TP Hồ Chí Minh duy trì hoạt động chợ ẩm thực dưới lòng đất

Thành phố Hồ Chí Minh duy trì hoạt động chợ ẩm thực dưới lòng đất

Hàng trăm tiểu thương đang kinh doanh tại Sense Market được duy trì hoạt động cho đến khi thành phố chính thức khởi công xây dựng lại toàn bộ Công viên 23/9, quận 1.
Thành phố Hồ Chí Minh duy trì hoạt động chợ ẩm thực dưới lòng đất ảnh 1Chợ ẩm thực dưới lòng đất tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Nguồn: Báo ảnh Việt Nam)

Hàng trăm tiểu thương đang kinh doanh tại Sense Market - Chợ ẩm thực dưới lòng đất đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh được duy trì hoạt động cho đến khi thành phố chính thức khởi công xây dựng lại toàn bộ Công viên 23/9, quận 1.

Cụ thể, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giao Sở xây dựng thành phố sẽ là đầu mối quản lý toàn bộ Công viên 23/9, chịu trách nhiệm chủ trì phối hợp các sở ngành để rà soát lại toàn bộ tình trạng pháp lý các đơn vị hiện đang hoạt động tại công viên. Đồng thời, giao Sở Quy hoạch-Kiến trúc triển khai công tác thi tuyển ý tưởng thiết kế quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500.

Mặt khác, các sở ngành thành phố sẽ phối hợp liên ngành trong việc khẩn trương xây dựng phương án di dời sân khấu Sen Hồng, bến xe buýt...

Đặc biệt, Ủy ban Nhân dân quận 1 sẽ phối hợp Công an Thành phố và Công ty Công viên cây xanh... xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh buôn bán, xả rác, mất vệ sinh, an ninh trật tự và không để phát sinh tệ nạn xã hội tại khu vực công viên.

[Khám phá khu chợ dưới lòng đất đầu tiên ở Sài thành]

Các công trình, đơn vị hiện đang hoạt động trên mặt đất của Công viên 23/9 phải có phương án di dời bao gồm sân khấu, bãi xe, bến xe buýt, các cơ quan.

Riêng đối với các hoạt động khai thác tại tầng hầm của Sense Market nằm sâu dưới lòng đất nhờ không ảnh hưởng công năng mảng xanh của công viên và từ khi đi vào hoạt động đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo người dân trong nước, cũng như khách du lịch quốc tế nên được thống nhất chủ trương tiếp tục duy trì hoạt động cho đến khi thành phố chọn được phương án thiết kế mới cần chính thức bàn giao mặt bằng thi công.

Cùng với việc chấp thuận cho Sense Market tiếp tục được duy trì hoạt động thêm vài năm nữa, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng giao Trung tâm Phát triển quỹ đất thuộc Sở Tài Nguyên và Môi trường Thành phố thực hiện các ký kết và gia hạn hợp đồng thuê đúng theo quy định của pháp luật.

Theo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, việc chỉnh trang và ổn định an ninh trật tự khu vực này là hết sức cần thiết, bởi Công viên 23/9 vừa là mảng xanh quan trọng của thành phố, vừa là cửa ngõ thường xuyên đón khách du lịch quốc tế đến tham quan và mua sắm tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Công viên 23/9 sau chỉnh trang quy hoạch sẽ trở thành một điểm đến thân thiện, hiện đại, phục vụ tốt nhu cầu tham quan, vui chơi, giải trí, thưởng ngoạn của người dân thành phố và du khách quốc tế.

Chợ do Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Saigon Co.op - SCID và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư thương mại Cửu Long đầu tư, mở cửa đầu năm 2017.

Chợ có 5.000m2 được nhà đầu tư cải tạo, tái hiện lại không gian ẩm thực đường phố xưa với gần 100 gian hàng, khu mua sắm Taka Plaza với hơn 400 gian hàng kinh doanh thời trang theo tiêu chí bán đúng giá, không nói thách cùng cửa hàng tiện lợi Co.op Food, nhà sách, quầy dịch vụ viễn thông, chuyển đổi ngoại tệ...

Trong số 600 hộ tiểu thương đang kinh doanh tại chợ có nhiều người trước đây từng buôn bán vỉa vè. Hiện nay, mỗi ngày chợ đón khoảng 3.000 khách, trong đó có nhiều khách nước ngoài.

Công viên 23/9 hiện có tổng diện tích 10,9ha gồm Khu A, Khu B, Khu C. Hiện mặt bằng công viên này có nhiều đơn vị quản lý và khai thác một cách chồng chéo, manh mún, thiếu kiểm soát, nhất là tại Khu B với các hoạt động mua sắm, ăn uống, dịch vụ, làm thay đổi công năng của công viên, gây ùn ứ giao thông khu vực.

Trong khi đó, hạ tầng công viên dần xuống cấp, sửa chữa mang tính tạm thời, chắp vá. Công viên chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng tổng mặt bằng khiến việc sử dụng, kinh doanh, khai thác mặt bằng công viên diễn ra tùy tiện.

Các khu vực, không gian tiện ích như: sân sinh hoạt cộng đồng, hệ thống chiếu sáng, nhà vệ sinh, trò chơi trẻ em, khu vận động cho thanh thiếu niên hạn chế, chưa đáp ứng đủ nhu cầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.