Tạo động lực thu hút FDI vào các khu công nghiệp, khu chế xuất

Được khởi xướng từ Đại hội Đảng lần thứ VI (năm 1986), khu công nghiệp, khu chế xuất hình thành và phát triển trong hơn 25 năm qua gắn liền với công cuộc đổi mới, mở cửa của kinh tế đất nước.
Tạo động lực thu hút FDI vào các khu công nghiệp, khu chế xuất ảnh 1(Ảnh minh họa: Danh Lam/TTXVN)

Được khởi xướng từ Đại hội Đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VI (năm 1986), khu công nghiệp, khu chế xuất hình thành và phát triển trong hơn 25 năm qua gắn liền với công cuộc đổi mới, mở cửa của kinh tế đất nước.

Đặc biệt, các Nghị quyết của Đảng trong các kỳ Đại hội từ năm 1986 đến nay đã nêu các định hướng để triển khai xây dựng quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển khu công nghiệp, khu chế xuất suốt thời gian qua và trong giai đoạn tới.

Trên thực tế, làn sóng thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, khu chế xuất đang phát triển mạnh mẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều địa phương trên địa bàn cả nước.

Đây cũng được coi là một trong những hướng đi chiến lược của Việt Nam nhằm kêu gọi các nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, vẫn cần hoàn thiện cơ chế, chính sách để tạo động lực mới cho thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao và khu nông nghiệp công nghệ cao.

Tạo không gian cho thu hút đầu tư

Thực tế trong hơn 25 năm qua, các khu kinh tế, khu chế xuất vẫn là thỏi nam châm để thu hút đầu tư và được đánh giá là mô hình ưu việt nhất.

Đánh giá về những kết quả đạt được, Vụ trưởng Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Trần Duy Đông nhấn mạnh, hình thành hệ thống các khu kinh tế, khu chế xuất trên cả nước nhằm tạo không gian kinh tế cho thu hút đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương.

Tính đến hết năm 2017, cả nước đã có 326 khu công nghiệp, khu chế xuất được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 95 nghìn ha; trong đó, diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê đạt 64,3 nghìn ha, chiếm khoảng 67,7% tổng diện tích đất tự nhiên.

Các khu kinh tế, khu chế xuất được thành lập trên 61/63 tỉnh, thành phố trên cả nước được phân bố trên cơ sở phát huy lợi thế địa kinh tế, tiềm năng của các vùng kinh tế trọng điểm và phân bố ở mức độ hợp lý tại các vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn phù hợp với trình độ phát triển của ngành công nghiệp địa phương.

Theo số liệu mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lũy kế đến hết năm 2017, các khu kinh tế, khu chế xuất trên cả nước đã thu hút được gần 7.500 dự án FDI và 6.800 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký tương ứng gần 125 tỷ USD và 773.000 tỷ đồng.

Hàng năm, số lượng vốn FDI đầu tư vào khu công nghiệp, khu chế xuất chiếm khoảng từ 60-70% tổng vốn đầu tư FDI đăng ký mới và tăng thêm của cả nước. Thu hút đầu tư trong nước cũng đạt kết quả tốt với bình quân khoảng 40.000 tỷ đồng/năm.

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế cho biết, hiệu quả thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, khu chế xuất trong thời gian qua được cải thiện với tỷ suất đầu tư trung bình/ha đất công nghiệp khu công nghiệp và tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp tăng lên qua các giai đoạn.

Cụ thể từ 2 triệu USD/ha (năm 2005) lên 3,5 triệu USD/ha (năm 2012) và khoảng 5 triệu USD/ha (năm 2016). Tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đang hoạt động năm 2011 đạt khoảng 65%; tăng lên 67% năm 2015 và 73% năm 2017.

Đặc biệt, các khu công nghiệp, khu chế xuất đã có đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội tại các địa phương, tăng thu ngân sách nhà nước và giải quyết việc làm cho người lao động.

Năm 2017, tổng doanh thu của các khu kinh tế, khu chế xuất đạt trên 160 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2016; kim ngạch xuất khẩu đạt 119 tỷ USD, bằng 56% kim ngạch xuất khẩu của cả nước; đồng thời đóng góp ngân sách hơn 3,4 tỷ USD và tạo việc làm cho hơn 3,2 triệu lao động.

Mặt khác, hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất cũng ngày càng cải thiện, cao hơn các doanh nghiệp ngoài khu kinh tế, khu chế xuất.

Theo Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững vùng (thuộc Viện Hàn Lâm khoa học xã hội Việt Nam), tổng các khoản nộp ngân sách trung bình các doanh nghiệp trong khu kinh tế, khu chế xuất cao gấp 13 lần mức đóng của các doanh nghiệp ngoài khu kinh tế, khu chế xuất.

Không những thế, các khu công nghiệp, khu chế xuất đã góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp, bước đầu hình thành một số ngành công nghiệp phụ trợ.

Việc thu hút được các nhà máy sản xuất quy mô lớn, công nghệ tiên tiến của các nhà đầu tư nước ngoài vào các khu công nghiệp, khu chế xuất góp phần mang lại cho nhiều doanh nghiệp cơ hội liên kết, tiếp cận công nghệ, quy trình sản xuất hiện đại.

Đồng thời, cũng là cơ hội để các doanh nghiệp trong nước chuyển dần từ quy mô nhỏ sang sản xuất quy mô lớn, tập trung và đổi mới công nghệ sản xuất…. Đây là nhận định của các chuyên gia kinh tế.

[Thu hút FDI: Tạo hiệu ứng lan tỏa đối với doanh nghiệp trong nước]

Chưa được phát huy theo chiều sâu

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Vụ trưởng Trần Duy Đông cũng đã chỉ ra một số khó khăn, hạn chế trong phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Điển hình như việc phân cấp, ủy quyền cho Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất còn bất cập, chưa thuận lợi cho Ban quản lý thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước, cơ chế hành chính "một cửa tại chỗ."

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng ban, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Tuyên Quang cho biết, việc quy hoạch thành lập các khu công nghiệp, khu chế xuất tại một số địa phương dựa trên đề xuất của nhà đầu tư, chưa có quy hoạch dài hạn, đồng bộ với quy hoạch hạ tầng kỹ thuật cũng như hạ tầng xã hội.

Do đó, gặp khó khăn trong thu hút đầu tư cũng như đảm bảo sự phát triển của khu công nghiệp, khu chế xuất.

Không những thế, chất lượng thu hút đầu tư còn chưa đáp ứng được yêu cầu, định hướng thu hút đầu tư theo ngành, lĩnh vực, công nghệ cao.

Một số dự án vào khu công nghiệp, khu chế xuất có hàm lượng công nghệ cao nhưng chưa đáp ứng yêu cầu về chuyển giao công nghệ.

Các dự án công nghệ nguồn, các dự án công nghiệp phụ trợ còn tương đối ít, thậm chí là không có.

Các khu công nghiệp, khu chế xuất chủ yếu phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, chưa chú trọng đến tăng cường liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất và với các khu công nghiệp, khu chế xuất tại các địa bàn khác để phát triển sản xuất quy mô lớn, tập trung, nâng giá trị gia tăng.

Do đó, hiệu quả kinh tế của các khu công nghiệp, khu chế xuất chưa được phát huy theo chiều sâu.

Ông Nguyễn Văn Thi, Trưởng ban, Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa cho rằng, hiện nay, việc bảo vệ môi trường khu công nghiệp, khu chế xuất cũng chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Cùng với đó, chất lượng nguồn nhân lực trong khu công nghiệp, khu chế xuất chưa cao do quy hoạch phát triển nguồn nhân lực gắn với ngành nghề thu hút đầu tư còn thiếu.

Hiện nay, việc tuyển dụng lao động có tay nghề cao tại khu công nghiệp, khu chế xuất còn khó khăn.

Một tỷ lệ không nhỏ lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất có trình độ, kỹ năng thấp, chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp…

Cần cơ chế, chính sách hỗ trợ để phát triển

Theo thống kê mới đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khi đến Việt Nam, phần lớn các nhà đầu tư nước ngoài thường nhắm chọn các khu công nghiệp, khu chế xuất là địa điểm đặt đại bản doanh làm ăn kinh doanh, xây dựng nhà máy, nhà xưởng.

Cụ thể, trong 9 tháng năm 2018, đã có không ít các dự án FDI quy mô lớn được đặt đại bản doanh tại các khu kinh tế, khu công nghiệp như dự án Nhà máy sản xuất polypropylene (PP) và kho ngầm chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) do Hyosung Corporation (Hàn Quốc) đầu tư tại khu công nghiệp Cái Mép, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu với tổng vốn đầu tư 1,3 tỷ USD.

Dự án nhà máy LG Innotek Hải Phòng (Hàn Quốc) được xây dựng tại khu công nghiệp Tràng Duệ (thuộc Khu kinh tế Đình Vũ-Cát Hải, thành phố Hải Phòng).

Điều này là minh chứng rõ ràng cho thấy việc cần phải đầu tư có bài bản, có chọn lọc cho sự phát triển của các khu kinh tế, khu công nghiệp ở Việt Nam.

Tuy nhiên, để phát triển các khu công nghiệp trong thời gian tới, theo ông Trần Duy Đông, trước hết, Việt Nam cần hoàn thiện cơ chế chính sách hiện hành để đảm bảo các ưu đãi, đặc biệt là ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu để duy trì ở mức ổn định, tạo sự hấp dẫn thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, khu chế xuất; đồng thời, bổ sung các cơ chế, chính sách về ưu đãi thuế, tài chính…khuyến khích thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất quy mô lớn, công nghệ tiên tiến, các sản phẩm có giá trị gia tăng cao tại các khu công nghiệp, khu chế xuất;

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Tuyên Quang cho rằng, về quản lý nhà nước đối với khu công nghiệp, khu chế xuất, cần tiếp tục tăng cường phân cấp, giao nhiệm vụ trực tiếp từ Trung ương tới địa phương, gắn chặt với cơ chế phân công trách nhiệm và phối hợp rõ ràng, minh bạch giữa các cơ quan Trung ương và địa phương.

Bên cạnh đó, kiện toàn bộ máy quản lý Nhà nước ở cấp Trung ương và địa phương đảm bảo đủ thẩm quyền và nguồn lực để quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất theo hướng “một cửa, một đầu mối” hiệu lực, hiệu quả.

Còn theo ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Trưởng ban, Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh, cần có cơ sở pháp lý “đủ mạnh” để hoạt động quản lý nhà nước về khu công nghiệp, khu kinh tế phát huy được hiệu quả cao nhất.

Theo đó, cần có những nghiên cứu sâu hơn về các mô hình phát triển mới; trong đó xác định cụ thể về các tiêu chí phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế bền vững và đưa vào trong quy định của Luật.

“Cần sớm nghiên cứu, ban hành Luật Khu kinh tế, Khu chế xuất, Khu công nghiệp nhằm tạo khung pháp lý cao nhất phù hợp với sự phát triển, đóng góp của các khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghiệp vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Theo đó, phân cấp đầy đủ, rõ ràng các nhiệm vụ quản lý cho Ban Quản lý, thay thế cơ chế ủy quyền như hiện nay,” Trưởng ban, Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Lào Cai, ông Nguyễn Ngọc Khải đề xuất.

Mặt khác, cần thường xuyên rà soát, điều chỉnh để nâng cao chất lượng xây dựng quy hoạch khu công nghiệp, khu chế xuất phù hợp với thực tiễn, khả năng thu hút đầu tư và gắn với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội; kiên quyết không bổ sung quy hoạch, thành lập khu công nghiệp mới, mở rộng khi chưa đáp ứng điều kiện thu hút đầu tư, lấp đầy, bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

Ông Trần Duy Đông cũng cho rằng, cần nghiên cứu, xây dựng và phát triển các khu công nghiệp mới, có tính chất chuyên sâu, đạt hiệu quả cao hơn về kinh tế, môi trường, xã hội như: khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp liên kết ngành, khu công nghiệp hỗ trợ, khu công nghiệp chuyên sâu theo ngành, lĩnh vực tại một số địa phương có điều kiện thuận lợi để tăng cường tính liên kết ngành, lĩnh vực, tính chuyên môn hóa, tính tập trung để phát triển một số ngành công nghiệp quan trọng.

Để nâng cao khả năng liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI, ông Hardy Diec, Giám đốc điều hành công ty Trách nhiệm hữu hạn dịch vụ thương mại và vận tải toàn cầu FedEx khu vực Đông Dương cho rằng, cần nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong nước.

Bên cạnh đó, cần hỗ trợ các các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Một trong những giải pháp cũng được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh đến là cần tập trung thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vốn, công nghệ cao, tiên tiến, quản trị hiện đại, mở rộng thị trường xuất khẩu, tham gia sâu hơn vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

Qua đó, góp phần nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, năng lực cạnh tranh quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng công nghiệp 4.0.

“Cần tập trung ưu tiên thu hút các ngành nghề, lĩnh vực có hàm lượng công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường, các ngành nghề xác định là mũi nhọn phát triển và có lợi thế của Việt Nam, đồng thời phù hợp với định hướng tái cơ cấu kinh tế, cơ cấu đầu tư của đất nước,” Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.