Tập đoàn dầu khí Aramco của Saudi Arabia đạt lợi nhuận kỷ lục

Tập đoàn dầu khí Aramco đạt lợi nhuận hơn 161 tỷ USD trong năm 2022, tăng 46% so với mức 110 tỷ USD năm 2021, và là mức lợi nhuận cao nhất mà công ty này ghi nhận kể từ khi được niêm yết năm 2019.
Tập đoàn dầu khí Aramco của Saudi Arabia đạt lợi nhuận kỷ lục ảnh 1Cơ sở lọc dầu Aramco của Saudi Arabia ở khu vực al-Khurj, phía Nam thủ đô Riyadh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 12/3, tập đoàn dầu khí Aramco của Saudi Arabia thông báo lợi nhuận năm 2022 đạt mức kỷ lục hơn 161 tỷ USD, tăng 46% so với mức 110 tỷ USD năm 2021, trong bối cảnh giá năng lượng leo thang, lượng dầu bán ra tăng và lợi nhuận của các sản phẩm lọc dầu gia tăng.

Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất mà công ty này ghi nhận kể từ khi được niêm yết trên thị trường năm 2019. Hầu hết cổ phần của Aramco thuộc sở hữu của chính phủ.

Giám đốc điều hành của Aramco, Amin Nasser, cho biết tập đoàn đang hướng tới đầu tư vào công nghệ mới phát thải carbon thấp, giúp hạn chế lượng khí thải gây ô nhiễm. Bên cạnh đó, tập đoàn này đang triển khai kế hoạch đến năm 2027 tăng sản lượng dầu lên 13 triệu thùng/ngày. Chi tiêu vốn của Aramco tăng 18% lên 37,6 tỷ USD trong năm 2022 và dự kiến chi tiêu trong năm nay sẽ trong khoảng từ 45 tỷ USD-55 tỷ USD.

Lợi nhuận từ lĩnh vực dầu mỏ cũng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chung của Saudia Arabia, với mức 8,7% vào năm 2022, tỷ lệ cao nhất được ghi nhận trong Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).

[Thị trường dầu mỏ bị phân mảnh do tác động của xung đột ở Ukraine]

Trước đó, 5 tập đoàn dầu khí lớn gồm BP, Shell, Chevron, ExxonMobil và Total Energies cũng công bố các mức lợi nhuận vượt ngưỡng 150 tỷ USD, trong bối cảnh giá dầu tăng vọt trong năm 2022 do ảnh hưởng của xung đột Nga-Ukraine.

Giới phân tích cho rằng mức lợi nhuận trên có thể đạt gần 200 tỷ USD nếu các công ty dầu khí đa quốc gia này không phải rút khỏi thị trường Nga.

Tháng 11 năm ngoái, Nhóm Các nước xuất khẩu dầu mỏ cùng các đối tác (OPEC+) do Saudi Arabia dẫn đầu đã nhất trí duy trì cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày đến cuối năm 2023 để thúc đẩy thị trường.

Giá dầu đã biến động mạnh kể từ khi nổ ra cuộc xung đột ở Ukraine vào tháng 2/2022. Giá dầu Brent đã tăng lên mức gần 140 USD/thùng vào tháng 3/2022, mức cao nhất trong 14 năm. Giá dầu này đang giao dịch trong khoảng 80-85 USD/thùng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Biểu tượng Boeing tại nhà máy ở Renton, Washington, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Boeing bán công ty con để có thêm nguồn thu

Boeing cho biết sẽ bán Digital Receiver Technology, công ty sản xuất thiết bị không dây cho các cơ quan tình báo, cho Thales Defense & Security, công ty điện tử quốc phòng lớn nhất châu Âu.