Tạo điểm nhấn để thu hút người đọc đến với Ngày sách Việt Nam

Để thu hút đông đảo người yêu sách, Ban tổ chức đã mở Đường sách với nhiều gian hàng giới thiệu sách, hoạt động giao lưu, tọa đàm, kể chuyện theo sách, giao lưu với các nhà văn hóa, nhà văn, thơ.
Tạo điểm nhấn để thu hút người đọc đến với Ngày sách Việt Nam ảnh 1Độc giả tham quan, tìm mua sách tại lễ hội. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Qua hai năm tổ chức, Ngày sách Việt Nam đã dần định hình trong công chúng cả nước. Tuy nhiêu vẫn còn nhiều người chưa biết về ngày sách hoặc chưa quan tâm đến văn hóa đọc.

Năm nay, Bộ Thông tin và Truyền thông, các tỉnh, thành phố đặc biệt quan tâm tới việc tạo điểm nhấn trong Ngày sách Việt Nam để sự kiện này thực sự trở thành lễ hội của văn hóa đọc.

Tạo điểm nhấn để “hút” cộng đồng

Từ năm 2014, ngày 21/4 hàng năm được chọn làm Ngày sách Việt Nam, hướng tới xây dựng, phát triển phong trào đọc sách, xã hội học tập; khẳng định vai trò, tầm quan trọng của sách. Ngày sách cũng góp phần tôn vinh giá trị của sách, xây dựng văn hóa đọc trong cộng đồng, tôn vinh những người tham gia quá trình sưu tầm, nghiên cứu, sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ và quảng bá sách. Đây cũng là dịp đẩy mạnh hoạt động sưu tầm, nghiên cứu, sáng tác… những cuốn sách hay, có giá trị về nội dung, hình thức đến người đọc; nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành, cơ quan chức năng, tổ chức xã hội, đội ngũ người viết sách, tham gia hoạt động xuất bản, in và phát hành sách.

Ngay từ lần đầu tiên tổ chức, Ban tổ chức chú trọng việc tạo điểm nhấn, thu hút đông đảo người yêu sách hưởng ứng, tham gia. Có thể kể đến như việc mở Đường sách với nhiều gian hàng giới thiệu sách của các nhà xuất bản, đơn vị phát hành trên toàn quốc; hoạt động giao lưu, tọa đàm, kể chuyện theo sách; nhiều chương trình nghệ thuật có nội dung tuyên truyền việc học, đọc, cổ vũ tinh thần hiếu học; giao lưu giữa các nhà văn hóa, nhà văn, nhà thơ với công chúng…

Năm 2015, các hoạt động hưởng ứng Ngày sách lần thứ hai bắt đầu từ tháng Ba đến hết tháng Tư, trong đó điểm nhấn là Tháng phát hành sách và Tuần lễ phát hành sách chào mừng Ngày sách Việt Nam.

Trong năm 2015, nhiều sự kiện trọng đại của đất nước cũng diễn ra nên nội dung các hoạt động được thực hiện theo nhóm chủ đề như 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9.... Riêng với người dân Thủ đô, Đường phố sách được hình thành cũng tạo nên một nét rất riêng cho Ngày sách Việt Nam lần thứ hai.

Bên cạnh Tháng phát hành sách và Tuần lễ phát hành sách chào mừng Ngày sách, điểm nhấn của Ngày sách năm nay là Hội sách với chủ đề “Sách với cuộc sống” diễn ra tại Công viên Thống Nhất (Hà Nội) từ 20-24/4. Các cuộc giao lưu tác giả, tác phẩm, hội thảo về sách được tổ chức với sự tham gia của nhà sử học Dương Trung Quốc - Đại biểu Quốc hội, Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Hữu Sơn - Phó Viện trưởng Viện Văn học; giáo sư-tiến sỹ, nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng, tiến sỹ giáo dục Thụy Anh; nhà thơ, nhà báo Hữu Việt...

Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) Chu Văn Hòa chia sẻ điểm đặc biệt nhất mà Ban tổ chức ghi nhận sau hai lần tổ chức đó là cộng đồng đã thoát khỏi tư tư duy Ngày sách Việt Nam là ngày bán sách, hội chợ sách. Đặc biệt, năm nay, Ngày Sách Việt Nam không đưa ra chủ đề chung, mà để công chúng tự cảm nhận tình yêu với sách. Đây cũng chính là điểm nhấn của năm nay, hướng tới cách nhìn bình dị, hiệu quả về Ngày sách Việt Nam, phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.

Năm nay, Ngày sách Việt Nam 21/4 cũng diễn ra lễ trao giải thưởng Sách Việt Nam lần thứ 11 năm 2015. Theo ông Đỗ Quý Doãn, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, cơ quan tổ chức giải thưởng, Lễ trao Giải thưởng Sách Việt Nam năm 2015 là sự kiện đặc biệt của giới xuất bản cả nước. Dự kiến, sau năm nay, Giải thưởng Sách Việt Nam sẽ được nâng cấp lên thành Giải thưởng Sách quốc gia. Lần thứ ba được tổ chức, Ngày sách Việt Nam cũng diễn ra nhiều cuộc thi đọc sách và cảm nhận về sách, vẽ tranh, kể chuyện theo sách, nhận diện tác giả, tác phẩm… để tạo “sân chơi” thu hút các đọc giả mọi lứa tuổi.

