“Ban đầu, tôi nhận vẽ minh họa cho những cuốn sách dành cho thiếu nhi vì mục đích kinh tế.” Họa sỹ Thái Mỹ Phương, tác giả của loạt tranh minh họa sinh động, ngộ nghĩnh trong những tác phẩm dành cho thiếu nhi gây được tiếng vang lớn trong thời gian qua như “Ai và Ky ở xứ sở những con số thần kỳ,” “Một ngày của bố”... đã chia sẻ như vậy. Thế nhưng, càng đi sâu vào con đường khó ấy, “tôi lại càng thấy nó có một sức hút kỳ lạ với mình; và cứ thế, tôi đi tiếp,” Thái Mỹ Phương tâm sự. Phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trò chuyện với họa sỹ Thái Mỹ Phương về những câu chuyện xung quanh cây cọ vẽ và những chuyến đi. "Tôi khá cầu toàn và tham lam"- Bỏ ra 5 năm miệt mài đèn sách để trở thành một kiến trúc sư [Thái Mỹ Phương tốt nghiệp Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh-PV] nhưng hiện nay, Thái Mỹ Phương lại được biết đến với vai trò của một họa sỹ thiết kế bìa và vẽ tranh minh họa cho những tác phẩm dành cho thiếu nhi. Có lý do gì đặc biệt cho việc “rẽ lối” này không, Mỹ Phương?
Thái Mỹ Phương: Đúng là từ khoảng 4, 5 năm trở lại đây, tôi mới tham gia vẽ minh họa và thiết kế bìa cho những cuốn sách dành cho thiếu nhi. Thế nhưng, ngay từ nhỏ, tôi đã làm quen với cây cọ vẽ và rất thích vẽ. Trong khi bạn bè cùng trang lứa thích thú với những buổi tụ tập, dã ngoại thì Phương thường xuyên hí húi với một sở thích riêng: Vẽ lại theo kiểu bắt chước những hình vẽ trong những cuốn truyện tranh mình có. Không có điều kiện theo học các lớp dạy vẽ, tôi cố gắng tự luyện “tay nghề” cho mình, tập vẽ từ hình đơn giản đến phức tạp, từ vẽ đen-trắng tới cách sử dụng màu sắc… Mỗi khi hoàn thành một bức vẽ nào đó, tôi đều cảm thấy rất vui sướng. Cảm giác đó, đến giờ, tôi vẫn nhớ như in một cảm xúc thú vị và rất khó diễn tả! Thú thực, thời kỳ đầu, tôi tham gia vẽ minh họa và thiết kế bìa cho những cuốn sách dành cho thiếu nhi với mục đích kiếm tiền trang trải cuộc sống trọ học xa nhà là chính. Thế nhưng, càng vẽ tranh minh họa nhiều thì tôi lại càng cảm thấy yêu thích và muốn gắn bó với công việc này hơn. Cứ thế, dần dần, tôi chuyển hẳn sang lĩnh vực này. Thời gian đầu, tôi chủ yếu cộng tác với các đơn vị xuất bản để vẽ bìa và tranh minh họa cho những tác phẩm thiếu nhi được dịch từ tiếng nước ngoài ra tiếng Việt là chính. Sau đó, tôi nhận thấy mình nên vẽ những tác phẩm dành cho thiếu nhi của các tác giả trong nước nhiều hơn; bởi tôi thấy nó gần gũi với cuộc sống của mình hơn.
Một bức tranh trong tác phẩm "Một ngày của bố" của họa sỹ Thái Mỹ Phương (Ảnh: NVCC)
- Nói vậy tức là, tính “chạy đường dài,” Mỹ Phương sẽ đầu tư cho những cuốn sách thuần Việt?Thái Mỹ Phương: Cũng không hẳn là như thế! Tôi vẫn sẽ kết hợp vẽ cả những tác phẩm nước ngoài được dịch ra tiếng Việt và những tác phẩm thuần Việt nếu cảm thấy nó hợp với “tạng” của mình. Tuy nhiên, khi có nhiều bản thảo, dự án cùng một lúc thì Mỹ Phương chắc chắn sẽ ưu tiên những tác phẩm Việt Nam hơn. - Cảm xúc cá nhân thường chiếm bao nhiêu % trong những bức tranh của Mỹ Phương?Thái Mỹ Phương: Điều này thì khó trả lời cụ thể lắm; thường là, với những đề tài mà mình cảm thấy thích và có nhiều cảm xúc thì sẽ dễ thực hiện hơn. Thời gian hoàn thành cũng theo đó mà được rút ngắn lại. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp ngược lại. Khi thực sự tâm đắc với đề tài nào đó thì tôi sẽ đầu tư nhiều tâm sức và đặt ra những yêu cầu cao về mọi mặt đối với chính mình để tác phẩm được trọn vẹn nhất. Ví dụ như những bức vẽ tranh minh họa trong cuốn sách tranh “Một ngày của bố” mới ra mắt độc giả đầu tháng 8 vừa qua, mọi khâu đều được tôi đầu tư công phu hơn. Đáng lẽ ra, theo kế hoạch ban đầu, cuốn sách sẽ ra mắt bạn đọc từ giữa năm ngoái. Thế nhưng, cả êkíp đã phải chờ đợi tôi thêm một năm nữa. Có những bức tranh, tôi đã phải vẽ đi vẽ lại đến hàng chục lần, chỉnh sửa kỹ lưỡng đến từng chi tiết. - Mỹ Phương cảm thấy tâm đắc nhất với loạt tranh minh họa của mình ở tác phẩm nào trong số những cuốn sách như “Sự tích dưa hấu,” “Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình,” “Một ngày của bố”…?
