Tháp Chăm Ninh Thuận được công nhận di tích cấp Quốc gia đặc biệt

Tối 31/3, tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt tháp Chăm Hòa Lai và Pô Klong Garai là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt.
Tháp Chăm Ninh Thuận được công nhận di tích cấp Quốc gia đặc biệt ảnh 1Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện phát biểu tại buổi lễ. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

Tối 31/3, Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt tháp Chăm Hòa Lai và Pô Klong Garai là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện; lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận, các ban ngành, chức sắc Chăm đại diện hội đồng chức sắc Chăm Bàlamôn, Chăm Bàni, cộng đồng Chăm Hồi giáo Islam và đông đảo nhân dân trong, ngoài tỉnh dự buổi lễ.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện trao Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt tháp Chăm Hòa Lai và Pô Klong Garai cho đại diện lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận.

Trước đó, ngày 22/12/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2499/QĐ-TTg xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đối với tháp Hòa Lai và tháp Pô Klong Garai.

Cụm tháp Hòa Lai nằm trên Quốc lộ 1 thuộc xã Bắc Phong (huyện Thuận Bắc); Cụm tháp Pô Klong Garai thuộc phường Đô Vinh (thành phố Phan Rang-Tháp Chàm).

Cụm tháp Hòa Lai được xây dựng vào thế kỷ thứ 9, gồm ba tháp nhưng một tháp đã bị sập trong chiến tranh. Cụm tháp Pô Klong Garai cũng có ba tháp, được xây dựng vào cuối thế kỷ 13 - đầu thế kỷ 14. Riêng cụm tháp Pô Klong Garai là nơi diễn ra nghi lễ chính trong lễ hội Katê của người Chăm theo đạo Bà La Môn ở Ninh Thuận được tổ chức vào khoảng đầu tháng 10 hằng năm.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Thuận cần tiếp tục bảo tồn, tu bổ chống xuống cấp di tích; có kế hoạch trưng bày các di vật gắn với di tích; tích cực nghiên cứu và phục hồi các giá trị văn hóa phi vật thể gắn với di tích; tuyên truyền về giá trị các mặt của di tích bằng những hình thức phù hợp qua đó nâng cao ý thức và trách nhiệm bảo vệ, phát huy giá trị di tích trong cộng đồng. Đồng thời, kết nối di tích với các danh lam thắng cảnh tỉnh Ninh Thuận và các địa phương lân cận để thu hút khách du lịch tới tham quan, nghiên cứu tìm hiểu về giá trị của di sản.

Việc công nhận và tôn vinh giá trị di tích quốc gia đặc biệt tháp Chăm Hòa Lai và Pô Klong Garai tiếp tục là nguồn cổ vũ, động viên Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Ninh Thuận quyết tâm hơn nữa trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa Chăm. Nêu cao tinh thần đoàn kết, chung sức phát triển của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục