Tạo nền tảng phát triển công nghệ cao từ chuỗi cung ứng nội địa

Thành phố Hồ Chí Minh đang chú trọng thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp phụ trợ phục vụ cho công nghệ cao; trong đó, đặc biệt chú trọng đến quá trình nội địa hóa lĩnh vực công nghiệp phụ trợ.
Tạo nền tảng phát triển công nghệ cao từ chuỗi cung ứng nội địa ảnh 1Sản xuất khay nhựa, hộp nhựa đựng linh kiện điện tử. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Với mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế công nghiệp theo hướng phát triển nhanh các ngành có hàm lượng chất xám, hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao, Thành phố Hồ Chí Minh đang chú trọng thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp phụ trợ phục vụ cho công nghệ cao; trong đó, đặc biệt chú trọng đến quá trình nội địa hóa lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, nhằm tạo nền tảng phát triển bền vững cho lĩnh vực này.

Phát triển công nghiệp phụ trợ 

Trong những năm qua, nhiều dự án lớn được cấp phép đầu tư tại Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh (SHTP), kéo theo đó là các dự án vệ tinh, cung ứng các sản phẩm cho các dự án lớn trên. Năm 2015, Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh đã thu hút 28 dự án với tổng vốn đầu tư đạt trên 1,5 tỷ USD, vượt 3,7 lần so với kế hoạch năm; trong đó, nhiều dự án tham gia chuỗi cung ứng cho Dự án Khu phức hợp của Samsung trong Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh, được khởi công giữa năm vừa qua.

Theo ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, ngoài khía cạnh đóng góp kim ngạch xuất khẩu của thành phố, Dự án của Samsung được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện phát triển công nghiệp phụ trợ và góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển kinh tế-xã hội thành phố. Bên cạnh đó, dự án sẽ góp phần thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực có tri thức cao, phát triển chuỗi cung ứng nội địa; nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi cung ứng, qua đó từng bước gia tăng tỷ lệ nội địa hóa trong các sản phẩm công nghệ cao xuất khẩu của thành phố trong tương lai.

Ngày 30/10/2015, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã ban hành Quyết định 50 về việc thực hiện Chương trình kích cầu đầu tư của thành phố. Theo đó, các doanh nghiệp đầu tư dự án công nghiệp hỗ trợ tại thành phố trong bốn lĩnh vực công nghiệp trọng yếu và hai ngành truyền thống sẽ được ngân sách hỗ trợ lãi suất vay - tiền đề thúc đẩy thu hút đầu tư cho lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Trong năm 2015, đã có gần 60 nhà đầu tư quan tâm, đến tìm hiểu đầu tư tại Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh, trong số đó đa số là doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ và châu Âu.

Cùng với những dự án lớn vừa đầu tư, sự góp mặt của 10 thương hiệu hàng đầu thế giới về công nghệ cao hiện đang hoạt động tại Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh là một cú hích để phát triển lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

Ông Lê Hoài Quốc, Trưởng Ban quản lý Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết những dự án lớn của các tập đoàn đa quốc gia có sức lan tỏa rất lớn đến các nhà đầu tư có khả năng và tiềm lực tham gia vào chuỗi cung ứng, không chỉ thu hút các doanh nghiệp FDI trong nước mà còn cả các doanh nghiệp nước ngoài đến tìm hiểu đầu tư. Cùng với những dự án đầu tư riêng, hiện Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh đã dành hơn 13ha để xây dựng nhà xưởng cao tầng, thu hút các doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, đang nắm giữ công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao.

Tuy vậy, trong thu hút đầu tư, Ban Quản lý Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh cũng xây dựng những lộ trình nội địa hóa đối với các đơn vị đầu tư vào Khu để đảm bảo phát triển bền vững.

Theo ông Lê Hoài Quốc, tất cả doanh nghiệp đầu tư vào Khu đều phải cam kết thực hiện hoạt động R&D (nghiên cứu phát triển) và chuỗi cung ứng nội địa với lộ trình rất cụ thể. Trong vòng khoảng 3-5 năm, tối thiểu 35% giá trị sản xuất tạo ra được nội địa hóa, có sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi cung ứng đó. Chính việc chọn lọc rất kỹ trong thu hút dòng vốn FDI cho lĩnh vực này của Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh, nên chỉ khoảng rất ít dự án đến tìm hiểu đầu tư được lựa chọn, do các tiêu chí khá khắt khe.

