Tàu Cảnh sát biển đưa 8 thuyền viên gặp nạn về đảo Phú Quý

Chiều tối 5/11, vùng áp thấp nhiệt đới đã đi vào đất liền tỉnh Bình Thuận và suy yếu thành một vùng áp thấp trên đất liền, gây mưa lớn.
Tàu Cảnh sát biển đưa 8 thuyền viên gặp nạn về đảo Phú Quý ảnh 1Các phương tiện cơ giới khắc phục hậu quả mưa lũ vùi lấp nhà dân tại thôn Nhơn Sơn, xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân, Bình Định. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Lúc 6 giờ 15 phút ngày 5/11, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 nhận được thông tin tàu cá BĐ 99939TS trong lúc đang hành trình về đất liền tránh áp thấp nhiệt đới gặp sóng to, gió lớn, tàu bị nước tràn vào khoang máy, hầm hàng chìm một phần thân tàu.

Vị trí tàu bị nạn ở cách Nam Đông Nam đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận khoảng 40 hải lý, trên tàu cá có 8 thuyền viên.

Tàu do anh Phạm Hà (sinh năm 1992, quê ở Hoài Hải, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định làm thuyền trưởng).

Ngay sau khi nhận được thông tin, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 đã điều động tàu Cảnh sát biển 9001 đang làm nhiệm vụ tại khu vực biển đảo Phú Quý cơ động ra vị trí cứu tàu bị nạn.

Sau hơn 6 giờ hành trình trong điều kiện sóng to, gió lớn đến 12 giờ 30 phút, tàu Cảnh sát biển 9001 đã tiếp cận được tàu BĐ 99939TS.

Cán bộ, chiến sỹ trên tàu nhanh chóng triển khai các phương án cứu nạn, tổ chức đưa toàn bộ thuyền viên trên tàu cá BĐ 99939TS sang tàu Cảnh sát biển 9001 tiến hành chăm sóc y tế, động viên tinh thần.

Đến 15 giờ cùng ngày, công tác cứu nạn thuyền viên được hoàn tất, đảm bảo an toàn. Hiện tình hình sức khỏe của các thuyền viên đã ổn định. Tàu Cảnh sát biển 9001 đang đưa 8 thuyền viên về đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận.

Tàu Cảnh sát biển đưa 8 thuyền viên gặp nạn về đảo Phú Quý ảnh 2Đến chiều ngày 4/11, nhiều khu dân cư ở xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa vẫn còn ngập. (Ảnh: Thế Lập/TTXVN)

Ngày 5/11, Liên đoàn Lao động tỉnh Phú Yên phối hợp với Quỹ Tấm lòng Vàng Lao Động và các tổ chức xã hội khác tổ chức thăm, tặng quà 30 suất quà cho các hội viên thuộc 5 ​nghiệp đoàn ​nghề cá​ Hòa Hiệp Trung; Phường Phú Đông, Phường 6; An Ninh Tây; Phường Xuân Thành. Mỗi suất trị giá 1,2 triệu đồng gồm tiền mặt và các nhu yếu phẩm.

Những món quà này là sự chia sẻ, động viên kịp thời của đơn vị chức năng trên địa bàn tỉnh và các tổ chức xã hội khác, góp phần giúp đỡ gia đình ngư dân trong lúc khó khăn ổn định cuộc sống, là động lực để bà con tiếp tục vươn khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo nước nhà.

Bà Nguyễn Thị Thu Vân, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Phú Yên cho biết: “Việc thăm hỏi tặng quà cho các ngư dân bị thiệt hại trong quá trình đi biển sẽ được quỹ Tấm lòng vàng Lao động tiếp tục sát cánh trong thời gian tới. Bên cạnh đó, Liên đoàn Lao động tỉnh cũng kêu gọi sự chung tay của cộng đồng trong việc giúp đỡ ngư dân, người dân bị ảnh hưởng bởi mưa lũ.”

Trước đó, vào sáng 5/11 Liên Đoàn lao động tỉnh cũng tổ chức thăm hỏi và tặng 50 suất quà, mỗi suất trị giá 500.000 đồng cho bà con huyện miền núi Đồng Xuân bị thiệt hại do mưa lũ.