Thái Mỹ Phương: Tôi là một người khá cầu toàn nên cuốn nào cũng để lại cho tôi một chút tiếc nuối. Những bức tranh minh họa của Mỹ Phương cũng đóng góp một phần không nhỏ làm nên thành công cho cuốn sách "Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình" (Ảnh: NVCC) Tôi có tham lam quá chăng? Mặc dù vẫn được mọi người động viên là chất lượng tranh vẽ khá tốt nhưng khi nào sách tái bản, tôi vẫn sẽ chỉnh sửa lại chút xíu theo quan điểm cầu toàn của mình. Vẽ bằng sự trải nghiệm- Có rất nhiều họa sỹ vẽ tranh cho thiếu nhi nói chung và vẽ tranh minh họa cho những cuốn sách thiếu nhi nói riêng. Vậy Mỹ Phương có bí quyết gì để những tác phẩm của mình “không đụng hàng?”Thái Mỹ Phương: Với Phương, mỗi tác phẩm là một trải nghiệm, vẽ cho thiếu nhi chính là vẽ lại ký ức của chính mình. Ký ức ấy thế nào thì mình vẽ lại như vậy thôi. Mỗi người có một ký ức tuổi thơ khác nhau và như vậy, những bức tranh của mình sẽ “không đụng hàng.” Đơn cử như khi vẽ những bức tranh minh họa cho câu chuyện “Một ngày của bố,” tôi lấy cảm hứng từ chính người cha của mình, từ cách cha chăm sóc, dạy bảo và yêu thương tôi. “Một ngày của bố” kể về cuộc sống đời thường của một ông bố sống ở đô thị. “Một ngày” của ông bố chỉ thực sự bắt đầu vào cuối giờ chiều, khi rời khỏi công sở và cuống cuồng đi đón cậu con trai đang đứng đợi ở cổng trường. Tôi hy vọng rằng, khi xem những bức tranh này, cha tôi cũng thấy thấp thoáng đâu đó bóng dáng của chính mình những ngày nuôi tôi khôn lớn. - Tôi còn nhớ, có lần, Mỹ Phương chia sẻ rằng, phần lớn số tiền kiếm được từ việc vẽ tranh, Phương “đầu tư” cho những chuyến đi. Bây giờ, Mỹ Phương còn giữ thói quen này không?
Thái Mỹ Phương: Tất nhiên là có! Vì những chuyến đi đó tạo động lực và cảm hứng rất lớn để tôi vẽ. Khi đứng ở các đất nước khác và bước vào các nhà sách của họ, mình cảm thấy hình ảnh của Việt Nam ở đó. Hình ảnh ấy hiện lên qua những bức tranh, tập sách về quê hương, đất nước mình. Bên cạnh đó, khi vào các nhà sách, thấy sách thiếu nhi của họ được đầu tư tốt hơn so với Việt Nam rất nhiều. Những hình vẽ để "làm mềm" con chữ, giúp độc giả nhí dễ tiếp cận nội dung hơn được chăm chút rất cẩn thận. Trong khi đó, ở Việt Nam, sách cho thiếu nhi phần lớn vẫn là sách dịch của nước ngoài. Các em biết đến mèo máy Doreamon, biết cuộc sống ở Nhật Bản, Hàn Quốc... thông qua truyện tranh, các ấn phẩm dịch. Điều này tác động đến tôi khá nhiều và thôi thúc tôi sáng tác nhiều hơn để ghi lại những câu chuyện bình thường trong cuộc sống, lưu lại những hình ảnh về một xã hội Việt Nam đương đại. Cùng với đó, tôi cũng hy vọng rằng, những bức tranh đó sẽ là một kênh thông tin để sau này, mọi người có thể hình dung lại cuộc sống của thời quá khứ. - Cảm ơn Thái Mỹ Phương về những chia sẻ!