối với người lao động.
Theo Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Long An Nguyễn Đại Tánh, đơn vị đã có văn bản đề nghị các doanh nghiệp đăng ký nhu cầu tuyển dụng lao động trong những tháng cuối năm 2021 và cả năm 2022. Trên cơ sở này, đơn vị hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các phiên giao dịch việc làm, kết nối trực tiếp với người lao động; mở rộng các phiên giao dịch chuyên đề đến các trường đại học, cao đẳng hay các trường hợp vừa hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương.
Ông Eric Chen, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Tainan Enterprises (Việt Nam) ở Khu Công nghiệp cửa khẩu Bình Hiệp-Khu Kinh tế cửa khẩu Long An, cho biết công ty sản xuất, kinh doanh ngành hàng dệt may, hiện có trên 1.000 lao động và đã có đơn hàng đến tháng 3/2022.
Diện tích thuê đất trong khu công nghiệp còn rộng và một số dây chuyền của doanh nghiệp vẫn thiếu lao động. Vì vậy, công ty đang có nhu cầu tuyển thêm 300-500 công nhân để nhanh chóng "lấp đầy" các vị trí sản xuất còn trống.
Chăm lo đời sống người lao động
Song song với việc tăng cường dự báo, kết nối người lao động với đơn vị có nhu cầu tuyển dụng, các địa phương và doanh nghiệp cũng nỗ lực quan tâm, chăm lo, tạo sự an tâm cho người lao động ổn định việc làm lâu dài.
Thông tin từ Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương, trên địa bàn tỉnh có hơn 1,2 triệu công nhân, phần lớn là người ngoại tỉnh. Các cấp Công đoàn trong tỉnh đã hoàn thành nhiều thiết chế văn hóa phục vụ người lao động.
Bình Dương đã xây dựng nhà ở xã hội, đáp ứng chỗ ở cho trên 180.000 lao động. Tuy nhiên, các dự án nhà ở này vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu của lượng lớn người lao động, nhất là lao động ngoại tỉnh.
Thời gian tới, tỉnh tạo mọi điều kiện về đất đai, vị trí xây dựng, cùng với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp tục xây dựng nhà ở giúp người lao động thực sự an cư, yên tâm gắn bó lâu dài tại Bình Dương.
Tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch phối hợp thu hút, đón người lao động từ các tỉnh, thành phố khác có nhu cầu trở lại làm việc tại Bình Dương. Người lao động từ các tỉnh, thành phố trở lại Bình Dương làm việc được ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 nếu chưa tiêm mũi 1 cũng như được đẩy nhanh tiến độ tiêm mũi 2 nhanh chóng, an toàn để đảm bảo đủ điều kiện, sớm trở lại các doanh nghiệp làm việc.
Theo lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An, tỉnh đã quy hoạch 35 khu công nghiệp. Hiện 16 khu công nghiệp đang hoạt động, 19 khu đang giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư. Nếu 19 khu công nghiệp này đi vào hoạt động, Long An có tổng cộng gần 2 triệu công nhân, lao động. Tỉnh đang xây dựng đề án 500 nghìn-1 triệu nhà ở xã hội cho công nhân, trong đó có hạng mục cho thuê và bán.
Ông Nguyễn Thành Thanh - Trưởng ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Long An, cho biết tỉnh đã sớm ưu tiên nguồn vaccine phòng COVID-19 cho công nhân lao động để ổn định sản xuất. Đến thời điểm này, phần lớn công nhân đang là việc tại các doanh nghiệp đã được tiêm đủ hai mũi vaccine.
Các địa phương và bản thân từng doanh nghiệp cũng có những chính sách hỗ trợ người lao động như ứng trả lương trước một phần nên đã góp phần "giữ chân" nhiều lao động. Vì vậy, đã có 84% doanh nghiệp trong các khu công nghiệp phục hồi sản xuất, khoảng trên 68% người lao động trở lại làm việc.
Để doanh nghiệp yên tâm phục hồi sản xuất, người lao động an tâm làm việc gắn với đảm bảo an toàn phòng dịch COVID-19, tỉnh cũng quy định rõ nhiều nội dung phối hợp để cùng xử lý, tháo gỡ kịp thời khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và người lao động với phương châm "sản xuất phải an toàn, an toàn mới sản xuất."
Về những hoạt động chăm lo đời sống người lao động của tổ chức công đoàn, lãnh đạo doanh nghiệp, chị Trần Thị Tuyết Nga - phụ trách dây chuyền may của Công ty trách nhiệm hữu hạn Victory International (Việt Nam), Khu công nghiệp cửa khẩu Bình Hiệp-Khu Kinh tế cửa khẩu Long An chia sẻ thời điểm thực hiện giãn cách để phòng, chống dịch COVID-19, chị và một số lao động ở lại công ty theo phương án sản xuất "3 tại chỗ" và đã nhận được sự động viên, hỗ trợ của tổ chức công đoàn, lãnh đạo doanh nghiệp. Khu vực ăn uống được trang bị vách ngăn, đảm bảo vệ sinh phòng dịch. Người lao động được ưu tiên tiêm vaccine sớm.
Ngoài giờ sản xuất, người lao động còn được tham gia một số hình thức giải trí phù hợp nhưng vẫn đảm bảo giãn cách như "bốc thăm trúng thưởng," giúp thư giãn, thoải mái hơn về tinh thần trong thời gian thực hiện "3 tại chỗ."
Trong thời gian thực hiện "3 tại chỗ" cũng như hiện nay, thu nhập của người lao động được công ty đảm bảo nên chị và gia đình rất yên tâm./.