Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 2/11, đại biểu Quốc hội đã nghe các Tờ trình của Chủ tịch nước, Báo cáo thuyết minh của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội về việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày Tờ trình về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương cùng các văn kiện liên quan.
Tờ trình nêu rõ: Việc tham gia và sớm phê chuẩn Hiệp định CPTPP thể hiện cam kết mạnh mẽ đổi mới, hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; khẳng định vai trò, vị thế địa-chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á cũng như châu Á-Thái Bình Dương, thực sự nâng cao vị thế của Việt Nam trong khối ASEAN, khu vực cũng như trên trường quốc tế.
Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình chính trị-an ninh thế giới và khu vực đang thay đổi nhanh chóng, diễn biến phức tạp, khó lường, tham gia CPTPP giúp Việt Nam vừa có điều kiện nâng cao nội lực để ứng phó, vừa giúp củng cố vị thế thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa đi đôi với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh.
[Quốc hội nghe các tờ trình đề nghị phê chuẩn Hiệp định CPTPP]
Trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, Chủ tịch nước đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định phê chuẩn Hiệp định CPTPP cùng các văn kiện liên quan trong Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV.
Thảo luận tại tổ về nội dung này, đa số đại biểu tán thành sự cần thiết phê chuẩn Hiệp định CPTPP và cho rằng đây là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới chất lượng cao, khá toàn diện với mức độ cam kết sâu nhất từ trước tới nay.
Việc tham gia Hiệp định là động lực giúp Việt Nam nâng cao nội lực, khẳng định vai trò, vị trí của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á, châu Á-Thái Bình Dương và sẽ là cơ sở gia tăng sự tin cậy, tạo tiền đề quan trọng để Việt Nam thúc đẩy đàm phán, ký kết thành công các hiệp định thương mại tự do khác, nhất là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Các đại biểu cũng phân tích về những thuận lợi và thách thức khi tham gia CPTPP.
Chiều 2/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan đến quy hoạch.
Các đại biểu Quốc hội tán thành về sự cần thiết ban hành Luật nhằm bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với Luật Quy hoạch và đáp ứng yêu cầu có hiệu lực thi hành cùng với Luật Quy hoạch từ ngày 1/1/2019.
Về tên gọi, nhiều ý kiến đề nghị nghiên cứu, cân nhắc tên gọi của dự án Luật là “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch” để thống nhất với tên gọi của Luật sửa đổi, bổ sung 11 luật đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5.
Dự thảo Luật đề xuất các địa phương sẽ thực hiện song song 2 hệ thống quy hoạch. Một là quy hoạch tỉnh, nằm trong tổng thể phát triển kinh tế-xã hội chung cả nước; hai là quy hoạch xây dựng tỉnh, tức là hệ thống quy hoạch mang tính kỹ thuật và chuyên ngành hơn.
Điều này giúp cụ thể hóa các định hướng về không gian và vật thể trên địa bàn. Bên cạnh đề xuất thực hiện song song 2 hệ thống, cũng có những ý kiến cho rằng nên tích hợp 2 thành 1.
Tại phiên họp chiều 2/11, các đại biểu Quốc hội cũng cho ý kiến về quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn; quy hoạch khu chức năng; vấn đề công bố công khai thông tin quy hoạch, việc lấy ý kiến về quy hoạch.../.