Chiều 5/11, Đoàn công tác Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai do Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) Trần Quang Hoài dẫn đầu đã làm việc với tỉnh Khánh Hòa về tình hình mưa lũ trong những ngày vừa qua.

Tại buổi làm việc, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Khánh Hòa cho biết, từ ngày 2-5/11, trên địa bàn tỉnh đã có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa từ 250-300mm, riêng huyện miền núi Khánh Vĩnh lượng mưa đạt 730mm.

Lũ trên các sông đạt đỉnh, trong đó đỉnh lũ trên sông Cái tại Nha Trang đạt hơn 11m, trên báo động 3 là 0,06m, mực nước trên sông Dinh tại Ninh Hòa đạt 4,94m, trên báo động 2 là 0,14m.

Mưa lũ trên địa bàn tỉnh đã khiến 246 ngôi nhà bị ngập, 35 ngôi nhà bị sập và tốc mái; trên 1.700ha lúa bị ngập, 147ha hoa màu bị hư hỏng; 770 gia cầm bị chết; 7 tàu cá bị nạn; 2km kênh mương, 4,1km đê, kè sông, 3 cầu và tràn bị hư hỏng; khối lượng đất, đá sạt lở trên 30.000m3 chủ yếu tại 4 vị trí trên tuyến đường từ đèo Khánh Lê, huyện Khánh Vĩnh đi tỉnh Lâm Đồng.

Tàu Cảnh sát biển đưa 8 thuyền viên gặp nạn về đảo Phú Quý ảnh 3Ngập lụt trên đường Phong Châu, thành phố Nha Trang (ảnh chụp ngày 5/11). (Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN)

Những ngày qua, tỉnh đã thực hiện sơ tán 53 hộ với 219 khẩu ở vùng thấp trũng đến nơi an toàn… Ước tính, tổng thiệt hại do mưa lũ ở Khánh Hòa là 124 tỷ đồng.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Khánh Hòa đã đề nghị Trung ương hỗ trợ cho tỉnh 100 tỷ đồng để khắc phục mưa lũ.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Trần Quang Hoài đã biểu dương công tác phòng, chống mưa lũ thời gian qua của các ban, ngành tỉnh Khánh Hòa; đồng thời đề nghị tỉnh thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, ổn định đời sống người dân và sản xuất ở vùng bị ảnh hưởng bởi mưa lũ; đảm bảo an toàn cho các hồ chứa nước, hạn chế xả lũ vào ban đêm...

Trong một diễn biến khác, chiều 5/11, lực lượng chức năng vẫn đang tìm kiếm cháu Nguyễn Thị Kiều Trinh, sinh năm 2015, trú ở xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang, bị ngã xuống sông Quán Trường và mất tích vào sáng cùng ngày.

Ngay sau khi nhận được thông tin, Ủy ban Nhân dân xã Phước Đồng đã huy động lực lượng đến hiện trường tìm kiếm nạn nhân. Do nước sông Quán Trường vẫn ở mức cao và chảy xiết nên công tác tìm kiếm nạn nhân gặp nhiều khó khăn.

Tàu Cảnh sát biển đưa 8 thuyền viên gặp nạn về đảo Phú Quý ảnh 4Các tàu neo đậu tránh áp thấp nhiệt đới tại cảng cá Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)

Chiều tối 5/11, vùng áp thấp nhiệt đới đã đi vào đất liền tỉnh Bình Thuận và suy yếu thành một vùng áp thấp trên đất liền, gây mưa lớn. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới khi vào đất liền, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có mưa lớn, lượng mưa phổ biến khoảng 20-50mm, có nơi trên 70mm và rải rác có dông.

Tại cảng cá Phan Thiết, rất nhiều tàu thuyền được ngư dân neo đậu và được chằng buộc chắc chắn cẩn thận.

Đến chiều tối 5/11, nhiều tàu neo đậu bên ngoài cảng do sóng quá lớn nên đã phải vào cảng cá Phan Thiết tìm chỗ neo đậu. Việc neo đậu được tổ chức trật tự và không xảy ra tình trạng lộn xộn.

