Như đã đề cập trong bài ''Bức tranh văn hóa đa sắc màu'' của chùm bài "Tết cổ truyền của các dân tộc thiểu số tại Việt Nam," Tết đón mừng năm mới là một sinh hoạt văn hóa đặc biệt, phản ánh tính đa dạng văn hóa tộc người.
Vì vậy, chúng ta cần tôn trọng di sản văn hóa Tết của đồng bào và nên đánh giá dưới góc độ di sản văn hóa đặc sắc.
Hệ giá trị văn hóa Việt
Nói về giá trị của Tết truyền thống của đồng bào dân tộc, Tiến sỹ Trần Hữu Sơn, Viện trưởng Viện nghiên cứu ứng dụng văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng Tết với cơ chế thiêng là hoạt động bảo tồn di sản văn hóa và bảo vệ hệ giá trị của gia đình, của cộng đồng. Ngày Tết, những người đi làm ăn xa trở về gia đình, con cái về thăm cha mẹ, các cháu về thăm ông bà…
Tết là dịp để các gia đình sum vầy, là dịp để bà con trong cộng đồng gặp gỡ, giao lưu. Ngày Tết cũng là sự sum vầy giữa thế giới đời thường và thế giới tâm linh khi các gia đình tổ chức lễ cúng đón tổ tiên về ăn Tết, hết Tết lại làm lễ tiễn tổ tiên đi… Tất cả những điều đó khiến cho Tết trở nên linh thiêng, thấm đẫm giá trị sum vầy.
Bên cạnh đó, Tết còn là cơ hội để đưa toàn bộ giá trị di sản, giá trị văn hóa của đồng bào khoe sắc và nở rộ. Từ ẩm thực, trang phục đến các sinh hoạt cộng đồng.
Ngày Tết, đồng các dân tộc sẽ mặc trang phục mới, thực hiện các nghi thức cúng lễ tổ tiên, cúng lễ các vị thần trong đời sống tâm linh. Ngày Tết, đồng bào các dân tộc gặp gỡ, trao đổi, giao lưu văn hóa qua các lễ hội, trò chơi dân gian. Bữa ăn ngày Tết sẽ khác với bữa ăn ngày thường. Trang phục đồng bào mặc trong ngày Tết cũng là những bộ trang phục truyền thống đẹp nhất. Mọi người ứng xử hòa nhã, vui vẻ, ấm cúng…
[Người Hà Nhì ở Điện Biên vui đón Tết cổ truyền Hồ Sự Chà]
Ở khía cạnh kinh tế, Tết là chu kỳ để nghỉ ngơi, để tiếp thêm năng lượng, để bảo tồn văn hóa và để chuyển từ khu vực sản xuất sang khu vực dịch vụ, bởi ngày lễ, Tết cũng là mùa du lịch. Và như vậy, giá trị về mặt kinh tế của lễ Tết cũng rất nổi bật.
Một số nhà nghiên cứu văn hóa dân gian cũng cho rằng, Tết truyền thống là một “hệ giá trị văn hóa” đậm đà của quốc gia, dân tộc. Trong hệ giá trị của Tết Việt có giá trị về mặt bình đẳng (Tết là cho tất cả mọi người, ai cũng có quyền được ăn Tết, dù là trong những thời kỳ, hoàn cảnh khác nhau).
Giá trị thứ hai là đoàn viên cộng đồng, (tất cả mọi người hướng về gia đình, quê hương, quốc gia của mình, ngày Tết là thời điểm mọi người hướng về sự đoàn tụ). Giá trị về tinh thần là “uống nước nhớ nguồn,” tri ân tổ tiên, tâm thức hướng về cội nguồn, hướng đến truyền thống văn hóa… điều này tạo nên giá trị đạo đức bền vững của lòng yêu quê hương, đất nước, dân tộc.
