Tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng cho hoạt động logistics

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, để ngành logistics Việt Nam phát triển bền vững, cần chú trọng triển khai mang tính thực chất, giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng cho hoạt động logistics ảnh 1Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo. (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN)

Sáng 23/11, tại thành phố Đà Nẵng đã diễn ra lễ khai mạc Diễn đàn Logistics Việt Nam 2019 với chủ đề “Logistics nâng cao giá trị nông sản” do Bộ Công Thương phối hợp cùng Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng, Ngân hàng Thế giới và Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức.

Dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione, đại diện các hiệp hội, nhà phân tích, doanh nghiệp logistics các nước Việt Nam, Campuchia, Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Singapore...

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh để ngành logistics Việt Nam phát triển bền vững, bên cạnh việc tiếp tục rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý, tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng lành mạnh cho hoạt động logistics, cần chú trọng triển khai mang tính thực chất, giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, các đơn vị cần có sự đánh giá tình hình thực hiện các chính sách quản lý, phát triển ngành logistics một cách tổng thể để kịp thời sửa đổi cho phù hợp với đặc thù của hoạt động logistics trong thực tiễn.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo thường xuyên, chặt chẽ, phối hợp nhịp nhàng hơn trong điều hành hoạt động logistics; nhất là trong nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực logistics để sẵn sàng thích ứng với yêu cầu đặt ra.

[Đề xuất các giải pháp phát triển logistics hành lang kinh tế Đông-Tây]

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết sau gần ba năm kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/02/2017 phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025, nền kinh tế Việt Nam có những bước chuyển mình mạnh mẽ, kéo theo sự phát triển nhanh chóng, nổi trội của ngành dịch vụ logistics.

Riêng ngành dịch vụ logistics tiếp tục tốc độ tăng trưởng với mức độ tăng khoảng 13-15% mỗi năm, nhờ đà tăng trưởng của kinh tế nói chung và xuất nhập khẩu nói riêng.

Chính vì vậy, diễn đàn sẽ gợi ý về một số nội dung mà các cấp, các ngành, các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics cần lưu tâm hơn nữa nhằm tận dụng tối đa lợi ích quá trình hội nhập của Việt Nam mang lại.

Tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng cho hoạt động logistics ảnh 2Các đại biểu tham gia phiên thảo luận chủ đề ''Logistics hỗ trợ nâng cao giá trị nông sản''. (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN)

Tại diễn đàn logistics Việt Nam lần này, ngoài phiên toàn thể với chủ đề "Logistics hỗ trợ nâng cao giá trị nông sản" còn diễn ra song song hai phiên thảo luận theo chuyên đề "Logistics kết nối hành lang kinh tế Đông-Tây" và "Kinh tế chia sẻ trong logistics."

Cũng trong khuôn khổ diễn đàn còn có các hoạt động như trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công Thương cho 20 đơn vị và cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động logistics thời gian qua; ký kết Bản ghi nhớ hợp tác giữa một số đơn vị, doanh nghiệp logistics; công bố Báo cáo Logistics Việt Nam 2019.

Theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) về Chỉ số hoạt động Logistics (LPI) công bố ngày 24/7/2018, Việt Nam đứng thứ 39/160 nước tham gia nghiên cứu, tăng 25 bậc so với năm 2016 và vươn lên đứng thứ ba trong các nước ASEAN.

Đáng lưu ý, số lượng các doanh nghiệp vận tải và logistics hiện nay ở nước ta là khoảng 3.000 doanh nghiệp, bao gồm cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy nội địa, đường hàng không; tỷ lệ doanh nghiệp thuê ngoài dịch vụ logistics đạt khoảng 30-35%.

Đặc biệt, sự phát triển của ngành vận tải và logistics sẽ tạo điều kiện để Việt Nam nhanh chóng trở thành một trung tâm sản xuất mới trong khu vực, có năng suất lao động cao và năng lực cạnh tranh cao./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.