Thành quả và tương lai của chính sách kinh tế Abenomics

Chính sách Abenomics đã ghi nhận những thành quả nhất định trong 7 năm thực hiện và tân Thủ tướng Yoshihide Suga sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách đã được đề ra dưới thời người tiền nhiệm Abe Shinzo.
Cựu Thủ tướng Abe Shizo nhận hoa chúc mừng sau khi toàn bộ nội các do ông lãnh đạo từ chức, tại Tokyo ngày 16/9/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Cựu Thủ tướng Abe Shizo nhận hoa chúc mừng sau khi toàn bộ nội các do ông lãnh đạo từ chức, tại Tokyo ngày 16/9/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chính sách kinh tế Abenomics của cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã được thực thi vào năm 2013, với những hy vọng vực dậy nền kinh tế Nhật Bản thoát khỏi suy thoái kéo dài 20 năm qua. Giờ đây, khi ông Abe từ chức, Abenomics thành bại ra sao với hơn 7 năm đã trôi qua?

Tạp chí Phương Nam cuối tuần đã có bài phỏng vấn nhiều học giả về những kinh nghiệm và bài học có thể rút ra, đồng thời triển vọng chính sách kinh tế tiếp theo của Chính phủ Nhật Bản.

Vấn đề cơ cấu vẫn tồn tại

Theo ông Thẩm Kiến Quang, nhà kinh tế trưởng hàng đầu của tập đoàn JD Finance, Abenomics đã ghi nhận những thành quả nhất định trong 7 năm thực hiện. Trên thực tế, một số mục tiêu đã đạt được như lãi suất thực tế trung bình từ năm 2008-2012 là 2,85% giảm xuống còn 0,43% trong giai đoạn 2013-2017, chi phí vốn giảm rõ rệt.

Thị trường chứng khoán Nhật Bản đã thu hút một lượng lớn dòng vốn, con số này đã tăng gấp đôi kể từ khi ông Abe lên nắm quyền. Giá thành giảm đã giúp lợi nhuận của các doanh nghiệp tăng lên đáng kể.

Chính sách tăng cường sự tham gia của nữ giới trong nền kinh tế do ông Abe chủ trương đã bắt đầu có hiệu lực. Đề xướng việc làm linh hoạt đã giúp lực lượng lao động nữ tăng 12,6% trong 7 năm qua, cao hơn so với mức tăng 3,1% lao động nam giới trong cùng kỳ.

Nền kinh tế Nhật Bản đã bị ảnh hưởng nặng nề sau cuộc khủng hoảng tài chính và sự cố Fukushima. Nhìn từ những bài học đau thương trong lịch sử chính sách giảm phát gây ra cho Nhật Bản và nền kinh tế toàn cầu, nếu Abenomics không được triển khai quyết liệt thì nền kinh tế Nhật Bản sẽ hoàn toàn rơi vào vòng xoáy suy thoái kinh tế sâu rộng và giảm phát.

Dù vậy, Abenomics vẫn chưa thể loại bỏ các vấn đề cố hữu của nền kinh tế Nhật Bản. Một là, thuế tiêu dùng đã được điều chỉnh tăng hai lần vào năm 2014 và 2019. Mặc dù đã có những cân nhắc về việc huy động vốn để mở rộng tài khóa, nhưng kết quả là tiêu dùng hộ gia đình trì trệ không gia tăng lại bị siết chặt, lạm phát cũng thiếu động lực tăng.

Hai là, việc thực hiện các cải cách mang tính cơ cấu còn thiếu sót. Từ góc độ cơ cấu kinh tế sâu rộng, Nhật Bản có tỷ lệ sinh thấp, tình trạng già hóa nghiêm trọng, thị trường lao động không đủ tính linh hoạt và nhu cầu thiếu dài hạn khiến cho các “căn bệnh của Nhật Bản” là tăng trưởng thấp và lạm phát thấp khó có thể được giải quyết trong ngắn hạn.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến Thương mại Quốc tế Nhật Bản, ông Tomuki Izumikawa chỉ ra rằng từ năm 2013 đến năm 2019, tốc độ tăng trưởng GDP thực tế bình quân hàng năm của Nhật Bản là 1,04%, đây là một kết quả không tồi. Vật giá tăng 0,83% thể hiện xu hướng tăng dần, những số liệu này cho thấy Nhật Bản ở chừng mực nào đó đã thoát khỏi tình trạng giảm phát. Tuy nhiên, trong tình hình vật giá leo thang như hiện nay, lương thực tế đang giảm, tiêu dùng của hộ gia đình không tăng.

Sau khi Abenomics được thực thi, mặc dù “số lượng” giá cổ phiếu và việc làm tăng lên, nhưng việc tăng giá cổ phiếu đã được Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) thực hiện thông qua các biện pháp như mua một lượng lớn cổ phiếu, dẫn dắt đồng yen giảm…, trong khi thị trường việc làm có nhiều “nhân viên không chính thức” hơn “nhân viên chính thức.” Vì vậy, cho rằng Abenomics mới xử lý phần ngọn chứ chưa giải quyết tận gốc vấn đề.

Các doanh nghiệp lớn của Nhật Bản đã tận dụng “gió Đông” do Abenomics mang đến để đạt được lợi nhuận chưa từng có trong lịch sử. Tuy nhiên, đây chỉ là kết quả mà các yếu tố chính sách đạt được, các vấn đề mang tính cơ cấu của nền kinh tế và các doanh nghiệp Nhật Bản như các vấn đề về dư thừa công suất, tính lưu động của thị trường lao động không đủ linh hoạt, ứng dụng công nghệ AI và IT chưa đầy đủ... vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Ông Hình Dư Thanh, Giáo sư kinh tế tại Trường Đại học Nghiên cứu Chính sách Quốc gia Nhật Bản, nhận xét căn bệnh kinh niên của nền kinh tế Nhật Bản là dân số già hóa và tỷ lệ sinh giảm khiến tổng cầu liên tục thu hẹp; đây là những nguyên nhân chính dẫn đến tâm lý giảm phát. Điều này thực sự do Nhật Bản đã bước sang một xã hội hậu hiện đại. Một người liệu có phải kết hôn hay không? Kết hôn liệu có phải sinh con hay không? Đây đều là những vấn đề đáng để suy nghĩ. Cùng với những tiến bộ xã hội và phát triển công nghệ, các nước phát triển đều có thể đi theo con đường này.

Tiếp tục nới lỏng định lượng, đồng yen dự báo sẽ tăng giá

Ông Thẩm Kiến Quang cho rằng tân Thủ tướng Yoshihide Suga là người rất ủng hộ Abenomics và ông Suga được cho là sẽ tiếp tục theo đuổi Abenomics, trong đó có cả việc hỗ trợ Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) tiếp tục thực hiện nới lỏng định lượng.

Tuy nhiên, BoJ có ít khả năng nới lỏng định lượng và có thể “tiết kiệm đạn dược”. Sau khi bùng phát dịch COVID-19 vào tháng Ba, BoJ thông báo sẽ gia tăng nới lỏng định lượng để thúc đẩy nền kinh tế. Hiện tại, Ngân hàng trung ương Nhật Bản đã nắm giữ khoảng một nửa trái phiếu Chính phủ Nhật Bản và hơn 80% chứng chỉ quỹ hoán đổi danh mục (ETF). Xét thấy hiệu quả cận biên của việc tiếp tục nới lỏng định lượng đã yếu đi và bẫy thanh khoản đã xuất hiện, biên độ mua sắm tài sản thực tế có thể tương đối hạn chế.

Áp lực tăng giá đối với đồng yen hiện nay là tương đối lớn. Nguyên nhân cơ bản là do các quốc gia đã thực hiện nới lỏng tiền tệ đáng kể trong thời kỳ dịch bệnh, trong khi mức nới lỏng trước đây của Nhật Bản khá lớn nên nước này không còn nhiều dư địa. Hiện tại, chênh lệch lãi suất đại diện giữa Mỹ và Nhật Bản dao động quanh mức 60 điểm cơ bản, ở mức thấp trong lịch sử, trong bối cảnh này, đồng yen khó có thể giảm giá.

Thành quả và tương lai của chính sách kinh tế Abenomics ảnh 1Tân Thủ tướng Suga sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách kinh tế dưới thời ông Abe. (Ảnh: TTXVN phát)

Giáo sư Hình Dư Thanh chỉ ra rằng lãi suất vốn là công cụ tiền tệ truyền thống, nhưng khi lãi suất về 0, BoJ đã trực tiếp tham gia vào thị trường để mua trái phiếu kho bạc, cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp và thương phiếu... nhằm tiến hành “tiền tệ hóa” nợ. Theo lý luận tiền tệ truyền thống chính thống, việc này sẽ dẫn đến lạm phát, nhưng Nhật Bản lại không xuất hiện lạm phát. Điều đó đã chứng thực lý thuyết tiền tệ hiện đại phi chính thống, tức là một quốc gia phát hành tiền tệ có chủ quyền về cơ bản không phải lo lắng về việc phá sản

Khi nền kinh tế có nguy cơ giảm phát và tổng cầu không đủ như Nhật Bản thì cần thúc đẩy việc làm thông qua nới lỏng định lượng và kích thích tài khóa. Trước khi Thủ tướng Abe lên nắm quyền nhiệm kỳ vừa qua, cựu Thống đốc BoJ Masaaki Shirakawa đã kiên quyết không thực hiện chính sách nới lỏng định lượng, dẫn đến việc đồng yen tăng giá và có thời điểm lên mức 1 USD đổi 75 yen.

Sau khi ông Abe nắm quyền, và ông Haruhiko Kuroda kế nhiệm vị trí Thống đốc BoJ đến nay, Nhật Bản kiên định thực hiện chính sách nới lỏng định lượng. Đồng yen bắt đầu giảm giá sau khi ông Abe đắc cử, lợi ích xuất khẩu của các doanh nghiệp Nhật Bản đã tăng lên rõ rệt, khả năng cạnh tranh cũng tăng lên.

Nới lỏng định lượng đã mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp và hộ gia đình Nhật Bản. Lãi suất của Nhật Bản rất thấp, lãi suất cho vay của các doanh nghiệp hiện nay chỉ khoảng 2% và lãi suất cho vay mua nhà ở của người dân bình thường ở mức thấp khoảng 0,6%. 15% tài sản tài chính của các hộ gia đình Nhật Bản ngoài bất động sản đều nằm ở thị trường chứng khoán, mà ông Abe đã cầm quyền 8 năm qua, giá trị thị trường chứng khoán tăng khoảng hai lần.

Với việc ông Yoshihide Suga lên làm thủ tướng, Abenomics sẽ tiếp tục và ông Kuroda sẽ không bị thay thế. Thống đốc Kuroda từng nói: “Chỉ cần lạm phát không đạt đến 2% thì việc nới lỏng định lượng sẽ không dừng lại.” Trên thực tế, nếu dừng lại đột ngột sẽ xuất hiện thị trường chứng khoán sụp đổ.

Của cải cất giấu trong dân chúng, nợ lớn nhưng rủi ro ít

Năm 2019, nợ chính phủ Nhật Bản tương đương mức 200,6% GDP. Hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings dự báo năm nay con số này sẽ tăng lên 259% GDP. Nhận định về vấn đề này, ông Tomuki Izumikawa cho rằng mặc dù tình hình nợ hiện tại không có vấn đề gì quá lớn, nhưng nếu tiếp tục gia tăng thì không bền vững và nguy hiểm cho các doanh nghiệp.

Do vậy, các doanh nghiệp Nhật Bản hy vọng rằng Chính phủ Nhật Bản có thể xử lý ổn thỏa các khoản nợ, nhưng họ cũng tin rằng lợi nhuận hiện tại mà họ có được là kết quả của chính sách tài khóa chủ động và chính sách tiền tệ linh hoạt của chính phủ. Họ không muốn chính phủ ngừng các chính sách này. Tình hình hiện này có thể nói là “tiến thoái lưỡng nan."

Sau khi Chính phủ Nhật Bản điều chỉnh thuế tiêu dùng vào năm 2019, tiêu dùng hộ gia đình trong quý 4/2019 đã giảm 2,8%. Điều này cho thấy việc tăng thuế tiêu dùng đã khiến tiêu dùng của các hộ gia đình bị thu hẹp nghiêm trọng. Chính phủ Nhật Bản nói rằng thuế tiêu dùng là một nguồn tài chính cho an sinh xã hội. Do đó, việc có hạ thuế tiêu thụ trước những khó khăn hiện nay hay không, cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng.

Theo ông Phương Đức Huy, Chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu Chiến lược Kinh tế Ryukyu (Chi nhánh Okinawa của Hiệp hội Xúc tiến Thương mại Quốc tế Nhật Bản), thuế tiêu thụ dự kiến sẽ tăng trong tương lai, chỉ là chờ thời điểm. Thuế doanh nghiệp đã giảm từ 37% xuống 29%, vốn đã rất thấp, hơn nữa thuế doanh nghiệp chỉ có thể thu nếu doanh nghiệp có lợi nhuận.

Ông Thẩm Kiến Quang chỉ ra rằng dưới thời ông Abe, tài chính là một động lực quan trọng của nền kinh tế Nhật Bản. Theo khái niệm “chính sách tài khóa chủ động,” tăng trưởng kinh tế Nhật Bản dựa vào tài chính tăng lên. Trong thời kỳ hậu dịch bệnh, nền kinh tế Nhật Bản cần được hỗ trợ tài chính nhiều hơn nữa. Trong quý 4/2019, kinh tế nước này đã rơi vào tình trạng tăng trưởng âm do thuế tiêu dùng tăng, GDP 6 tháng đầu năm 2020 cũng giảm 5,8% so với cùng kỳ năm ngoái do dịch bệnh.

Do sự phục hồi nhu cầu của khu vực tư nhân trong và sau dịch bệnh tương đối chậm, chi tiêu tài chính của chính phủ sẽ tiếp tục là một phương tiện quan trọng làm nền tảng cho nền kinh tế trong một thời gian dài tiếp theo. Các biện pháp kích thích tài chính mà Chính phủ Nhật Bản đưa ra để đối phó với dịch bệnh đã vượt quá 40% GDP.

Nhật Bản trong giai đoạn hiện nay không có nguy cơ xảy ra khủng hoảng nợ chính phủ, nhưng có rất ít khả năng để tiếp tục mở rộng tài khóa. Về mặt tổng thể, dịch bệnh sẽ khiến tỷ lệ nợ chính phủ/GDP vốn đã vượt quá 200% tiếp tục gia tăng, không gian tài chính trong thời gian tới sẽ bị thắt chặt hơn nữa. Thuế tiêu dùng đã không còn khả năng tiếp tục tăng, chính phủ cần phải xem xét đến các nguồn tài chính khác. Chính phủ Nhật Bản có thể cần xem xét tăng áp lực đối với doanh nghiệp, chẳng hạn như điều chỉnh chính sách khấu hao tài sản cố định của các doanh nghiệp và áp thuế đối với tiền mặt ở nước ngoài của các doanh nghiệp lớn của Nhật Bản.

Theo Giáo sư Hình Dư Thanh, Nhật Bản không có nguy cơ xảy ra khủng hoảng nợ, ngay cả việc hạ mức xếp hạng tín dụng cũng không ảnh hưởng lớn. Mấu chốt của vấn đề là cách xử lý nợ. Theo lý luận tiền tệ hiện đại, thâm hụt của chính phủ là của cải doanh nghiệp và cá nhân, chỉ cần sự cân bằng này không bị phá vỡ. Mặc dù Chính phủ Nhật Bản có một núi nợ, nhưng các doanh nghiệp Nhật Bản có hơn 500.000 tỷ yên tiền mặt và tiền tiết kiệm trong các hộ gia đình Nhật Bản cũng rất cao. Trong thời gian ông Abe cầm quyền, tài sản hộ gia đình Nhật Bản ngày càng tăng, tổng lượng tiền mặt của các doanh nghiệp Nhật Bản đã tăng hơn gấp hai lần.

Trở ngại về văn hóa và tình trạng thiếu lao động

Nhận định về cơ cấu lao động của Nhật Bản, ông Tomuki Izumikawa cho rằng so với năm 2013, lao động nữ năm 2019 tăng khoảng 3,07 triệu lao động, trong đó “lao động thường xuyên” tăng khoảng 1,31 triệu người và “lao động không chính thức” tăng 1,76 triệu người. Tình hình việc làm của phụ nữ có thể nói đã mở rộng về số lượng, nhưng chất lượng cần phải được cải thiện hơn nữa.

Để bổ sung lực lượng lao động, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định nới lỏng các hạn chế và điều kiện đối với lao động cấp thấp và cấp trung. Tuy nhiên, người dân Nhật Bản hy vọng rằng các doanh nghiệp nước này sẽ không thuê những lao động này với giá rẻ nhằm tránh để mức lương của lao động Nhật Bản giảm theo. Các công ty Nhật Bản chào đón nhiều nhân tài hơn đến làm việc tại Nhật Bản.

Ông Phương Đức Huy cho biết, trong hai năm qua, những công việc liên quan đến du lịch có mức lương tăng cao chóng mặt. Những người biết nói tiếng Trung có lương cao hơn những người biết tiếng Anh. Thậm chí những đảo nhỏ như Okinawa cũng có mức lương cao hơn Tokyo nhờ du lịch. Nhưng lương của người lao động chính thức về cơ bản không tăng. Các doanh nghiệp đều là theo đuổi lợi ích, nếu họ sử dụng lao động nước ngoài mà có thể tăng lợi nhuận, sẽ có nhiều doanh nghiệp học theo và phản hồi để chính phủ áp dụng các chính sách phù hợp hơn.

[Nhật Bản: BoJ duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng để hỗ trợ kinh tế]

Nhà kinh tế Thẩm Kiến Quang nhận xét, cải cách cơ cấu thiếu sót chủ yếu là do cải cách thị trường lao động đang bị trì trệ. Một mục tiêu chính để chính quyền của ông Abe cải cách thị trường lao động là tăng lương, dựa vào đó để nâng kỳ vọng lạm phát và mức tiêu dùng. Tuy nhiên, năng suất lao động chậm lại, thị trường lao động cứng nhắc và việc làm trong ngành sản xuất chất lượng cao không đủ đã đẩy Nhật Bản vào vòng luẩn quẩn thiếu lao động và tăng lương chậm chạp.

Sự cứng nhắc của thị trường lao động về cơ bản không thay đổi. Đặc biệt là mặc dù tình trạng nhảy việc là phổ biến, nhưng di sản của “hệ thống việc làm trọn đời” của Nhật Bản vẫn còn đó. Chỉ số Bảo vệ việc làm của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho thấy mức độ bảo vệ nhân viên cố định của Nhật Bản cao hơn mức bình quân của OECD và hiện tượng “trả lương theo thâm niên” liên quan nhiều đến tiền lương và tuổi lao động cũng phổ biến ở Nhật Bản.

Việc làm cho nữ giới đã có chuyển biến tốt, nhưng vấn đề thiếu hụt lao động vẫn khó có thể thay đổi. Những người trong đảng Dân chủ Tự do (LDP), bao gồm cựu Bộ trưởng Quốc phòng Shigeru Ishiba và Bộ trưởng Quốc phòng Taro Kono…, đều đề xuất cần sửa đổi luật nhập cư để thu hút nhiều người nhập cư hơn, đồng thời nới lỏng các hạn chế về quyền cư trú lâu dài đối với người nước ngoài. Điều này sẽ giúp tăng nguồn cung lao động, nâng cao năng suất, đồng thời cũng thúc đẩy tăng nhu cầu trong nước của Nhật Bản.

Theo Giáo sư Hình Dư Thanh, cải cách cơ cấu rất đáng chú ý, trước hết, thể hiện ở ngành du lịch. Nhật Bản trước đây từng rất khắt khe trong việc cấp thị thực du lịch. Trong thời gian ông Abe cầm quyền đã làm được một việc lớn là đơn giản hóa hệ thống thị thực của Nhật Bản, khuyến khích người nước ngoài đến du lịch tại nước này, hiệu quả đạt được rõ rệt. Khi ông mới lên nắm quyền, năm 2012, chỉ có hơn 8 triệu lượt du khách trên thế giới đến Nhật Bản, năm 2019, con số này là 31 triệu lượt người. Năm 2012, có 1,5 triệu khách Trung Quốc đến Nhật Bản, năm ngoái đạt 9,3 triệu lượt khách.

Thành quả và tương lai của chính sách kinh tế Abenomics ảnh 2Tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga (giữa, hàng đầu) chụp ảnh chung với các thành viên nội các tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 16/9/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cải cách cơ cấu ở Nhật Bản được gọi là buông lỏng kiểm soát. Những gì chính phủ có thể làm là loại bỏ các quy định ràng buộc hoạt động kinh tế. Ví dụ, ông Abe cho phép các doanh nghiệp Nhật Bản mua đất nông nghiệp, thuê trang trại, thành lập các đặc khu, phá vỡ các quy định cứng nhắc. Ngoài ra, trước đó ông Abe đã lên kế hoạch mở hai sòng bạc, dự kiến sẽ tiếp tục được thực hiện.

Tỷ lệ phụ nữ Nhật Bản tham gia vào thị trường lao động đã tăng lên nhanh chóng. Lao động nữ ở các nước phát triển ở châu Âu và Mỹ chiếm từ 45% đến 49%, Nhật Bản đang dần tiến tới mức này. Để khuyến khích lao động nữ, các luật liên quan đến các yêu cầu áp dụng tỷ lệ nữ quản lý điều hành trong các doanh nghiệp không được dưới 15%. Những người không phải nông dân cũng có thể mua và sở hữu đất nông nghiệp… đều đã được thông qua, và tính bền vững của các chính sách được pháp luật đảm bảo.

Ngoài ra, trước khi ông Abe lên nắm quyền, Nhật Bản không mở cửa cho những người nhập cư có tay nghề thấp, họ chỉ có thể đến Nhật Bản với tư cách là thực tập sinh. Chính quyền của ông Abe chính thức bắt đầu cho phép người nhập cư lao động tay nghề thấp vào năm ngoái, mở cửa một số loại hình và số lượng người nhất định.

Điều đáng chú ý là từ trước khi Thủ tướng Abe lên nắm quyền đến nay, Chính phủ Nhật Bản luôn mở cửa đón nhận những tài năng công nghệ cao chứ không phải là một quốc gia đóng cửa đối với người nhập cư như mọi người nghĩ. Nhật Bản không giới hạn số lượng visa việc làm, không giống như Mỹ hạn chế số lượng H1.

Nhưng vấn đề cốt lõi là các doanh nghiệp và trường đại học của Nhật Bản không có động lực để thuê người nước ngoài. Chẳng hạn như các trường đại học Nhật Bản có tư tưởng tự lực cánh sinh, luôn nỗ lực bồi dưỡng nhân tài của mình, không giống như các trường đại học Mỹ nỗ lực tuyển sinh những tài năng tốt nhất trên thế giới. Ngoài ra, tiếng Nhật không thông dụng như tiếng Anh, có rào cản ngôn ngữ. Đồng thời, Nhật Bản hạn chế thân nhân của người nhập cư, những người thân có thể đi theo người nhập cư chỉ giới hạn ở vợ chồng và con cái, cha mẹ không được phép và không có người nhập cư theo hình thức đầu tư.

Ông Hình Dư Thanh lưu ý, kể từ khi dịch bệnh bùng phát đến nay, tỷ lệ thất nghiệp đã tăng lên rõ rệt, tiền lương có thể bị đình trệ. Điều đáng chú ý là dịch bệnh có thể dẫn đến sự gia tăng số lượng việc làm bán thời gian và các công việc linh hoạt khác. Xét đến mức thù lao của công việc bán thời gian ở Nhật Bản chỉ bằng hơn 20% so với công việc toàn thời gian, điều này sẽ hạn chế việc tăng lương hơn nữa.

Sức mạnh của các liên đoàn lao động Nhật Bản ngày càng yếu đi, trong khi sức mạnh của chủ lao động ngày càng tăng. Người Nhật không bao giờ hỏi về lương khi phỏng vấn xin việc, điều này cũng liên quan đến văn hóa; họ cảm thấy biết ơn vì đã cho họ việc làm. Ngoài ra, còn có vấn đề về dịch chuyển thị trường lao động. Các công ty Nhật Bản thường đào tạo nhân viên ngay từ đầu và thuê họ suốt đời.

Tự mình đào tạo nhân viên, giữa các công ty lớn không khai thác người của nhau, dẫn đến các nhân viên không có cơ hội thay đổi công việc. Vì vậy, việc Chính quyền của ông Abe tăng lương tối thiểu 3% mỗi năm trong 3 năm liên tiếp (2017-2019), gián tiếp buộc các công ty phải tăng lương. Đồng thời, đưa ra phương án cải cách thuế, chỉ cần các công ty tăng lương từ 3% trở lên, thuế thu nhập của họ sẽ giảm từ khoảng 30% xuống 25%.

Trước khi ông Abe lên nắm quyền, tỷ lệ thất nghiệp ở Nhật Bản là khoảng 3,2%. Trong giai đoạn ông Abe nắm quyền, tỷ lệ này giảm xuống mức tốt nhất là 2%. Mặc dù như vậy, sau khi đại dịch qua đi, việc làm vẫn cần phải mất một thời gian rất dài để phục hồi. Nếu tình hình việc làm khó được cải thiện sau đợt dịch, dự báo tiền lương cũng sẽ rất khó tăng.

Theo ông Tomuki Izumikawa, Nhật Bản cần tăng cường ứng dụng công nghệ và vai trò của chính phủ. Chẳng hạn như, xét về mặt kỹ thuật, các công nghệ như ví điện tử, chuỗi khối (blockchain)… Nhật Bản cũng có thể làm được. Tuy nhiên, tốc độ xây dựng hoặc sửa đổi luật của chính phủ không theo kịp, điều này dẫn đến ứng dụng của Nhật Bản trong những lĩnh vực này kém hơn so với Trung Quốc. Xét từ tỷ lệ sinh, dân số già hóa và trình độ công nghệ của các doanh nghiệp chế tạo robot của Nhật Bản cho thấy tỷ lệ robot thay thế con người sẽ ngày càng tăng lên.

Ông Phương Đức Huy cũng có cùng quan điểm khi cho rằng tỷ lệ sử dụng máy móc của Nhật Bản rất cao. Máy bán hàng tự động đã có từ những năm 1990, nhưng việc nâng cấp ứng dụng rất chậm, hiện nay, người ta vẫn dùng tiền xu nhét vào để mua đồ. Tương tự, quá trình tự động hóa ngành sản xuất của Nhật Bản cũng bắt đầu từ rất sớm, nhưng việc nâng cấp sau đó cũng tương đối chậm.

Nhà kinh tế Thẩm Kiến Quang đánh giá, Nhật Bản cần tăng cường thu hút người nhập cư, mở rộng nguồn lao động và cơ sở thuế; tăng cường khuyến khích người nước ngoài làm việc và định cư tại Nhật Bản. Điều này có thể cải thiện hiệu quả tình trạng thiếu lao động của Nhật Bản, thu hút được nhân tài kỹ thuật. Bên cạnh đó, chủ nghĩa bảo hộ nông nghiệp vẫn còn quá nặng nề, cần phải được mở rộng hơn nữa. Tăng cường đầu tư vào lĩnh vực công nghệ thông tin và số hóa có thể giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp và chính phủ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.