Thái Lan thông qua kế hoạch phát triển Hành lang Kinh tế phía Đông

Thái Lan đặt mục tiêu nâng mức đầu tư thực tế vào Hành lang Kinh tế phía Đông giai đoạn 2023-2027 lên 14 tỷ USD, tương đương 2,8 tỷ USD/năm, từ mức 2,1 tỷ USD/năm hiện nay.

Thái Lan đặt mục tiêu thu hút 14 tỷ USD vào Hành lang Kinh tế phía Đông trong giai đoạn 2023-2027. (Nguồn: Bangkok Post)
Thái Lan đặt mục tiêu thu hút 14 tỷ USD vào Hành lang Kinh tế phía Đông trong giai đoạn 2023-2027. (Nguồn: Bangkok Post)

Ngày 24/11, Ủy ban Chính sách Hành lang Kinh tế phía Đông (EEC) của Thái Lan đã thông qua dự thảo kế hoạch phát triển EEC giai đoạn 2023-2027, với mục tiêu thu hút tổng vốn đầu tư trung bình là 100 tỷ baht (2,8 tỷ USD)/năm.

Ủy ban cũng nhất trí kế hoạch cấp thị thực 10 năm, dự kiến bắt đầu áp dựng từ năm 2024, cho các nhà đầu tư vào các doanh nghiệp mục tiêu trong EEC nhằm thu hút đầu tư nước ngoài.

Theo Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Phumtham Wechayachai, kế hoạch phát triển 5 năm mới sẽ vạch ra 5 chiến lược phát triển, bao gồm: kế hoạch thúc đẩy đầu tư vào các ngành mục tiêu và dịch vụ trong tương lai; nâng cao hiệu quả sử dụng cơ sở hạ tầng và hệ thống tiện ích công cộng; nâng cao kỹ năng của lực lượng lao động để thích ứng với những thay đổi và đổi mới công nghệ; phát triển các thành phố hiện đại, đáng sống và phù hợp với nghề nghiệp; kết nối lợi ích có được từ khoản đầu tư với sự phát triển bền vững của cộng đồng.

Ông Phumtham cho biết mục tiêu của kế hoạch là nâng mức đầu tư thực tế vào EEC trong giai đoạn 2023-2027 lên tổng cộng 500 tỷ baht (14 tỷ USD), tương đương 100 tỷ baht/năm, từ mức 75 tỷ baht (2,1 tỷ USD)/năm hiện nay.

Bên cạnh đó, Thái Lan mong muốn tăng tổng vốn đầu tư vào các tỉnh nằm trong EEC lên 6,3%, đồng thời cải thiện thu nhập và chất lượng cuộc sống cho người dân địa phương.

Ông Phumtham lưu ý thêm rằng kế hoạch này cũng nhằm mục đích tạo ra một xã hội tốt đẹp và thúc đẩy sự bền vững về môi trường.

Ngoài ra, ủy ban cũng thông qua việc cấp thị thực đặc biệt, cho phép các nhà đầu tư đầu tư với công nghệ hiện đại và thân thiện với môi trường vào các ngành mục tiêu trong khu vực EEC được đưa lao động nước ngoài vào nước này theo chương trình thị thực EEC.

Các chuyên gia sẽ được xem xét cấp thị thực EEC "S," giám đốc điều hành theo thị thực EEC "E," các chuyên viên theo thị thực EEC "P," vợ/chồng và người phụ thuộc theo quy định được cấp thị thực EEC "O."

Những cá nhân này sẽ được hưởng những lợi ích đáng kể, bao gồm thuế suất thuế thu nhập cá nhân cố định ở mức 17%, thời hạn thị thực tối đa là 10 năm theo hợp đồng lao động, sử dụng làn ưu tiên tại sân bay quốc tế trong cả nước, bắt đầu áp dụng từ ngày 1/1/2024./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.