Tăng quy mô khảo sát môi trường kinh doanh tại 13 tỉnh, thành

Chương trình khảo sát môi trường kinh doanh về thuế, hải quan 2016 sẽ được triển khai ở 13 tỉnh thành, tăng so với con số 6 địa phương năm 2015.
Tăng quy mô khảo sát môi trường kinh doanh tại 13 tỉnh, thành ảnh 1(Ảnh minh họa: Hoàng Hùng/TTXVN)

Ngày 7/3 tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Bộ Tài chính và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sơ kết Chương trình phối hợp giám sát thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực thuế và hải quan năm 2015.

Đại diện các đơn vị thực hiện giám sát, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhận định, thông qua chương trình này, lần đầu tiên, cộng đồng doanh nghiệp được tham gia lấy ý kiến về việc thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ. Qua đó, thúc đẩy vai trò chủ động và tạo kênh kết nối hữu ích giữa cơ quan Nhà nước với doanh nghiệp.

Chương trình đã thu được những đánh giá khách quan, độc lập, góp phần thúc đẩy quá trình cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế và hải quan.

Ông Nguyễn Thiện Nhân, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đánh giá cao vai trò và ý nghĩa của chương trình phối hợp giám sát việc thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực thuế và hải quan.

Trong những chương trình tiếp theo, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam yêu cầu các đơn vị thực hiện, đặc biệt là VCCI cần tăng cường tuyên truyền nội dung các quy định về cải cách thủ tục hành chính, nhất là tập trung vào các lĩnh vực thuế và hải quan.

Năm 2016, toàn bộ nền kinh tế sẽ hướng mũi tập trung vào các vấn đề liên quan tới hội nhập quốc tế. Do vậy, doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị tốt, nhằm tăng năng lực cạnh tranh, tăng hiểu biết để sẵn sàng hội nhập.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế VCCI cho biết, năm 2015, cùng nhiều đơn vị có liên quan, VCCI đã tiến hành khảo sát đối với 180 đơn vị; trong đó, gồm 153 hiệp hội và 27 Liên minh hợp tác xã. Chương trình đã được khảo sát tại 3 miền: Bắc, Trung và Nam, đối với 6 tỉnh là Hà Nội, Lào Cai, Đà Nẵng, Quảng Nam, Thành phố Hồ Chí Minh và An Giang.

Đại diện Bộ Tài chính, Thứ trưởng Vũ Thị Mai nhận định, chương trình phối hợp giám sát lĩnh vực thuế, hải quan là nội dung quan trọng đối với Bộ Tài chính. Kết quả giám sát sẽ là thước đo, đánh giá trung thực, khánh quan nhất về cải cách mà Bộ Tài chính đã đạt được trong thời gian qua, cũng như những tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới.

Cũng tại hội nghị, bà Phạm Thu Hương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam công bố kế hoạch Chương trình khảo sát thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực thuế và hải quan năm 2016.

Theo đó, chương trình sẽ tăng quy mô khảo sát lên 13 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu, Cần Thơ, Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Bắc Ninh, Khánh Hòa và Quảng Ninh.

Tuy nhiên, phạm vi khảo sát sẽ được thu hẹp lại chỉ nhắm vào 100 đơn vị thay vì 180 đơn vị như năm 2015.

Bốn nội dung khảo sát dự kiến gồm việc thực hiện các thủ tục khai và nộp thuế điện tử đối với ngành thuế; kiểm tra chuyên ngành trong hoạt động thông quan của ngành hải quan; sự đồng bộ trong việc thực hiện các cải cách thủ tục hành chính, giữa các cơ chế, chính sách trong lĩnh vực thuế và hải quan; hiệu quả liên thông, liên ngành trong công tác phối hợp giữa các ngành nhằm cụ thể hóa cách thức cải cách thủ tục hành chính thuế và hải quan trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên, môi trường, thông quan, hậu kiểm và hoàn thuế giá trị gia tăng…

Các cơ quan thuế và hải quan địa phương, cùng các hiệp hội, doanh nghiệp ngành thủy sản, dệt may, thép, da giày, lương thực…. sẽ là những đối tượng chính thực hiện giám sát./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.