Thêm vào đó, ngày Tết còn có giá trị hướng mỹ, hướng thiện, hướng đến đạo đức và ứng xử tốt đẹp, trong ngày Tết, mọi người kiêng làm những việc xấu, nói điều không hay…
Nhìn nhận Tết dưới góc độ di sản
Trên thực tế, hiện nay việc tổ chức Tết ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều bất cập, có dân tộc được địa phương công nhận ngày Tết đón năm mới truyền thống, có chính sách cho học sinh, sinh viên, cán bộ người dân tộc thiểu số nghỉ việc đón Tết, nhưng cũng có tộc người còn bị vận động bỏ Tết cổ truyền, đón Tết Nguyên đán như người Việt, để tiết kiệm thời gian lao động sản xuất...
Tiến sỹ Trần Hữu Sơn cho rằng khi nghiên cứu về Tết, chúng ta cần đặt trong môi trường thực hành văn hóa. Tết đón năm mới hàm chứa giá trị truyền thống của từng tộc người. Ngày Tết không chỉ được xem xét, đánh giá dưới góc độ kinh tế đơn thuần, mà cần được đánh giá dưới góc độ di sản văn hóa đặc sắc.
Hiện nay, đời sống của người dân các dân tộc thiểu số được nâng cao, việc cố kết cộng đồng, tìm hiểu cội nguồn, bản sắc văn hóa dân tộc đang trở thành nhu cầu quan trọng. Người dân ở cơ sở đều có nguyện vọng được ăn Tết truyền thống của dân tộc mình. Ngày Tết luôn gắn liền với đời sống tâm linh, đời sống văn hóa khó có thể bỏ qua.
“Ở nhiều quốc gia trên thế giới như Australia, Nhật Bản... mặc dù ăn Tết theo lịch dương, nhưng vẫn tôn trọng những ngày Tết truyền thống của một số vùng, địa phương, dân tộc. Ở Australia, các bang có đông cộng đồng các dân tộc như người Việt, người Hoa, người Philippines..., Chính phủ nước này đều cho các cộng đồng này được nghỉ Tết. Từ kinh nghiệm của thế giới, thiết nghĩ chúng ta cũng quan tâm việc tổ chức đón Tết truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số,” Tiến sỹ Trần Hữu Sơn nói.
Cũng theo ông Trần Hữu Sơn, tính đa dạng văn hóa đóng vai trò rất quan trọng đối với công cuộc xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chính vì vậy, chúng ta không nên có tư duy áp đặt về mặt văn hóa, hay can thiệp từ bên ngoài vào văn hóa của đồng bào, mà cần tôn trọng di sản văn hóa Tết của đồng bào, tôn trọng nguyện vọng của đồng bào trong việc lựa chọn ăn Tết cổ truyền theo lịch riêng của dân tộc mình hay ăn Tết theo Tết Nguyên đán, hoặc ăn cả hai Tết. Đồng thời, cần xây dựng một số chính sách tổ chức Tết của đồng bào dân tộc thiểu số, như chính sách cho đồng bào được nghỉ ăn Tết truyền thống của dân tộc mình…
Ở Việt Nam, Tết của đồng bào Khmer, Tết của đồng bào người Chăm đã được Nhà nước công nhận và tôn trọng, chúng ta cũng cần tôn trọng và ủng hộ, chúc mừng khi các dân tộc khác tổ chức Tết của đồng bào mình như Tết của người Mông, Tết của người Hà Nhì, Tết của người Khơ Mú...
“Nói cách khác, việc tổ chức Tết truyền thống đã trở thành một “hệ giá trị văn hóa” đậm đà bản sắc dân tộc của đồng bào. Việc bảo tồn Tết truyền thống của đồng bào chính là bảo tồn văn hóa, bảo tồn hệ giá trị của gia đình, hệ giá trị của cộng đồng, hệ giá trị của quốc gia…
Hiểu một cách nôm na đó chính là nếp sống, là phong tục, tập quán của từng gia đình, dòng họ, của cộng đồng làng xã và chúng ta cần phải tôn trọng,” Tiến sỹ Trần Hữu Sơn nhấn mạnh./.
Bài 1: Bức tranh văn hóa đa sắc màu trong Tết cổ truyền Việt Nam