Thăm nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết định đánh trận Điện Biên Phủ

Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ (Mường Phăng), từ chính nơi này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tư lệnh chiến dịch đã đưa ra những quyết định sáng suốt, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ.
Thăm nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết định đánh trận Điện Biên Phủ ảnh 1Du khách tham quan tại Sở Chỉ huy trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh: Xuân Tiến/Vietnam+)

Mường Phăng (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên), xã vùng ngoài lòng chảo Mường Thanh từ lâu đã được người dân trong nước và quốc tế biết đến.

Nơi đây có Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ- Cơ quan đầu não của quân đội Việt Nam trong Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954. Từ chính nơi này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tư lệnh chiến dịch đã đưa ra những quyết định sáng suốt, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.”

Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ đặt tại khu rừng già dưới chân núi Pú Đồn, cách lòng chảo Mường Thanh 10km đường chim bay và gần 40km đường bộ. Đây là địa điểm thứ 3 và cũng là địa điểm cuối cùng của Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, tại đây, Bộ chỉ huy chiến dịch đã đóng chân 105 ngày (từ ngày 31/01/1954 đến ngày 15/05/1954).

Trước đó, địa điểm thứ nhất của Sở Chỉ huy đặt tại hang Thẩm Púa, gần Quốc lộ 279, cách huyện Tuần Giáo (tỉnh Điện Biên) 15km, trong khoảng thời gian 32 ngày (từ ngày 17/12/1953 đến ngày 17/01/1954). Địa điểm thứ 2 của Sở chỉ huy đặt tại bản Huổi He, xã Nà Tấu, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên trong thời gian 13 ngày (từ ngày 18/01/1954 đến ngày 30/01/1954).

Con đường lát đá sỏi dài gần 1km ẩn mình dưới tán cây cổ thụ của đại ngàn đưa chúng tôi tiến sâu vào khu di tích. Trên đường đi, khi dõi tầm mắt ra xa, chúng tôi bắt gặp những nếp nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Thái quần tụ, dựa lưng vào núi.

Thăm nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết định đánh trận Điện Biên Phủ ảnh 2Lán ở và làm việc của Trưởng ban thông tin chiến dịch Hoàng Đạo Thúy. (Ảnh: Xuân Tiến/Vietnam+)

Các trạm gác, cơ quan thông tin; hệ thống lán của Đại đội vệ binh, Ban quản lý hành chính, đoàn sỹ quan liên lạc, cơ quan thông tin, tham mưu, tác chiến hội trường… xây dựng dọc theo một con suối nhỏ chảy quanh dưới chân núi Pú Đồn, được bố trí thành một hệ thống liên hoàn, bao bọc trước sau, có hầm hào, lán trại thuận tiện, phù hợp với tốc độ làm việc khẩn trương của Bộ chỉ huy chiến dịch, vừa đảm bảo bí mật, an toàn tuyệt đối cho các cơ quan trong sở chỉ huy.

Từ bảng giới thuyết đặt trong khu di tích, đi về phía bên trái bằng con đường mòn nhỏ chúng tôi đã đến được Lán làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Lán được làm bằng vật liệu khai thác tại chỗ, nằm trên độ cao khoảng hơn 2m so với con đường mòn; diện tích của lán rộng gần 20m2. Lán được che chắn bằng liếp nứa, mặt ngoài của lán được che thêm những tấm cỏ gianh. Lán có hai gian: Gian ngoài là phòng làm việc của Đại tướng; gian trong là của người cần vụ- người chăm lo sức khỏe cho Đại tướng trong suốt chiến dịch.

[Photo] Thăm Khu di tích lịch sử Mường Phăng giữa rừng nguyên sinh

Lán làm việc của Đại tướng đơn sơ như chính hồi ức của Đại tướng đã từng nhắc đến: “…nó được thu nhỏ đến mức tối thiểu, …ổn định tới mức không cần có sự cái tiến nào.” Từ chính nơi này, ngoài nhiệm vụ chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng còn có nhiệm vụ chỉ đạo các hoạt động quân sự trên phạm vi toàn quốc cũng như ở chiến trường Đông Dương cùng phối hợp với Điện Biên Phủ để giành chiến thắng.

Từ lán làm việc của Đại tướng, qua đường hầm xuyên sơn dài gần 70 mét là đến lán làm việc của Thiếu tướng Hoàng Văn Thái, Tham mưu trưởng chiến dịch Điện Biên Phủ. Từ của hầm cao 1,70 mét, dõi tầm mắt về xung quanh chúng tôi dễ dàng bắt gặp các lán trại, cơ quan khác trong tổ hợp công sự của sở chỉ huy.

Trải qua 63 năm (1954- 2017), Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Điện Biên nói chúng, xã Mường Phăng nói riêng chung tay gìn giữ, bảo tồn. Do đó, cảnh vật thiên nhiên và hệ thống lán trại, hệ thống hầm hào là nơi làm việc của các cơ quan, bộ phận trọng yếu trong Sở Chỉ huy chiến dịch vẫn vẹn nguyên, đảm bảo yếu tố gốc.

Anh Lò Văn Hoàng, Tổ trưởng Tổ bản vệ di tích Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, cho biết Tổ công tác bảo vệ di tích có 6 người và 2 người nữ làm công tác dẫn du khách, thực hiện việc hướng dẫn viên, thuyết minh viên. Định kỳ hàng tháng, tổ công tác đều tổ chức thực hiện vệ sinh khuôn viên di tích; phối hợp với thanh niên đoàn xã Mường Phăng quét dọn, vệ sinh đường từ trung tâm xã đến Sở chỉ huy chiến dịch đảm bảo môi trường, cảnh quan luôn sạch sẽ. Vào các dịp lễ, tết, tổ bảo vệ sẽ tổ chức tăng ca, tăng giờ; phối hợp với lực lượng công an xã đảm bảo công tác an ninh, trật tự trên địa bàn và trong khuôn viên di tích. Công tác đảm bảo phòng, chống cháy nổ tại di tích cũng được tổ bảo vệ chú trọng thực hiện.

Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ thuộc Quần thể di tích Chiến trường Điện Biên Phủ- một di sản quân sự tiêu biểu của cả nước. Khu di tích chiến trường Điện Biên Phủ là một trong 10 di tích được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt đợt 1 theo Quyết định số 1272/QĐ-TTg ngày 12/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ.

Với vai trò, ý nghĩa và giá trị lịch sử của di tích Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, nhiều năm qua, chính quyền xã Mường Phăng đã coi đây là một thế mạnh để phát huy tiềm năng du lịch ở địa phương trên cơ sở cùng giữ gìn, bảo vệ Khu di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ông Mùa A Kềnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên cho biết: Hiện nay vùng căn cứ địa cách mạng Mường Phăng đã thu hút khách du lịch rất đông, trong đó có cả khách quốc tế. Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ nằm trên địa bàn, tạo nên một thế mạnh để xã phát triển du lịch. Để đánh thức được tiềm năng du lịch lịch sử này, chúng tôi phải giữ gìn, tôn tạo, bảo vệ khu di tích thật tốt. Do đó phải tuyên truyền cho người dân để nâng cao ý thức, xây dựng văn hóa thật sự văn minh để tạo những ấn tượng tốt đẹp, thân thiện với du khách.

Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ là một điểm du lịch lịch sử, nơi chứa đựng những lát cắt khái quát, chân thật, khách quan về sức mạnh của một dân tộc, sức mạnh của tinh thần yêu nước, chính nghĩa và yêu chuộng hòa bình. Di tích Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ mãi là biểu tượng của đỉnh cao trí tuệ quân sự và khí phách anh hùng, bất khuất của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Cổng nhà rêu phong cùng phần mái ngói đặc trưng của kiến trúc làng cổ Việt. (Ảnh: Vân Chi/TTXVN phát)

Cự Đà - làng cổ lưu dấu hồn xưa giữa phố thị

Cự Đà là ngôi làng cổ nổi tiếng thuộc xã Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội, sở hữu những căn nhà mang nét truyền thống, mộc mạc của làng quê Bắc Bộ, giao thoa hài hòa với vẻ cổ kính đậm dấu ấn kiến trúc Pháp.

Độc đáo Tháp Thần Nông làm từ cối đá

Độc đáo Tháp Thần Nông làm từ cối đá

Liên minh Kỷ lục thế giới phối hợp với Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam và Tổ chức kỷ lục gia Việt Nam Vietkings tổ chức trao Bằng công nhận Kỷ lục thế giới với Tháp Thần nông.