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận, tính đến chiều tối 5/11 trên địa bàn chưa ghi nhận có sự thiệt hại về người và tài sản do áp thấp nhiệt đới gây ra.

Tuy nhiên, Ủy ban nhân dân tỉnh cũng yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển ​Nông thôn và các huyện không lơ là, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền.

Các cơ quan, đơn vị thường trực tìm kiếm, cứu nạn của tỉnh và các địa phương rà soát, chuẩn bị các phương tiện, lực lượng cứu hộ, trang thiết bị, sẵn sàng tham gia ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra.

Bên cạnh đó, rà soát phương châm “4 tại chỗ,” phương án sơ tán di dời khỏi vùng nguy hiểm ven biển, vùng trũng, ngập lụt. Đặc biệt tại các hồ chứa phải thường xuyên theo dõi phòng ngừa lũ đầu nguồn đổ về.

Từ ngày 2-5/11, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có mưa lớn kéo dài, cùng với vận hành điều tiết nước hồ thuỷ điện Buôn Tua Srah (Công ty Thủy điện Buôn Kuốp), đã gây ngập úng gần 300ha cây trồng, chủ yếu là lúa, ngô, khoai lang. Do chủ động trong công tác ứng phó nên đến thời điểm này, tỉnh Đắk Nông không có thiệt hại về người, gia súc, gia cầm.

Diện tích lúa màu bị ngập chủ yếu tập trung ở huyện Krông Nô, nằm ven bờ sông Krông Nô đã được Công ty Thủy điện và chính quyền khuyến cáo không nên gieo trồng.

Trong đó, diện tích bị ngập nhiều nhất ở xã Đức Xuyên với 146 ha, xã Đắk Nang khoảng 65 ha, xã Đắk D’rô 55ha…

Mưa lũ cũng làm ngập 7 ngôi nhà khu vực trũng, thấp thôn Xuyên Hà, xã Đức Xuyên bị ngập sâu 1-1,5m và một ngôi nhà khác ở xã Đắk Nang có nguy cơ bị cuốn trôi.

Những hộ gia đình bị ngập và có nguy cơ sạt lở đã được chính quyền địa phương di chuyển lên nơi an toàn.

Theo lãnh đạo Chi Cục Thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông, hiện tại các hồ thủy lợi vẫn ở mức an toàn.

Còn theo ông Nguyễn Tấn Triết, Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Buôn Kuôp, đơn vị chủ đầu tư Thủy điện Buôn Tua Srah, đến thời điểm này, mực nước ở hồ Thủy điện Buôn Tua Srah đã vượt quá cao trình.

Tuy nhiên, nhờ làm tốt công tác dự báo lũ, theo dõi lưu lượng nước về hồ chứa nên công ty cũng chỉ xả nước ở mức độ vừa phải để tránh việc lũ lên đột ngột ở vùng hạ du.

“7 giờ 30 phút ngày 4/11, hồ chứa thủy điện Buôn Tua Srah bắt đầu vận hành điều tiết xả nước, cùng với chạy máy phát điện, tổng lưu lượng nước xả là 374 m3/s.

Đến 16 giờ cùng ngày, tiếp tục xả với tổng lưu lượng nước là 474m3/s. Đến 8 giờ ngày 5/11 lưu lượng xả tăng thêm 54m3/s, tổng lưu lượng xả là 532m3/s.

Chúng tôi đã phối hợp với chính quyền địa phương, thông báo đến người dân trước đó khoảng gần 1 tuần để bà con chủ động ứng phó” - ông Triết cho biết.

Ngày 5/11, đi kiểm tra công tác phòng chống lụt bão tại một số xã của huyện Krông Nô, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá cao sự chủ động trong công tác phòng chống lụt bão.

Đồng thời yêu cầu chính quyền huyện, các xã ven sông tổ chức trực ban 24/24 giờ huy động lực lượng Công an và Xã đội ứng trực 100% quân số, chuẩn bị các phương tiện như canô, xuồng máy và thông báo cho người dân biết để chuẩn bị ứng phó khi có tình huống xảy ra.

Tuyên truyền cho người dân về tình hình thời tiết, thời gian xả lũ của thủy điện, khuyến cáo không vượt sông suối đi làm rẫy, đánh cá.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục