Tạo đồng thuận để dự án điện lực LNG Cà Ná triển khai đúng tiến độ

Với số vốn thu hút đầu tư khoảng 49.000 tỷ đồng, dự án có quy mô đầu tư gồm một nhà máy điện khí sử dụng công nghệ tuabin khí chu trình hỗn hợp, công suất 1.500MW; cảng nhập khí LNG, kho chứa khí...
Tạo đồng thuận để dự án điện lực LNG Cà Ná triển khai đúng tiến độ ảnh 1Địa điểm xây dựng Trung tâm Điện lực LNG Cà Ná. (Nguồn: thanhnien.vn)

Chiều 25/12, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Ninh Thuận tổ chức họp báo, thông tin về Dự án Trung tâm Điện lực LNG Cà Ná giai đoạn một, công suất 1.500 MW.

Dự án sẽ được triển khai tại xã Phước Diêm, huyện Thuận Nam, với số vốn thu hút đầu tư khoảng 49.000 tỷ đồng.

Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Ninh Thuận Trần Minh Nam cho biết dự án Trung tâm Điện lực LNG Cà Ná giai đoạn một, công suất 1.500MW đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào quy hoạch Điện VII điều chỉnh, tiến độ vận hành vào năm 2025-2026. Các giai đoạn tiếp theo sẽ được xem xét cụ thể trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 (quy hoạch Điện VIII).

LNG Cà Ná là dự án điện khí, vốn đầu tư lớn được thực hiện đầu tiên tại tỉnh. Do đó, lãnh đạo Tỉnh ủy Ninh Thuận mong muốn cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là người dân vùng dự án thấy được lợi ích mà nó mang lại. Qua đó góp phần để dự án được triển khai thuận lợi, đảm bảo tiến độ đề ra.

Dự án có quy mô đầu tư gồm một nhà máy điện khí sử dụng công nghệ tuabin khí chu trình hỗn hợp, công suất 1.500MW; cảng nhập khí LNG đáp ứng quy mô sản lượng thông qua cảng 4,8 triệu tấn/năm; kho chứa khí công suất 4x1,2 triệu tấn/năm, với bốn bồn chứa, mỗi bồn có sức chứa 180.000m3. Dự án giai đoạn một đầu tư toàn bộ hạ tầng kho chứa khí và xây dựng lắp đặt trước một bồn phục vụ nhu cầu dự án công suất 1.500MW.

Bên cạnh đó, dự án còn có kho tái hóa khí bao gồm bốn trạm tái hóa khí, công suất 4x1,2 triệu tấn/năm. Dự án giai đoạn một đầu tư toàn bộ hạ tầng khu tái hóa khí và xây dựng, lắp đặt trước một trạm tái hóa khí phục vụ nhu cầu dự án công suất 1.500MW. Dự án còn xây dựng hệ thống đường ống dẫn khí từ trạm tái hóa khí đến nhà máy điện khí giai đoạn một, công suất 1,2 triệu tấn/năm.

Dự án xây dựng sân phân phối 500kV với quy mô đảm bảo truyền tải công suất toàn bộ điện khí công suất 6.000MW. Dự án giai đoạn một đầu tư các ngăn lộ phục vụ dự án công suất 1.500MW. Bên cạnh đó xây dựng các công trình hạ tầng, kỹ thuật phục vụ toàn bộ Trung tâm điện lực LNG 6.000MW; xây dựng kênh lấy nước, kênh xả nước, xử lý nước thải, hệ thống cấp nước ngọt, tuyến ống nước sạch D400 khoảng 19,5km.

[Ninh Thuận: Triển khai dự án cảng biển, điện khí, điện gió ngoài khơi]

Diện tích đất sử dụng cho dự án hơn 75ha, bao gồm một nhà máy chính, hành lang, tuyến đường ống cấp, trạm bơm và ống thải nước làm mát cho bốn nhà máy, móng trụ đường dây 500kV đấu nối, kho khí, công trình tái hóa khí. Diện tích mặt nước thực hiện các phần việc có liên quan đến dự án hơn 42,5ha, gồm cảng nhập khí, hành lang và tuyến ống khí chung cho bốn nhà máy, đê chắn sóng, cửa nhận nước của trạm bơm, tuyến ống thải nước làm mát.

Ông Trần Minh Nam khẳng định dự án có đầy đủ cơ sở pháp lý để tỉnh triển khai thực hiện. Tỉnh đã có quyết định phê duyệt Đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng (tỷ lệ 1/500) khu vực tổ hợp điện khí LNG cũng như quyết định phê duyệt danh mục dự án giai đoạn một, công suất 1.500MW. Dự án khi thực hiện phải đảm bảo các yêu cầu, tiêu chí, trình tự, thủ tục và quy định có liên quan.

Với tinh thần khẩn trương và cấp bách về tiến độ triển khai dự án, tỉnh Ninh Thuận đã duyệt, công bố dự án để mời gọi nhà đầu tư quan tâm. Ninh Thuận đã thực hiện các bước tiếp theo như đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư để triển khai dự án theo quy định.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã ban hành hai nhóm yêu cầu tiêu chí bắt buộc và tiêu chí đánh giá nhằm lựa chọn nhà đầu tư có đủ năng lực tài chính, kinh nghiệm để triển khai dự án với tiến độ nhanh nhất. Về tiến độ dự án, hiện tỉnh đã hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và sẽ khởi công trong quý 3/2021. Tỉnh phấn đấu hoàn thành xây dựng và đưa dự án vào hoạt động trong quý 3/2024.

Thời hạn hoạt động dự án là 50 năm kể từ ngày cấp quyết định chủ trương đầu tư. Dự án được thực hiện đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Khi đưa vào vận hành, dự án sẽ góp phần đảm bảo cung cấp điện cho khu vực miền Nam trong bối cảnh các nguồn điện chậm tiến độ và một số dự án dừng triển khai như nhà máy điện hạt nhân.

Dự án sẽ góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội địa phương thông qua việc thu hút đầu tư với số vốn khoảng 49.000 tỷ đồng, đồng thời tạo ra nhiều việc làm cho doanh nghiệp, người dân địa phương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.