Dấu ấn từ địa phương

Không chỉ Hà Nội, việc tổ chức Ngày sách ở các tỉnh, thành phố cũng có những nét rất riêng, đặc sắc, độc đáo tạo dấu ấn riêng.

Đến 15/4, Cục Xuất bản, In và Phát hành ghi nhận đã có gần 40 tỉnh, thành phố đã, đang tổ chức Ngày sách Việt Nam tại địa phương. Riêng Tuần lễ sách chào mừng Ngày sách, các địa phương tập trung tổ chức từ 20-30/4, trong đó, nhiều nơi lồng ghép các chương trình khác vào hoạt động chào mừng Ngày sách Việt Nam. Tiêu biểu như tỉnh Quảng Ninh trưng bày sách nhân dịp “Ngày hội thi ca Quảng Ninh lần thứ 29;" tỉnh Đồng Tháp tuyên truyền, giới thiệu sách với chủ đề “Việt Nam đất nước, con người” và “Quê hương, đất nước, con người Đồng Tháp;" tỉnh Nam Định tổ chức triển lãm sách theo các chủ đề “Thành Nam văn hiến," “Sách và người Nam Định."

Trưng bày, giới thiệu sách về chủ đề ca ngợi Đảng, Bác Hồ, bảo vệ chủ quyền biển đảo và theo mảng sách về lịch sử, danh lam, thắng cảnh của xứ Thanh là những hoạt động hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam của tỉnh Thanh Hóa…

Vốn được biết đến với việc tổ chức thành công nhiều hội sách, năm nay Thành phố Hồ Chí Minh kỷ niệm Ngày sách Việt Nam bằng rất nhiều hoạt động từ 17-24/4 tại Đường sách Nguyễn Văn Bình, quận 1. Trong đó, điểm nhấn là những buổi đấu giá sách quý, sách độc vào dịp cuối tuần. Bốn đầu sách được đấu giá đợt này gồm ''Sài Gòn năm xưa'' của Vương Hồng Sển, bản đặc biệt do Nhà xuất bản Tự Do ấn hành tại Sài Gòn năm 1961; ''Thú chơi sách'' của Vương Hồng Sển, bản thường, cũng do Nhà xuất bản Tự Do ấn hành năm 1961; cuốn ''Hai buổi chiều vàng'' của Nhất Linh, Nhà xuất bản Đời Nay ấn hành năm 1937 và ''Tuổi thơ dữ dội'' của Phùng Quán xuất bản năm 1989, có thủ bút và chữ ký của tác giả.

Một số sách “độc” là đối tượng tìm kiếm lâu nay của giới sưu tập cũng xuất hiện trong dịp này như ''Thơ say'' của Vũ Hoàng Chương (bản in 1940), ''Xuân Thu nhã tập'' (1942), ''Giấc mộng con'' của Tản Đà (bản in năm 1917). Tập ''Lửa thiêng'' in năm 1940 có thủ bút của Huy Cận, quyển ''Thơ thơ'' in năm 1938 có thủ bút của Xuân Diệu cũng được trưng bày dịp này cùng các cuốn sách đoạt Giải Sách hay và Sách đẹp hàng năm do Hội xuất bản Việt Nam trao tặng.

Bên cạnh đó, một triển lãm sách chủ đề “Văn học lãng mạn Việt Nam đầu thế kỷ 20” do Quán sách Mùa Thu thực hiện sẽ ra mắt bạn đọc Thành phố Hồ Chí Minh với nhiều ấn phẩm của các nhà văn tiền chiến Nhất Linh, Khái Hưng, Lưu Trọng Lư, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Tô Hoài, Đông Hồ.

Tại tỉnh Ninh Bình, Ngày Sách Việt Nam lần thứ ba được tổ chức gắn với triển lãm bản đồ, trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - những bằng chứng lịch sử và pháp lý."

Ninh Bình tổ chức cho em học sinh giao lưu, nghe Đại đức Thích Minh Quang, Phó trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh diễn thuyết về "Văn hóa đọc và triết lý sống cho và nhận;" tiến sỹ Giáo dục học Nguyễn Thụy Anh nói về "Văn hóa đọc và sự cần thiết của việc đọc sách," các em nhỏ ở Ninh Bình còn được tham gia cuộc thi vẽ tranh với chủ đề "Ninh Bình quê hương đổi mới qua tranh của em"…

Tại Ninh Bình việc phát động đọc sách trong nhà trường, cộng đồng và xã hội được các cấp, các ngành đặc biệt coi trọng từ nhiều năm nay. Hoạt động của thư viện công cộng và các thư viện trong nhà trường được duy trì thường xuyên với 346 thư viện, hơn 80 cơ sở phát hành xuất bản phẩm. Bởi vậy, trong Ngày sách Việt Nam năm nay, Ban Tổ chức Ngày sách đã dành 41 suất học bổng tặng học sinh nghèo vượt khó; trao tượng trưng 11 tủ sách cho Thư viện tỉnh và sáu trường học trên địa bàn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục