Tăng cường quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt-Trung

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ thăm chính thức Trung Quốc, từ ngày 7-10/4 tới, theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Tăng cường quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt-Trung ảnh 1Ông Tề Kiến Quốc, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Trung Quốc-Việt Nam, cựu Đại sứ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Việt Nam. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Trước thềm chuyến thăm chính thức Trung Quốc trong các ngày từ ngày 7-10/4 tới của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh đã có cuộc trao đổi với ông Tề Kiến Quốc, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Trung Quốc-Việt Nam, cựu Đại sứ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Việt Nam về mối quan hệ song phương.

Theo ông Tề Kiến Quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang thăm chính thức Trung Quốc đúng vào dịp 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Trung Quốc-Việt Nam có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Trong chuyến thăm này, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo cấp cao khác sẽ hội đàm, hội kiến với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Dự kiến hai bên sẽ đi sâu trao đổi về các vấn đề quan trọng như quan hệ hai Đảng, hai nước, hợp tác khu vực và tình hình quốc tế, rất có thể sẽ đạt được nhiều nhận thức chung mới.

Ông Tề Kiến Quốc nêu rõ 65 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao Trung Quốc-Việt Nam đến nay, hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước đã thông cảm, giúp đỡ và ủng hộ lẫn nhau trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội, vun đắp mối tình hữu nghị sâu đậm. Mặc dù hai nước không tránh khỏi có những vấn đề này hay vấn đề kia, song hợp tác hữu nghị luôn là dòng chảy chính trong quan hệ hai nước.

Ông bày tỏ lạc quan về quan hệ Trung Quốc-Việt Nam. Có hai căn cứ chủ yếu, một là nền tảng hữu nghị Trung Quốc-Việt Nam sâu đậm. Mối quan hệ hữu nghị truyền thống Trung Quốc-Việt Nam do Chủ tịch Mao Trạch Đông và Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo tiền bối hai nước dày công vun đắp, được các nhà lãnh đạo hai nước qua nhiều thời kỳ giữ gìn và phát huy, được nhân dân hai nước ủng hộ.

Hai là, hai nước có nhiều lợi ích chung. Hai nước đều là nước xã hội chủ nghĩa, đều coi sự phát triển của nước kia là cơ hội phát triển của nước mình, cùng đứng trước thách thức “diễn biến hòa bình” của phương Tây. Vì vậy, bảo vệ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và chế độ xã hội chủ nghĩa, duy trì đất nước ổn định, thực hiện phát triển kinh tế là lợi ích chung của hai nước.

Từ những cơ sở trên, ông Tề Kiến Quốc cho rằng, mặc dù trên con đường phát triển trong thời gian tới hai nước có thể xảy ra vấn đề này hoặc vấn đề kia, nhưng chỉ cần hai bên đều coi trọng đại cục của hai nước, giải quyết thỏa đáng các vấn đề còn tồn tại, quan hệ Trung Quốc-Việt Nam nhất định sẽ không ngừng phát triển lành mạnh.

Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Trung Quốc-Việt Nam Tề Kiến Quốc nhấn mạnh để củng cố và tăng cường quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung Quốc-Việt Nam, hai nước quán triệt thực hiện đầy đủ "phương châm 16 chữ" và "tinh thần 4 tốt," thúc đẩy hợp tác thiết thực trên nhiều lĩnh vực như chính trị, kinh tế-thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật, quốc phòng, an ninh…, đưa quan hệ Trung Quốc-Việt Nam không ngừng tiến lên tầm cao mới.

Cùng với đó, hai nước cần nỗ lực tạo dựng nền tảng hữu nghị Trung Quốc-Việt Nam trong lòng người dân hai nước. Thực tiễn 65 năm qua đã chứng minh, nhân dân Trung Quốc-Việt Nam có mối quan hệ hữu nghị truyền thống, chung sống hòa thuận, thông cảm và ủng hộ lẫn nhau, đây là nền tảng quan trọng để quan hệ hai nước không ngừng phát triển.

Tuy nhiên những năm gần đây do vấn đề trên biển đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến lòng tin và tình cảm của hai bên. Vì vậy, hai bên cần tiếp tục tổ chức tốt các hoạt động giao lưu đã được thực hiện thành công như diễn đàn nhân dân, liên hoan nhân dân, liên hoan hữu nghị thanh niên….

Đồng thời, 2 bên cần phát huy mối quan hệ hữu nghị truyền thống thông qua nhiều kênh khác nhau, như xây dựng trung tâm văn hóa ở mỗi nước, tăng số lượng du học sinh, thúc đẩy du lịch và giao lưu nhân dân…, thực hiện nhiều hơn nữa những công tác góp phần tăng cường lòng tin và giảm thiểu sự hiểu lầm, hiểu sai về quan hệ song phương, trong đó truyền thông đóng vai trò đặc biệt quan trọng, từ đó đảm bảo mối quan hệ hữu nghị truyền thống Trung Quốc-Việt Nam bền vững.

Tới đây, nhân dịp kỷ niệm 125 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội hữu nghị hai nước sẽ tổ chức “Hành trình đỏ theo dấu chân Bác Hồ” tại Quảng Tây, Trung Quốc.

Chuyến đi sẽ đưa nhân dân hai nước ôn lại mối tình hữu nghị, đoàn kết chiến đấu của các nhà lãnh đạo tiền bối hai nước, để thanh niên hai nước hiểu hơn về lịch sử, về tình hữu nghị truyền thống không dễ có được, qua đó nỗ lực kế thừa và phát huy.

Liên quan tới vấn đề lãnh hải, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Trung Quốc-Việt Nam Tề Kiến Quốc cho rằng trước hết, Trung Quốc và Việt Nam phải tận dụng tốt các cơ chế đàm phán hiện có, kiên trì thông qua hiệp thương hữu nghị tìm ra biện pháp giải quyết căn bản và lâu dài mà hai bên đều chấp thuận.

Thứ hai, hai bên còn cần tận dụng tốt cơ chế đường dây nóng đã được thiết lập, kiềm chế bất đồng, giải quyết thỏa đáng các vấn đề mới phát sinh.

Ngoài ra, giới chức hai nước nên đẩy nhanh đàm phán của Nhóm công tác hợp tác trên biển về lĩnh vực ít nhạy cảm, nỗ lực triển khai các dự án hợp tác trên biển trong Năm hợp tác biển ASEAN- Trung Quốc 2015.

Mặt khác, Trung Quốc và Việt Nam cần cùng với các quốc gia Đông Nam Á thực hiện đầy đủ các quy định trong Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và thúc đẩy đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), cùng nhau duy trì ổn định ở Biển Đông.

Ông Tề Kiến Quốc cũng nhận định sự kết nối thực chất giữa Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á với Trung Quốc sẽ góp phần làm sâu sắc thêm quan hệ song phương cũng như quan hệ ASEAN-Trung Quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục