Tăng trưởng kinh tế Indonesia thấp hơn dự báo hồi đầu năm

Tổng thống Indonesia Joko Widodo khẳng định tình trạng bất ổn toàn cầu vẫn phủ bóng đen lên nền kinh tế Indonesia khiến tốc độ tăng trưởng chậm lại.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo (giữa) phát biểu tại Jakarta, Indonesia, ngày 20/10/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tổng thống Indonesia Joko Widodo (giữa) phát biểu tại Jakarta, Indonesia, ngày 20/10/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Indonesia, phát biểu tại Diễn đàn CEO vừa được tổ chức tại thủ đô Jakarta, Tổng thống Indonesia Joko Widodo dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này sẽ ở mức 5,04-5,05% trong năm nay, thấp hơn mục tiêu 5,3% được đề ra từ đầu năm.

Tổng thống Widodo khẳng định tình trạng bất ổn toàn cầu vẫn phủ bóng đen lên nền kinh tế Indonesia, khiến tốc độ tăng trưởng chậm lại.

Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo rằng kinh tế giảm tốc có thể còn tồi tệ hơn do các vấn đề tồn tại chưa được giải quyết.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế 5% vẫn cao hơn phần lớn các nước G20, ngoại trừ Trung Quốc và Ấn Độ. Tổng thống Widodo nói: “Tất cả các quốc gia trên thế giới đều phải đối mặt với tình trạng bất ổn bên ngoài. Do vậy, chúng ta cần tập trung đối mặt với các thách thức bên ngoài đồng thời giữ tâm trạng lạc quan.”

[Indonesia kêu gọi đầu tư vào các dự án hàng hải trị giá 91 tỷ USD]

Ông Widodo cũng tin rằng Indonesia có thể giải quyết tình trạng thâm hụt tài khoản vãng lai vốn đang gây gánh nặng cho nền kinh tế nước này, và đề xuất một số biện pháp, trong đó có việc gia tăng xuất nhập khẩu các sản phẩm thay thế.

Theo đó, cải thiện xuất nhập khẩu là phần quan trọng nhất. Nguyên nhân là Indonesia phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu nguyên liệu thô, điều khiến quốc gia này dễ bị tác động từ biến động giá cả toàn cầu.

Mặt khác, Indonesia cũng thích nhập khẩu dầu khí hơn là tối ưu hóa sản xuất trong nước.

Tổng thống Widdodo nhấn mạnh: “Đây là vấn đề lâu dài, song với việc chuyển đổi kinh tế, chúng ta có thể giải quyết vấn đề thâm hụt tài khoản vãng lai trong ba hoặc bốn năm tới.”

Bên cạnh đó, ông cũng chỉ đạo Ủy ban điều phối đầu tư nỗ lực thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thông qua phát triển du lịch.

Về kế hoạch kinh tế năm 2020, Tổng thống Widodo cho biết Indonesia đặt mục tiêu nâng tăng trưởng lên mức 5,6%, chủ yếu được thúc đẩy từ các hoạt động đầu tư (dự kiến tăng trưởng 7,0 đến 7,4%) và xuất khẩu (5,5 đến 7,0%).

Ngoài ra, tăng trưởng kinh tế của năm 2020 dự kiến sẽ được hỗ trợ bởi khu vực công nghiệp (5,0 đến 5,5%). Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ hộ nghèo dự kiến sẽ giảm xuống còn 4,8 đến 5,0% và 8,5 đến 9,0%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.