Hiện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 542ha công viên cây xanh do các đơn vị trực thuộc Sở Giao thông Vận tải (nay chuyển chức năng quản lý công viên, cây xanh về cho Sở Xây dựng) và Ủy ban nhân dân các quận, huyện quản lý.
Thời gian qua, nhiều công viên bị lấn chiếm, thậm chí có tới 55% diện tích công viên phục vụ nhà hàng, giải trí, điển hình là Công viên 23/9 (quận 1).
Điều đáng nói, Công viên 23/9 tọa lạc ngay trung tâm thành phố, đối diện với khu phố Tây nhưng việc lấn chiếm diễn ra từ lâu trong thời gian dài. Lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố nhiều lần chỉ đạo giải quyết nhưng đến nay chưa thể xử lý dứt điểm, gây bức xúc.
Theo báo cáo Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, Công viên 23/9 hiện có tổng diện tích 10,9ha gồm Khu A, Khu B, Khu C. Hiện mặt bằng công viên này có nhiều đơn vị quản lý và khai thác một cách chồng chéo, manh mún, thiếu kiểm soát, nhất là tại Khu B với các hoạt động mua sắm, ăn uống, dịch vụ, làm thay đổi công năng của công viên, gây ùn ứ giao thông khu vực.
Trong khi đó, hạ tầng công viên dần xuống cấp, sửa chữa mang tính tạm thời, chắp vá. Công viên chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng tổng mặt bằng khiến việc sử dụng, kinh doanh, khai thác mặt bằng công viên diễn ra tùy tiện.
Các khu vực, không gian tiện ích như sân sinh hoạt cộng đồng, hệ thống chiếu sáng, nhà vệ sinh, trò chơi trẻ em, khu vận động cho thanh thiếu niên hạn chế, chưa đáp ứng đủ nhu cầu.
Theo quy hoạch, khu vực trung tâm 930ha của thành phố, toàn bộ khu vực Công trường Lam Sơn, đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi đến công viên Quách Thị Trang và Công viên 23/9 đều quy hoạch đất công viên cây xanh, từ đó hình thành một trục không gian xanh, không gian công cộng liên hoàn cho khu vực lõi trung tâm. Ngoài ra, sau khi dự án metro số 1 hoàn thành, Công viên 23/9 sẽ có nhà ga trung tâm, nơi thu hút lượng lớn người đi đến thường xuyên.
[TP.HCM: khẩn trương di dời người dân ra khỏi chung cư bị nghiêng lún]
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, hiện có 4 đơn vị kiến nghị không tiến hành di dời ra khỏi mặt bằng Công viên 23/9 này gồm Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (sử dụng gần 18.500 m2 tại Khu C để làm bến xe buýt Sài Gòn), Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 thuộc Sở Giao thông Vận tải thành phố sử dụng bãi xe 2 bánh vị trí phía sau mặt bằng số 2 Phạm Ngũ Lão để làm bãi giữ xe 2 bánh.
Sở Du lịch xây dựng Trạm Thông tin và hỗ trợ hành khách du lịch tại Khu B, Sở Văn hoá và Thể thao liên kết với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Dịch vụ Công ích Thanh niên Xung phong xây dựng sân khấu Sen Hồng biểu diễn nghệ thuật với diện tích 5.760m2.
Xử lý vấn đề lấn chiếm mặt bằng Công viên 23/9, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong giao Sở Giao thông Vận tải xây dựng phương án cải tạo, chỉnh trang Công viên 23/9 theo quy hoạch được duyệt.
Đối với Sở Tài nguyên và Môi trường, ông Nguyễn Thành Phong yêu cầu chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất chấm dứt, không gia hạn hợp đồng cho thuê đối với các đơn vị đang sử dụng mặt bằng tại Công viên 23/9.
Đối với các đơn vị đang sử dụng mặt bằng nhưng trong các văn bản pháp lý không ghi rõ thời gian hoàn trả, yêu cầu phải di dời trước ngày 30/4/2019. Sở Quy hoạch kiến trúc khẩn trương hoàn thành lập quy hoạch chi tiết 1/500 khu vực Công viên 23/9 trước quý III năm 2018.
Trước đó, ngày 31/1/2019, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp với các sở ngành liên quan về vấn đề di dời các đơn vị tại Công viên 23/9.
Theo đó, ông Trần Vĩnh Tuyến đã giao Sở Quy hoạch và Kiến trúc khẩn trương tổ chức thi tuyển ý tưởng thiết kế quy hoạch chi tiết 1/500 khu vực Công viên 23/9, đề nghị Sở Giao thông Vận tải đề xuất phương án bố trí tạm bến xe buýt và bãi giữa xe 2 bánh trong quá trình triển khai xây dựng Công viên 23/9. Tạm thời vẫn duy trì hoạt động của 2 công trình này cho đến khi triển khai xây dựng công viên theo quy hoạch được duyệt.
Ủy ban Nhân dân thành phố đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao khẩn trương xây dựng phương án di dời khu sân khấu Sen Hồng, sau khi Công viên 23/9 được xây dựng hoàn chỉnh, toàn bộ phần trên mặt đất sẽ được sử dụng đúng chức năng là công viên cây xanh, mặt nước, không được tổ chức triển lãm, hội chợ, mua bán, kinh doanh trong công viên.
Đáng chú ý, ngày 1/2/2019, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 462/QĐ-UBND duyệt nhiệm vụ thi tuyển ý tưởng thiết kế quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu vực Công viên 23/9.
Theo đó, Ủy ban Nhân dân thành phố xác định, Công viên 23/9 là mảng xanh đô thị lớn khu vực trung tâm, là không gian kết nối các khu vực thương mại, dịch vụ truyền thống như Chợ Bến Thành, khu phố du lịch Bùi Viện-Phạm Ngũ Lão, khu thương mại dịch vụ theo đường Lê Lai- Nguyễn Trãi, khu vực Chợ Thái Bình.
Quy mô diện tích tính cả phần mở rộng gồm 16,07ha, là công viên cây xanh, công trình văn hoá và quảng trường, gồm 4 tầng ngầm làm bãi đậu xe, khu thương mại, dịch vụ, kết nối với không gian ngầm nhà ga trung tâm Bến Thành dưới quảng trường Quách Thị Trang và tầng hầm các công trình lân cận./.