Xây dựng chuỗi cung ứng nội địa

Dù đang thu hút đầu tư khá mạnh mẽ và giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao của Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh chiếm khoảng trên 90% của Thành phố, nhưng Ban Quản lý Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh xác định giá trị không phải là điều quan trọng nhất, mà phải làm sao phát triển công nghiệp nội địa mang lại giá trị gia tăng, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, đào tạo, ươm tạo doanh nghiệp.

Ông Lê Hoài Quốc cho biết, yếu tố chiến lược nội địa hóa của các doanh nghiệp luôn được đặt lên hàng đầu. Đây là định hướng nhằm tạo điều kiện cho lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của thành phố nói riêng và Việt Nam nói chung phát triển bền vững. Do vậy, sẽ không có làn sóng cấp phép đầu tư liên tục, mà đó phải là sự sàng lọc. Định hướng của Khu vẫn là thu hút những dự án đầu tư sản xuất những sản phẩm công nghệ cao theo tiêu chí Quyết định 66 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, những ràng buộc không thể thiếu là cam kết mạnh mẽ các hoạt động R&D, đào tạo nhân lực, kết nối với doanh nghiệp nội địa tạo ra chuỗi cung ứng nội địa.

Ở góc độ nhà đầu tư, ông Châu Bá Long, Phó Tổng Giám đốc công ty Trách nhiệm hữu hạn nhựa Phước Thành, cho rằng chúng ta phải từng bước đưa doanh nghiệp Việt Nam bước vào sân chơi toàn cầu hóa, phù hợp với xu hướng chung của nền kinh tế hội nhập. Việc triển khai dự án Xây dựng Khu Nghiên cứu-Ứng dụng và sản xuất Công nghệ cao Phước Thành tại Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh cũng là bước khởi đầu trong việc trở thành một doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ hàng đầu tham gia vào hệ thống sản xuất chuyên môn hóa quốc tế và nằm trong chuỗi giá trị công nghiệp của khu vực cũng như toàn cầu, góp phần mang lại giá trị gia tăng trong nước.

Tuy nhiên, việc các doanh nghiệp nội tham gia trực tiếp vào chuỗi cung ứng cho các tập đoàn lớn không hề đơn giản, phải thông qua thu hút các doanh nghiệp vệ tinh, hình thành chuỗi cung ứng linh-phụ kiện cho doanh nghiệp sản xuất lớn. Trước mắt, để xây dựng chuỗi cung ứng nội địa, song song với việc cấp phép đầu tư, Ban Quản lý Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã giới thiệu các doanh nghiệp Việt Nam kết nối để trở thành nhà cung cấp cấp hai (gián tiếp) cho các tập đoàn lớn, dưới sự giám sát chặt chẽ của đối tác trực tiếp (cấp 1).

Theo ông Lê Hoài Quốc, chúng ta phải xác định thực tế không thể dễ dàng doanh nghiệp trong nước có thể cung ứng ngay các sản phẩm cho những tập đoàn đa quốc gia. Vì chỉ cần một lỗi nhỏ là họ phải thu hồi hàng triệu sản phẩm trên toàn thế giới, nên đầu vào rất nghiêm ngặt. Ngoài ra cũng phải có lộ trình cụ thể để có thể cùng họ thực thi kế hoạch, trước tiên là một nhà cung cấp gián tiếp.

Việc tham gia vào chuỗi cung ứng cho các tập đoàn quốc tế với những đòi hỏi khắt khe là cả một quá trình nỗ lực của doanh nghiệp trong nước. Theo ông Châu Bá Long, để tham gia vào chuỗi cung ứng thì phải nỗ lực và cố gắng hết mình để đáp ứng yêu cầu về chất lượng, quy trình sản xuất, tiến độ thực hiện. Khi tham gia, mình nói được thì phải làm được. Trong đó, cần cố gắng đầu tư cho R&D, điều này giúp giảm chi phí sản xuất, đồng thời xây dựng một quy trình tiếp nhận nguồn nguyên liệu hợp lý. Thực tế, các doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư vào R&D, gây ra sự lãng phí đáng kể trong giá thành một sản phẩm.

Với mục tiêu nâng cao giá trị xuất khẩu các sản phẩm và thu hút các dự án lớn trong lĩnh vực công nghệ cao, Thành phố Hồ Chí Minh đang phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm đáp ứng yêu cầu của đối tác; trong đó, thành phố nỗ lực từng bước xây dựng chuỗi cung ứng nội địa, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nước, tạo nền tảng phát triển bền vững trong lĩnh vực công nghệ cao./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.