Theo số liệu Bộ Tài chính Nhật Bản công bố ngày 18/9, trong tháng Tám vừa qua thâm hụt thương mại của Nhật Bản ở mức 948,5 tỷ yen (khoảng 8,75 tỷ USD).
Đây là tháng thứ 26 liên tiếp Nhật Bản thâm hụt thương mại và là giai đoạn dài nhất kể từ khi bắt đầu thống kê số liệu năm 1979.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản trong tháng Tám giảm 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 5.706 tỷ yen do nhu cầu các mặt hàng như ôtô và các hợp chất hữu cơ từ Mỹ và Trung Quốc giảm. Tuy nhiên, mức thâm hụt trong tháng Tám giảm 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ nhập khẩu giảm.
Theo đó, kim ngạch nhập khẩu trong tháng giảm 1,5% xuống 6.654,5 tỷ yen, lần giảm đầu tiên trong vòng 3 tháng do nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện giảm vì nhu cầu điện trong tháng Tám giảm.
Các chuyên gia kinh tế dự báo thâm hụt thương mại của Nhật Bản sẽ còn tăng trong bối cảnh đồng yen suy yếu đẩy giá nhập khẩu lên.
Đồng yen trượt giá cũng giúp xuất khẩu tăng do hàng hóa Nhật Bản trở nên rẻ hơn ở nước ngoài, song hiện tại nó sẽ góp phần làm tăng thâm hụt thương mại do kim ngạch nhập khẩu vẫn lớn hơn xuất khẩu. Giá đồng yen so với USD trong tháng Tám đã giảm 3,8% xuống còn 102,15 yen/1USD.
Nhà kinh tế Mitsumaru Kumagai của Viện nghiên cứu Daiwa dự báo kim ngạch nhập khẩu của Nhật Bản sẽ tăng dần trong bối cảnh kinh tế toàn cầu phục hồi.
Theo đó, kinh tế Mỹ đang có dấu hiệu khởi sắc do chi tiêu cá nhân tăng mạnh, trong khi kinh tế Trung Quốc đang trên đà phục hồi nhờ những biện pháp kích thích kinh tế. Tuy nhiên trong thời gian ngắn, kinh tế Nhật Bản khó có thể quay lại thời kỳ thặng dư thương mại./.