Tại tỉnh Thái Nguyên, chính quyền địa phương đang tích cực đầu tư, khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng dựa vào khai thác lợi thế tự nhiên sẵn có với các cảnh quan thiên ban tặng, di tích lịch sử, văn hóa đặc sắc của cộng đồng dân tộc, đặc biệt gắn với sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn.
Khai thác lợi thế tự nhiên để phát triển du lịch cộng đồng
Khu bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải (Bản làng Thái Hải) tại xã Thịnh Đức, thành phố Thái Nguyên được xây dựng từ năm 2003, đi vào hoạt động đón khách du lịch tham quan, nghỉ dưỡng từ năm 2011. Bản làng Thái Hải có 30 ngôi nhà sàn truyền thống với tuổi đời gần thế kỷ, là nơi sinh sống của cộng đồng dân tộc Tày, Nùng, Kinh…
Đến với bản làng, du khách được trải nghiệm, hòa mình vào không khí đậm chất văn hóa dân tộc, người dân trong bản từ em nhỏ đến cụ già đều mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình. Bản làng còn lưu giữ nguyên vẹn các phong tục, tập quán đẹp, nghề truyền thống như làm thuốc nam, nấu rượu, chế biến chè, thực hành Then trong cuộc sống hằng ngày.
Du khách có thể trải nghiệm, tham gia các hoạt động như trồng trọt, chăn nuôi, làm bánh, ăn uống tại các hộ gia đình hay hòa mình vào những hoạt động văn hóa tín ngưỡng, lễ hội dân gian truyền thống của người Tày, Nùng như Lễ hội xuống đồng, Lễ mừng cơm mới, thưởng thức tiếng đàn Tính, hát Then và các trò chơi dân gian như kéo co, đánh đu, đi cà kheo…
Gia đình bà Nông Thị Hảo, dân tộc Tày, có bốn thế hệ cùng sinh sống tại bản làng Thái Hải. Bà Hảo chia sẻ: "Chúng tôi sinh sống ở đây và cùng nhau lưu giữ, quảng bá văn hóa dân tộc mình. Khi có khách đến thăm quan, trải nghiệm, chúng tôi đón khách, chia sẻ với họ về văn hóa, phong tục dân tộc, biểu diễn nghệ thuật hát Then, đàn Tính, chế biến các món ăn truyền thống dân dã phục vụ du khách."
[Thái Nguyên: Đánh thức” ngành du lịch với các sản phẩm cạnh tranh]
Theo bà Lê Thị Nga, phụ trách quản lý di sản văn hóa bản làng Thái Hải, từ khi đi vào hoạt động, bản làng Thái Hải đã tiếp đón hàng nghìn lượt khách trong nước và du khách quốc tế từ hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bản làng Thái Hải đã hai lần được nhận Giải thưởng ASEAN về du lịch cộng đồng và du lịch bền vững.
Đặc biệt, năm 2020, sản phẩm “Du lịch văn hóa dân tộc Tày bản làng Thái Hải” được Ủy ban Nhân dân tỉnh công nhận đạt 4 sao OCOP. Bà Lê Thị Nga cho biết thêm, du lịch đã mở cửa trở lại, các cư dân sinh sống trong bản làng Thái Hải đang tất bật chỉnh trang nhà cửa, ruộng vườn, tăng gia sản xuất… sẵn sàng tiếp đón du khách đến thăm quan, nghỉ dưỡng.
Nằm dưới chân núi Tam Đảo, Homestay Hoàng Nông farm nằm tại xóm Đoàn Thắng, xã Hoàng Nông, huyện Đại Từ. Homestay có hai ngôi nhà sàn theo phong cách của dân tộc Dao với diện tích 300m2, sức chứa từ 18-20 người, xung quanh xanh mướt những đồi chè sản xuất theo hướng an toàn để du khách trải nghiệm thu hái, chế biến chè.
Ông Nguyễn Văn Tùng, chủ nhân của homestay, cho biết trước đây, ông làm nghề du lịch. Trong quá trình đưa khách đi tham quan tại nhiều nơi trên cả nước, ông thấy quê hương mình có nhiều tiềm năng với nền khí hậu mát mẻ, cảnh quan đẹp của sườn Đông Tam Đảo, lợi thế phát triển du lịch sinh thái gắn với cây chè. Vì vậy, ông quyết tâm khởi nghiệp từ mô hình homestay tại ngay chính đồi chè của gia đình với mục đích quảng bá bản sắc văn hóa tại địa phương, “đánh thức” những đồi chè.
Theo ông Tùng, homestay đi vào hoạt động từ năm 2019, tuy còn rất mới mẻ nhưng đã được nhiều khách trong nước và quốc tế biết tới, đến thăm quan trải nghiệm, lưu trú. Tỷ lệ khách quay trở lại lên tới trên 50%...
Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, hoạt động du lịch cộng đồng gắn với sản xuất nông nghiệp, nông thôn đang từng bước được hình thành, thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm như mô hình du lịch cộng đồng, nông nghiệp gắn với văn hóa trà tại các vùng chè xã Tân Cương (thành phố Thái Nguyên), xã La Bằng, xã Hoàng Nông (huyện Đại Từ), xã Tức Tranh (huyện Phú Lương); mô hình du lịch trải nghiệm nông nghiệp với vườn cây ăn trái (vườn nho, dâu tây tại xã Khôi Kỳ, huyện Đại Từ); mô hình du lịch nông nghiệp gắn với cảnh quan sinh thái hồ Ghềnh Chè (thành phố Sông Công)…
Các đơn vị khai thác du lịch cộng đồng, các hợp tác xã xây dựng khu vực chế biến sản phẩm nông nghiệp, khu vực trưng bày giới thiệu và bán các sản phẩm trà, đồ lưu niệm… rộng rãi, sạch đẹp; đầu tư chỉnh trang đường làng ngõ xóm, cải tạo nương chè đẹp nhằm phục vụ các đoàn khách đông người đến tham quan, trải nghiệm… Qua đó, mô hình du lịch cộng đồng tại Thái Nguyên có sức lan tỏa, tạo được sự đồng thuận của người dân tham gia làm du lịch.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Nguyên Dương Văn Lượng, tỉnh xác định phát triển du lịch cộng đồng gắn liền với phong trào xây dựng nông thôn mới, với định hướng phát triển du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp nông thôn bền vững. Theo đó, hoạt động sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm đặc sản sẽ tạo ra sản phẩm du lịch, phục vụ khách du lịch, từ đó du lịch sẽ kích cầu lại ngành nông nghiệp với việc tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập và sinh kế của người dân.
Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung nguồn lực hỗ trợ phát triển 5 điểm du lịch cộng đồng gắn với văn hóa trà, du lịch về nguồn theo Đề án phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, nguồn ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ việc lập dự án, đầu tư hạ tầng, xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch, tập huấn, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực du lịch, hỗ trợ tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch.
Ngoài ra, tỉnh Thái Nguyên tích cực hoàn thiện các quy hoạch tổng thể phát triển du lịch và quy hoạch chi tiết cho những điểm tham quan du lịch, từng khu du lịch và hạ tầng du lịch trên cơ sở đó thu hút các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp tham gia vào du lịch cộng đồng.
Tỉnh cũng quan tâm trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, lễ hội theo đúng định hướng bảo tồn và phát triển tài nguyên du lịch; huy động cộng đồng tham gia bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa địa phương -nguồn tài nguyên trong phát triển du lịch cộng đồng./.