Tăng trần nợ công: 'Rủi ro rất lớn cho an ninh tài chính quốc gia'

Theo đại biểu Nguyễn Hữu Toàn, nếu tăng trần nợ công lên đến 51% vào năm 2025 thì dư nợ công lúc đó khoảng 6,5 triệu tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với đầu nhiệm kỳ, do vậy phải hết sức thận trọng.
Tăng trần nợ công: 'Rủi ro rất lớn cho an ninh tài chính quốc gia' ảnh 1Quốc hội thảo luận ở hội trường về kinh tế-xã hội chiều 9/11. (Ảnh: TTXVN)

Tại phiên thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022; báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19, diễn ra chiều 9/11, một số ý kiến đã tranh luận về việc nới trần nợ công đồng thời đề xuất các chính sách giúp doanh nghiệp vượt khó do đại dịch COVID-19.

Cân nhắc điều chỉnh nợ công

Theo đại biểu Quốc hội Hà Đức Minh (Đoàn Lào Cai), mặc dù đã có nhiều cơ chế, chính sách về miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và các gói hỗ trợ trực tiếp người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh..., song so với yêu cầu và mặt bằng chung, các gói hỗ trợ, kích thích này chưa bảo đảm được tính toàn diện và bền vững.

Do đó, đại biểu Hà Minh Đức đề nghị cần đánh giá căn cơ tổng nhu cầu cần hỗ trợ của người dân, doanh nghiệp và các thành phần kinh tế như thế nào để vượt ngưỡng khó khăn và khả năng đáp ứng của ngân sách Nhà nước, từ đó đưa ra các gói kích thích kinh tế để lớn, đủ rộng trong khoảng thời gian đủ dài để đạt được các mục tiêu.

Đáng chú ý, để có thêm nguồn lực phục hồi kinh tế, đại biểu Đoàn Lao Cai đề xuất tăng mức bội chi ngân sách thêm 100.000 tỷ đồng (khoảng 1% GDP) để có thêm nguồn lực thực hiện các mục tiêu chống dịch và phát triển. Việc tăng bội chi ngân sách thực hiện ngắn hạn trong 3 năm 2022-2024. Tiếp đến, thực hiện nới trần nợ công lên 50-52% GDP.

“Trần nợ công được quy định là 60%, hiện mới đạt 44-46%. Do vậy hoàn toàn có thể nới nợ công để có thể tiếp tục huy động vốn vừa chống dịch vừa hỗ trợ doanh nghiệp và người dân...,” đại biểu Hà Đức Minh nêu ý kiến.

[Đại biểu Quốc hội lo ngại bong bóng chứng khoán, bất động sản]

Tuy nhiên, khi tranh luận về đề xuất tăng trần nợ công lên 50-52% GDP, đại biểu Nguyễn Hữu Toàn (Đoàn Lai Châu), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho rằng, mức tăng này sẽ khiến dư nợ công đến năm 2025 tăng gấp 2 lần so với đầu nhiệm kỳ, tạo ra rủi ro rất lớn cho an ninh tài chính quốc gia, bởi nhìn vào nợ công của năm 2021 và đang chuẩn bị cho năm 2022, dư nợ công vào khoảng 44% GDP.

“Nhìn tỷ lệ thì thấp nhưng là do năm 2021 đã điều chỉnh GDP tăng hơn 1 triệu tỷ đồng, tương đương với mức tăng 25%. Như vậy, mẫu số tăng lên, số dư nợ tuyệt đối không giảm, mức độ tăng nợ vẫn còn. Do đó cần hết sức quan tâm vì mức trả nợ lãi và gốc đã xấp xỉ mức 25%, có nghĩa là cứ 4 đồng chi tiêu thì sẽ có 1 đồng chi cho trả nợ,” đại biểu này nói.

Cũng theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, thời gian qua nợ công tăng đều và liên tục qua các năm. Trong giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng nợ bình quân là 18,1%/năm.

Nhận thức được điều đó, đến giai đoạn 2016-2020, Quốc hội, Chính phủ đặt ra mục tiêu ưu tiên kiểm soát nợ công để bảo đảm an ninh tài chính và cân đối vĩ mô. Vì vậy, tốc độ tăng nợ công được rút xuống còn trên 6,54% và trong kế hoạch tài chính 5 năm hiện nay đã xác định tăng khoảng 11%.

"Nếu tăng trần nợ công lên đến 51% vào năm 2025 thì dư nợ công lúc đó khoảng 6,5 triệu tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với đầu nhiệm kỳ. Do đó, phải hết sức thận trọng," đại biểu Nguyễn Hữu Toàn nhấn mạnh.

Sử dụng đầu tư như công cụ kích thích tổng cầu

Thực tế cho thấy đại dịch COVID-19 đã tác động rất lớn tới hoạt động sản xuất-kinh doanh của các doanh nghiệp và ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống, sinh hoạt của người dân. Do vậy, việc phục hồi kinh tế sau dịch là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hiện nay.

Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, kinh nghiệm giai đoạn 2011-2015 cho thấy để phục hồi kinh tế sau khủng khoảng tài chính toàn cầu 2008-2009, Việt Nam đã sử dụng công cụ đầu tư công để kích thích tổng cầu bằng cách tăng bội chi ngân sách thông qua phát hành trái phiếu tài trợ.

Từ dẫn chứng này, ông đề nghị cần sử dụng đầu tư công như công cụ kích thích tổng cầu, làm “vốn mồi” để thu hút đầu tư xã hội. Rà soát lại danh mục đầu tư công trung hạn theo hướng ưu tiên đầu tư cho kết cầu hạ tầng giao thông, kết nối mạng lưới logistics và liên kết vùng, xây dựng hạ tầng số và tăng vốn đối ứng để thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công tư.

“Hiện nay, tuy chúng ta lo lắng về trần nợ công và tỷ lệ nợ đến hạn phải trả so với tổng thu ngân sách hằng năm, nhưng dù sao dư địa của chính sách tài khóa vẫn còn rộng hơn so với chính sách tiền tệ khi phải linh hoạt ứng phó với áp lực tăng nợ xấu và kiểm soát lạm phát,” đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn nêu quan điểm.

Tăng trần nợ công: 'Rủi ro rất lớn cho an ninh tài chính quốc gia' ảnh 2Đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai Hà Đức Minh phát biểu. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Trong khi đó, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) lưu ý việc tăng đầu tư công lên mức cao hơn cần phải chú ý đến yếu tố giải ngân và xem xét ưu tiên đầu tư các khu vực trọng tâm, trọng điểm có tính lan tỏa để góp phần tăng nguồn thu ngân sách trong giai đoạn tới.

Ông nhấn mạnh hiện nay, tuy nợ công có giảm nhưng nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ đã lên đến 24,8% so với mức trần là 25%.

Để đạt mức tăng trưởng từ 6-6,5%, đại biểu này cho rằng cần phải huy động được vốn đầu tư xã hội trên 3 triệu tỷ đồng, trong đó nguồn vốn nhân dân là gần 2 triệu tỷ đồng.

“Muốn vậy, cần phải có gói hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp và có thể hỗ trợ từ 2-3% cho khoản dư nợ từ 1-2 triệu tỷ đồng và nếu hỗ trợ trong 2 năm, cần nguồn lực là 40.000-60.000 tỷ đồng. Khoản này có thể lấy từ nguồn vốn đầu tư công chưa phân bổ,” đại biểu Trần Hoàng Ngân kiến nghị./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.