Thanh Hóa: Khởi công xây dựng cầu Bút Sơn và cầu Thắm

Ngày 11/5, tại Thanh Hóa, Bộ Giao thông Vận tải và UBND tỉnh tổ chức lễ khởi công xây cầu Thắm và cầu Bút Sơn trên Quốc lộ 10, với tổng vốn hơn 480 tỷ đồng.
Các đại biểu làm lễ động thổ xây cầu Bút Sơn. (Ảnh: Ninh Đức Phương/TTXVN)

Ngày 11/5, tại tỉnh Thanh Hóa, Bộ Giao thông Vận tải đã phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh tổ chức lễ khởi công xây dựng cầu Thắm và cầu Bút Sơn trên Quốc lộ 10.

Các công trình cầu Thắm và cầu Bút Sơn thuộc dự án cải tạo mạng lưới đường quốc gia lần thứ 2 được Bộ Giao thông Vận tải  giao cho Ban Quản lý dự án 6 làm đại diện chủ đầu tư triển khai xây dựng, nâng cấp 70 cầu, xây dựng tại 25 tỉnh, thành phố trên cả nước, với tổng mức đầu tư trên 8.254 tỷ đồng.

Đây cũng là 2 dự án được triển khai đồng thời và đầu tiên trong dự án cải tạo mạng lưới đường quốc gia lần thứ 2.

Cầu Bút Sơn thuộc vị trí km221+577 - Quốc lộ 10 được bắc qua sông Bút trên địa bàn huyện Hoằng Hóa, cách cầu phao Bút Sơn hiện tại 60m về phía hạ lưu, cầu có chiều dài 766,46m, bề rộng mặt cầu đạt 12m, với tổng đầu tư hơn 220 tỷ đồng.

Cầu Thắm được bắc qua sông Lèn trên địa bàn 2 huyện Nga Sơn và Hậu Lộc tỉnh Thanh Hóa, cách cầu phao Thắm hiện tại 300m về phía thượng lưu có bề rộng mặt cầu 12m, dài 488,3m, giá trị công trình gần 260 tỷ đồng.

Cả 2 cầu này đều được thiết kế vĩnh cửu bằng bêtông cốt thép và bêtông cốt thép dự ứng lực. Các cầu này được thi công bởi liên danh Tổng Công ty Xây dựng Công trình Thăng Long - Công ty Cổ phần Đạt Phương và liên danh Công ty Cổ phần Cầu 14 (Cienco1) - Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Công trình và Đầu tư 120.

Hai cây cầu này khi đưa vào sử dụng sẽ góp phần thu ngắn quãng đường cũng như thời gian đi lại giữa các huyện ven biển phía Bắc tỉnh Thanh Hóa và phía Nam tỉnh Ninh Bình. Dự kiến cầu Thắm sẽ được hoàn thành sau 19 tháng, cầu Bút Sơn sẽ được hoàn thành sau 17,5 tháng thi công.

Phát biểu tại buổi lễ, đại diện Bộ Giao thông Vận tải  nhấn mạnh dự án sẽ khôi phục các cầu yếu trên các quốc lộ nhằm giải quyết vấn đề an toàn và chống ùn tắc giao thông; khôi phục các cầu yếu đường bộ với tiêu chuẩn phù hợp với các tuyến đường được xây dựng và nâng cấp có tính đến yếu tố quy hoạch trong tương lai.

Dự án cũng sẽ góp phần hoàn thiện dần kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ từ thành thị đến nông thôn và miền núi, vùng sâu, vùng xa để tạo đà phát triển các ngành kinh tế khác, nhằm tăng tốc độ phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là vùng nông thôn và miền núi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục