Cần thay đổi cách tiếp cận mới về công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Thay đổi tư duy và cách tiếp cận mới về công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên với cơ cấu ngành và nội ngành chuyển biến tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, song quá trình thực hiện còn chậm so với mục tiêu đề ra.
Tiến sỹ Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương. (Ảnh: Vietnam+)
Tiến sỹ Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương. (Ảnh: Vietnam+)

Sáng 9/11, Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan tổ chức Hội thảo chuyên đề “Tư duy và cách tiếp cận mới về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.”

Đây là một trong 10 hội thảo chuyên đề thuộc khuôn khổ Diễn đàn cấp cao về Công nghiệp 4.0 lần thứ ba với chủ đề “Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong kỷ nguyên số,” tổ chức từ ngày 9/11 đến ngày 6/12.  

Doanh nghiệp Việt đang 'đứng ngoài' cách mạng công nghiệp

Tại hội thảo, tiến sỹ Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nhấn mạnh qua 35 năm đẩy mạnh công  nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Việt Nam đã có bước chuyển đổi sâu sắc. Quy mô, trình độ nền kinh tế Việt Nam được nâng lên với cơ cấu kinh tế ngành và nội ngành chuyển biến tích cực theo hướng công  nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Cụ thể, cơ cấu các ngành công nghiệp đã chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng ngành khai khoáng và tăng nhanh tỷ trọng ngành chế biến, chế tạo. Nhờ đó, Việt Nam đã có một số sản phẩm công nghiệp xuất khẩu có quy mô lớn, chiếm vị trí vững chắc trên thị trường thế giới. Những điều này góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu về ngành công nghiệp của Việt Nam tăng từ vị trí 58/năm 2015 lên thứ hạng 42/năm 2019 (theo Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc - UNIDO) đồng thời nền công nghiệp đang từng bước phát triển đi vào chiều sâu.

Thay đổi tư duy và cách tiếp cận mới về công nghiệp hóa, hiện đại hóa ảnh 1Hội thảo “Tư duy và cách tiếp cận mới về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” ngày 9/11.

Song, ông Hiển cũng chỉ ra quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước còn chậm, năng lực và trình độ công nghệ của nền kinh tế còn thấp, việc tạo nền tảng để đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa đạt mục tiêu đề ra cũng như chưa thu hẹp được khoảng cách phát triển và bắt kịp các nước trong khu vực.

Về điều này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết năm 2020, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt 16,7%. Trong đó, tỷ  trọng các ngành công nghiệp công nghệ trung bình và cao chiếm 40% về giá trị gia tăng và kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành chế biến, chế tạo.

Theo khảo sát của Bộ Công Thương về mức độ sẵn sàng của các ngành công nghiệp Việt Nam trước Cách mạng công nghiệp 4.0 với thang điểm 5, cho thấy hầu hết các ngành đều có điểm số dưới 2,5 ở tất cả các khía cạnh.

Sự sẵn sàng của các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam trước Cách mạng công nghiệp 4.0:

Thay đổi tư duy và cách tiếp cận mới về công nghiệp hóa, hiện đại hóa ảnh 2(Nguồn: Bộ Công thương)

“Đa số các doanh nghiệp Việt Nam đang đứng ngoài cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Cụ thể, các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam tiếp cận ở mức thấp đối với tất cả các trụ cột của một nền sản xuất thông minh. Thêm vào đó, quá trình chuyển đổi trong 3 năm vừa qua vẫn tương đối chậm chạp và ít thay đổi, do nguồn lực và nội lực của các doanh nghiệp còn hạn chế đồng thời các chính sách hỗ trợ của Nhà nước chưa nhiều,” ông Hải nói.

Theo Phó Ban kinh tế Trung ương, nguyên do nhận thức về phát triển nhanh (rút ngắn) quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước còn chưa đầy đủ. Vì vậy, quá trình phát triển công nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra và chủ yếu phát triển theo mục tiêu ngắn hạn, thiếu tính bền vững. Mặt khác, việc cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm. Hiện tại, mô hình tăng trưởng chưa dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo dẫn tới, tính tự chủ của nền kinh tế còn thấp, phụ thuộc lớn vào bên ngoài và chưa quan tâm đúng mức đến chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng trong nước...

Đặt công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong bối cảnh mới

Một trong những nhiệm vụ then chốt được Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII xác định: “Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng của tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.” Theo đó, Việt Nam xác định mục tiêu đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, Việt Nam phấn đấu là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập Nước, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Để thực hiện mục tiêu trên, ông Hiển nhấn mạnh thực tiễn 35 năm qua tiếp tục đặt ra nhiều vấn đề về lý luận và thực tiễn đối với công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cần phải tập trung giải quyết để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững hơn, đạt được các mục tiêu đề ra trong Văn kiện Đại hội XIII.

Bên cạnh đó, bối cảnh tác động đến công nghiệp hóa đất nước trong giai đoạn mới còn chịu tác động của cục diện thế giới tiếp tục biến đổi theo xu hướng đa cực, đa trung tâm, trong đó các nước lớn vẫn hợp tác, thoả hiệp, nhưng đấu tranh, kiềm chế lẫn nhau gay gắt hơn. Thêm vào đó, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, cường quyền nước lớn, chủ nghĩa thực dụng trong quan hệ quốc tế gia tăng. Cùng với bối cảnh hậu COVID-19, nhiều nước đã và đang điều chỉnh các chiến lược theo hướng tăng cường tự chủ kinh tế.

“Theo đó, các nước đang phát triển, nhất là các nước nhỏ đứng trước nhiều khó khăn, thách thức mới,” ông Đức Hiển nhận định.

Về bối cảnh trong nước, Thứ trưởng Bộ Công thương chỉ ra Việt Nam đang đứng trước xu hướng thay đổi về cơ cấu dân số với quy mô thị trường 100 triệu dân, cơ cấu dân số vàng duy trì trong khoảng 20 năm tới và tầng lớp trung lưu đang ngày càng tăng.

Tuy nhiên, chi phí lao động và đất đai tại Việt Nam ngày càng kém cạnh tranh so với các nước mới nổi. Hơn nữa, sức cạnh tranh trong nước tiếp tục gia tăng do độ mở nền kinh tế ngày càng lớn.

“Do đó, yêu cầu thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá của Việt Nam phải đặt trong bối cảnh mới, trong chuỗi sản xuất-kinh doanh toàn cầu đã thay đổi,” ông Hải nói.

Ông Hải đề xuất một số định hướng chiến lược, cụ thể là hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật làm nền tảng, tạo động lực phát triển công nghiệp và thay đổi tư duy, hướng tiếp cận về công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Bên cạnh đó là giải pháp phân bổ, sử dụng hợp lý nguồn lực để phát triển công nghiệp bền vững, hiệu quả, gắn với bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh, trên nguyên tắc dựa trên lợi thế của đất nước, hình thành chuỗi cung ứng trong nước. Đặc biệt là nâng cao năng lực và tính chủ động của các địa phương, tăng cường liên kết giữa các địa phương, các vùng cùng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và mức độ thông minh.

Ngoài ra, ông Hải chú trọng về hai yếu tố hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp công nghiệp trong nước và tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp nội địa với khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng như thị trường toàn cầu, cũng cần đưa vào định hướng chiến lược trong giai đoạn 2021-2025/2030./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.