Những ai đi Đà Lạt nhiều lần thì hẳn không thể bỏ qua cảnh đẹp nơi thác Prenn, chỉ cách trung tâm thành phố Đà Lạt 10km. Còn với những vị khách mới đến lần đầu thì cũng dễ dàng bị hấp dẫn bởi tiếng nước reo, trải nghiệm bầu không khí mát lạnh từ thác Prenn khi vừa đến chân đèo Prenn,…
Khu du lịch thác Prenn nằm ngay cửa ngõ Đà Lạt, được coi là điểm khởi đầu về mặt địa lý trong hành trình khám phá vùng đất du lịch Đà Lạt, Lâm Đồng.
Tôi thăm thác Prenn cách đây hơn 20 năm, một vẻ đẹp hoang sơ mà thân thuộc, bởi không như tôi nghĩ về các con thác hùng vĩ ở Tây Nguyên, Prenn hiện lên thật nhẹ nhàng mà cũng êm dịu như sự sắp đặt của tạo hóa: Phần gãy đổ của địa chất chỉ khoảng 10m lại khá bằng phẳng nên tạo một dòng thác hiền hòa, đổ xuống mặt hồ nước trong vắt. Nếu không có sự xáo động do dòng nước đổ xuống, chắc hẳn mặt hồ nơi này cũng phẳng lặng không khác gì mặt hồ Xuân Hương, quanh năm in bóng thông ngàn. Nhiều du khách đều cảm nhận được điều này và coi đây chính là nét độc đáo của thác Prenn trong vô số ngọn thác ở Tây Nguyên.
Thời gian kéo tôi trở lại với thực tại, thác Prenn vẫn như người tình cũ không hẹn mà gặp lại, vẫn một vẻ đẹp như thuở ban đầu, vẫn tiếng reo của con nước hiền hòa đến ngàn năm không thỏa… Nhiều người ví dòng thác Prenn như mái tóc một nàng thiếu nữ miền sơn cước rực rỡ đến hoang dại trong ánh nắng đại ngàn.
Du khách ngắm “mái tóc” của núi rừng từ phía xa rồi có thể men theo một cây cầu bắc qua hồ nước để đi vào con đường luồn dưới “mái tóc” luôn ẩm ướt, mát lạnh. Một trải nghiệm thật đặc biệt dành cho du khách khi đi dưới dòng thác đang đổ ì ầm ngay trước mặt. Khung cảnh nhìn qua dòng thác khúc xạ ánh sáng trông thật ngoạn mục, hầu hết ai cũng muốn ghi lại cho mình một khoảnh khắc đẹp với thác Prenn ở góc độ này…
[Lâm Đồng cấp phép tổ chức du lịch thể thao mạo hiểm cho 10 đơn vị]
Tham quan, ngắm cảnh thác Prenn reo giữa thông ngàn ngoài việc thả bộ theo các lối mòn, hay theo những bậc đá dưới những tàng cây…, du khách còn có thể đi cáp treo ngang trên đầu ngọn thác, cảm nhận tiếng nước rì rầm cuộn chảy xuyên qua từng kẽ đá rồi đổ xuống dưới, tung bọt trắng xóa.
Anh Lê Viết Hà, du khách đến từ Đồng Nai chia sẻ: “Tôi biết đến thác Prenn từ khi chưa đặt chân đến Đà Lạt, giờ tới tham quan không chỉ chiêm ngưỡng được vẻ đẹp hoang sơ của thác mà còn biết tên thác trùng với tên con đèo Prenn là cửa ngõ vào thành phố Đà Lạt. Dù mới đến đây lần đầu nhưng vẻ đẹp hiền hòa của thác Prenn khiến tôi cảm thấy gần gũi, không gian ở đây cũng mang những nét đặc trưng của xứ lạnh Đà Lạt."
Tên thác Prenn bắt nguồn từ tiếng K’Ho, ban đầu là “Prềnh” - nghĩa là “cà đắng”, tên một loại cây. Lâu dần, người dân trong vùng đọc chệch “Prềnh” thành “Prenn," hơn nữa còn vì người Việt đến sinh sống và từ “Prenn” dễ phát âm hơn theo tiếng Việt. Thực tế, người ta cũng tìm thấy trên thượng nguồn và hai bên bờ suối của thác nhiều cây cà đắng mọc hoang. Loại cây này được đồng bào người K’Ho chế biến làm món ăn khi đi rừng, với vị đắng dễ chịu, thanh mát.
Cùng với thác nước, cả khu du lịch thác Prenn rộng 160ha, với phần lớn diện tích là rừng thông và rừng nguyên sinh, mang đến một cảnh quan du lịch sinh thái hoang sơ, trong lành cho du khách. Trong không gian khu du lịch, ngoài khung cảnh thác Prenn độc đáo, du khách còn có thể tham gia nhiều trò chơi hấp dẫn như bắn cung, bơi thuyền thể thao; hoặc cùng nhau trải nghiệm cảm giác được cưỡi voi, cưỡi đà điểu…
Đặc biệt, từ năm 2003, đến với khu du lịch thác Prenn, du khách còn được tham quan hệ thống đền thờ Âu Lạc ở phía trên đồi cao gồm Đền Thượng, Đền Trung, Đền Hạ. Đây là nơi tái hiện truyền thuyết nguồn gốc nòi giống Tiên-Rồng và cũng là nơi thờ cúng các vị vua Hùng gắn với công lao dựng nước cho dân tộc Việt.
Cách đó không xa, vườn đá Thái Dương sẽ là một trải nghiệm thú vị dành cho du khách. Giữa một khoảng rừng thông thoáng đãng, mỗi một cột đá hiện lên chân dung một vị anh hùng dân tộc, hay một danh nhân văn hóa đã có những đóng góp lớn lao trong tiến trình lịch sử, giúp du khách hiểu thêm về những trang sử đầy tự hào của Việt Nam.
Với vẻ đẹp độc đáo, quyến rũ của mình, thác Prenn thu hút hàng chục nghìn lượt du khách trong và ngoài nước mỗi năm. Những thanh âm mang âm hưởng của đại ngàn từ thác Prenn bao đời nay vẫn luôn là một cung bậc diệu kỳ trong bản hòa âm các dòng thác trên vùng đất Tây Nguyên này…/.