Giai đoạn 2 dự án nước sông Đà dự kiến sẽ được Vinaconex sớm khởi công trong tháng 10 nếu hoàn tất các thủ tục liên quan và phấn đấu đưa tuyến ống thứ 2 vào sử dụng cuối quý Hai năm 2016.
Đây có thể xem như giải pháp cần kíp để bù đủ nguồn nước cho Hà Nội nếu tuyến ống số 1 xảy ra sự cố.
Các chuyên gia trong lĩnh vực cấp thoát nước cho rằng sự cố rò rỉ, vỡ tuyến ống nước sông Đà là không thể kiểm soát được. Điều này thể hiện qua việc tuyến dẫn nước sông Đà giai đoạn 1 đã nhiều lần xảy ra sự cố khiến khoảng 70.000 hộ dân phía Tây Thủ đô bị ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt.
Do tuyến dẫn nước từ Nhà máy nước sông Đà về Thủ đô là độc đạo nên khi xảy ra sự cố đã gây tê liệt toàn hệ thống, nhất là khi nhà máy này chiếm tới 30% sản lượng nguồn nước cung cấp cho toàn thành phố. Việc đầu tư giai đoạn 2 với tuyến ống mới song song là rất cần thiết. Tuy nhiên, trong lúc chờ đợi có thêm tuyến ống khác thì vì việc thường trực kiểm tra và kịp thời khắc phục sự cố 24/24 giờ vẫn là giải pháp đang được đơn vị chủ quản Công ty cổ phần nước sạch Vinaconex duy trì thường xuyên.
Theo ông Nguyễn Văn Tốn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần nước sạch Vinaconex, các lần xảy ra sự cố đều phải khắc phục với phương pháp cũ như các lần vỡ trước. Hiện ống cốt sợi thủy tinh vẫn là vật liệu duy nhất được dùng bởi đây cũng là vật liệu để thay thế nhanh nhất và tương thích với đường ống cũ. Nếu chờ nhập khẩu ống thì sẽ rất mất thời gian, đó là chưa kể còn không đồng bộ. Kiểm soát chất lượng đường ống nước sông Đà khó nhất vẫn là đoạn qua Đại lộ Thăng Long.
Việc đường ống nước sạch sông Đà liên tục gặp sự cố trong nhiều năm qua (kể từ cuối năm 2012-2015) đã gây thất thoát hơn 1,3 triệu m3 nước và đơn vị chủ quản phải mất gần 10 tỷ đồng để khắc phục sửa chữa. Liên quan đến chất lượng đường ống, nhiều cán bộ của Công ty cổ phần nước sạch Vinaconex đã bị khởi tố vì tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng
Phía Vinaconex cũng cho biết, cuối tháng 7 vừa qua, các cơ quan chuyên môn của Bộ Xây dựng đã họp thẩm định thiết kế kỹ thuật giai đoạn 2 dự án này và Vinaconex đang phát hành hồ sơ mời thầu cung cấp ống. Tại giai đoạn 2, chủ đầu tư lựa chọn, sử dụng vật liệu đường ống dẫn nước bằng chất liệu gang dẻo. Tuyến ống giai đoạn 2 sẽ chạy dọc theo đường gom phải và cao tốc phải (theo hướng Hà Nội-Láng Hòa Lạc). Trong đó, đoạn tuyến ống có chiều dài 21km có khẩu độ lên tới D1.800.
Tổng vốn đầu tư dự án nước sông Đà giai đoạn 2 dự kiến khoảng 4.922 tỷ đồng; trong đó phân kỳ I của giai đoạn này là xây dựng tuyến ống dài 21km với mức vốn đầu tư 1.168 tỷ đồng (sử dụng vốn tự có của doanh nghiệp và vay tín dụng thương mại). Sau khi hoàn thành đầu tư giai đoạn 2, sẽ nâng công suất toàn bộ hệ thống đường ống nước sông Đà lên 600.000m3/ngày đêm, khai thác hết công suất còn lại nhà máy giai đoạn 1, giảm tải và hỗ trợ tuyến ống số 1 khi có sự cố, đáp ứng nhu cầu bức xúc về nước sạch của người dân Hà Nội hiện nay.
Mặc dù chủ đầu tư đã quyết tâm nhưng mới đây thành phố Hà Nội cũng quyết định xây dựng tuyến ống khẩn cấp để chia sẻ áp lực cho tuyến ống sông Đà số 1 và khởi công nhà máy nước mặt sông Hồng để bảo đảm an toàn cấp nước cho nhân dân.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, đường ống khẩn cấp này sẽ truyền tải nước sông Đà từ Hòa Lạc đến Trung tâm Hội nghị quốc gia, dài hơn 20 km, để chia sẻ lượng nước cho đường ống số 1 hiện tại luôn đứng trước nguy cơ vỡ. Tuyến ống khẩn cấp này có nhiệm vụ giảm áp, bảo đảm an toàn cho tuyến số 1. Sau khi hoàn thành, tuyến ống khẩn cấp san sẻ 80.000-100.000 m3 nước cho tuyến số 1, bảo đảm an toàn cấp nước cho nhân dân Thủ đô.
Hiện nay, đầu tư các dự án cấp nước đòi hỏi một nguồn kinh phí rất lớn và trong điều kiện hiện nay, việc xã hội hóa nguồn vốn cho các dự án cấp thoát nước được xem như một lựa chọn tối ưu. Sau khi tuyến ống giai đoạn 1 của nước sông Đà bộc lộ nhiều khiếm khuyết, dư luận cũng đặt câu hỏi có nên để chủ đầu tư Vinaconex tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 của dự án.
Do đó, vào tháng 7/2014, thành phố Hà Nội từng có văn bản đề nghị Chính phủ, nếu Vinaconex không được giao tiếp tục làm dự án thì cho phép Hà Nội chỉ đạo Công ty nước sạch triển khai. Hiện dự án này lựa chọn nhà đầu tư theo hướng huy động nguồn vốn xã hội hóa, thực hiện theo hình thức BOO (xây dựng-sở hữu-kinh doanh), sử dụng nguồn vốn tự có của doanh nghiệp và vốn vay thương mại. Tuy nhiên, ngoài chủ đầu tư Vinaconex thì Hà Nội cũng chưa thu hút được các đơn vị khác “mặn mà” tham gia.
Với thực trạng này, ông Trần Quang Hưng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Cấp thoát nước Việt Nam thẳng thắn chỉ rõ, về tổng thể, từ năm 2007, ngoài nước sông Đà, thành phố Hà Nội không đầu tư thêm nguồn nào khác. Trong khi đó, dân cư khu vực Tây Nam phát triển nhanh cộng thêm việc mở rộng địa giới hành chính khiến nhu cầu nước cao. Việc thành phố chỉ trông chờ vào nguồn nước sông Đà với công suất giai đoạn 1 chỉ có 300.000m3/ngày đêm thì không thể đủ cho nhu cầu dân cư đang phát triển như hiện nay./.