Tăng trưởng GDP của Trung Quốc ước tính chỉ đạt 6,2% trong quý 2

Theo kết quả cuộc thăm dò các chuyên gia kinh tế do hãng AFP tiến hành, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong quý 2/2019 đứng ở mức thấp nhất trong gần 3 thập kỷ qua.
Tăng trưởng GDP của Trung Quốc ước tính chỉ đạt 6,2% trong quý 2 ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: The Financial Express)

Theo kết quả cuộc thăm dò các chuyên gia kinh tế do hãng AFP tiến hành, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong quý 2/2019 đứng ở mức thấp nhất trong gần 3 thập kỷ qua, do bị ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại với Mỹ và nhu cầu toàn cầu sụt giảm.

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới ước tính chỉ đạt mức tăng trưởng 6,2% trong giai đoạn từ tháng 4-6/2019.

Cùng với số liệu phân tích của Moody, nhà kinh tế hàng đầu của APAC, Steven Cochrane cho biết các chính sách thuế hiện nay của Mỹ đối với hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc đã tác động đến nền kinh tế này.

[Cách Trung Quốc đứng vững trước sóng gió thương mại với Mỹ]

Sản xuất công nghiệp và xuất khẩu cũng sụt giảm, với lượng xuất khẩu sang Mỹ giảm đáng kể.

Kết quả khảo sát này được thực hiện với 10 chuyên gia kinh tế, đưa ra trước khi có công bố chính thức về số liệu Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc vào ngày 15/7 tới.

Dự báo này sẽ đánh dấu mức tăng trưởng GDP hàng quý tồi tệ nhất trong gần ba thập kỷ qua của Trung Quốc, song vẫn nằm trong phạm vi mục tiêu của chính phủ nước này là từ 6-6,5% cho cả năm 2019. Nền kinh tế Trung Quốc đã đạt mức tăng trưởng 6,6% trong năm 2018.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 10/5 đã ra lệnh áp mức thuế bổ sung, tăng từ 10% lên 25% đối với lượng hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD, trong khi hai bên đang tiến hành đàm phán.

Ông chủ Nhà Trắng còn cảnh báo áp thuế 25% đối với toàn bộ hàng hóa còn lại nhập khẩu từ Trung Quốc có giá trị khoảng 325 tỷ USD. Đáp lại, từ ngày 1/6 Trung Quốc đã tăng thuế đối với 60 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.