Thêm nhiều cơ hội trong quan hệ thương mại Việt Nam-Trung Quốc

Sự gần gũi về địa lý, tập quán tiêu dùng tương đồng giữa người dân Trung Quốc và Việt Nam cộng thêm mối quan hệ giao thương lâu đời tạo ra lợi thế hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này.

Các phương tiện chở quả vải tươi chờ làm thủ tục xuất khẩu sang Trung Quốc qua Cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)
Các phương tiện chở quả vải tươi chờ làm thủ tục xuất khẩu sang Trung Quốc qua Cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)

Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao (18/1/1950) đến nay, Việt Nam-Trung Quốc luôn duy trì đà phát triển tốt đẹp và gặt hái nhiều kết quả quan trọng. Đặc biệt, từ năm 2008 hai bên thiết lập khuôn khổ quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện đã tạo những bước tiến nhanh chóng và ngày càng sâu sắc, toàn diện trên các lĩnh vực.

Từ đầu năm 2024 đến nay, quan hệ hai nước duy trì đà phát triển tích cực, không khí hợp tác lan tỏa mạnh mẽ đến các cấp, ngành và tầng lớp nhân dân. Vì vậy, chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân sẽ trở thành mốc son mới, mở ra giai đoạn phát triển mạnh mẽ trong quan hệ hai nước.

Láng giềng tin cậy

Thời gian qua, Việt Nam và Trung Quốc đã có nhiều thỏa thuận hợp tác song phương cũng như hiệp định đa phương như: Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP); giai đoạn tới, Trung Quốc đang thúc đẩy việc tham gia vào Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)...

Sự gần gũi về địa lý, tập quán tiêu dùng tương đồng giữa người dân Trung Quốc và Việt Nam cộng thêm mối quan hệ giao thương truyền thống lâu đời đã tạo ra lợi thế rất lớn về hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này.

Dẫn số liệu của Hải quan Việt Nam, Bộ Công Thương cho biết, trong năm 2023, kim ngạch xuất khẩu giữa Việt Nam-Trung Quốc đạt 61,2 tỷ USD, tăng 5,6% so với năm 2022. Đáng lưu ý, Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại cũng như thị trường nhập khẩu lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam. Riêng 7 tháng năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 112,2 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong số đó, xuất khẩu của Việt Nam đến Trung Quốc đạt 32,6 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2023; nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc đạt 79,6 tỷ USD, tăng 35,6% so với cùng kỳ năm 2023. Nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc có giá trị 47 tỷ USD, tăng 70% so với cùng kỳ năm 2023.

Về mặt hàng, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc các mặt hàng như điện thoại di động, linh kiện, thiết bị điện tử, cao su, nông sản, thủy hải sản... và nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc các sản phẩm như máy móc, thiết bị, nguyên liệu sản xuất trong ngành may mặc, giày da, sắt thép, vật tư xây dựng... cho đến các mặt hàng sinh hoạt hàng ngày.

"Việc nhập siêu từ Trung Quốc là tích cực vì Việt Nam nhập khẩu nguyên phụ liệu, linh kiện, máy móc là sản phẩm đầu vào cho sản xuất, xuất khẩu," các chuyên gia thương mại nhận định.

Theo đại diện Bộ Công Thương, Việt Nam và Trung Quốc có nhiều nét tương đồng đã tạo thuận lợi cho quan hệ thương mại luôn phát triển tích cực. Hơn nữa, vị trí địa lý gần gũi cũng là yếu tố thuận lợi trong việc thúc đẩy hợp tác, đẩy mạnh xuất khẩu giữa hai nước.

ttxvn_kinh_te_VN_Trung_quoc_17-2.jpg
Sơ chế tôm xuất khẩu. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Việt Nam là quốc gia có nhiều loại sản phẩm nông sản đặc sắc được xuất khẩu với số lượng lớn, nhận được sự ưa chuộng của các nước trên thế giới. Ngược lại, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai và tiêu thụ sản phẩm nông sản lớn cho nông dân Việt Nam. Tuy nhiên, Trung Quốc đang điều chỉnh các chính sách nhập khẩu nên ngoài việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, Trung Quốc đang siết chặt quản lý nông lâm thủy sản nhập khẩu.

Mặt khác, Trung Quốc đang giảm mức độ phụ thuộc, tiến tới dừng hình thức xuất khẩu tiểu ngạch và đang chuyển nhanh, chuyển mạnh sang hình thức thương mại chính quy. Do đó, doanh nghiệp xuất khẩu cần cập nhật xu hướng, thị hiếu mới của thị trường, hướng tới sản xuất mặt hàng chất lượng cao; tăng cường tiếp cận vùng, chuyển hẳn sang xuất khẩu chính ngạch.

Mở ra cơ hội mới

Ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, liên tục hơn 20 năm qua Trung Quốc luôn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN.

Những năm gần đây, dưới sự chỉ đạo, định hướng trực tiếp của Lãnh đạo cấp cao hai nước Việt-Trung, đặc biệt là sau chuyến thăm của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Trung Quốc vào tháng 10/2022 và chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đến Việt Nam vào tháng 12/2023, quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc tiếp tục được cùng cố, tăng cường và bổ sung những định hướng chiến lược mới trong tương lai.

Ông Lê Hoàng Tài đánh giá trong số các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương của Trung Quốc có quan hệ hợp tác với Việt Nam, Tứ Xuyên là tỉnh có quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại lớn thứ 6.

Những năm gần đây, hợp tác không ngừng đi vào chiều sâu và ngày càng mở rộng trên nhiều lĩnh vực nhờ tận dụng tốt lợi thế hợp tác giữa hai nước.

Nhiều doanh nghiệp lớn của tỉnh Tứ Xuyên đã đầu tư tại Việt Nam và đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế của các địa phương của Việt Nam. Không chỉ dừng lại ở giao lưu kinh tế, thương mại, Việt Nam-Trung Quốc (Tứ Xuyên) còn duy trì chặt chẽ giao lưu nhân dân, giao lưu văn hóa và các chuyến thăm cấp cao lẫn nhau.

Ông Lê Hoàng Tài cho rằng trong bối cảnh hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước Việt Nam-Trung Quốc đang duy trì đà tăng trưởng ổn định và bền vững, doanh nghiệp Việt Nam và Tứ Xuyên cần tiếp tục đẩy mạnh và tăng cường hợp tác nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng của hai bên.

Theo ông Trần Văn Đức, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Đầu tư dừa Bến Tre, doanh nghiệp đang kỳ vọng vào việc Trung Quốc mở cửa thị trường cho dừa tươi của Việt Nam. Đây là thị trường vô cùng tiềm năng vì mỗi năm sử dụng tới 2,6 tỷ trái dừa tươi và 1,5 tỷ trái dừa phục vụ chế biến. Với lợi thế về khoảng cách địa lý, thời gian vận chuyển ngắn và chi phí thấp, nên sản phẩm sẽ cạnh tranh được với các quốc gia khác.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, bày tỏ Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất rau quả từ nước ta, chiếm 64% tổng kim ngạch xuất khẩu với 2,1 tỷ USD trong nửa đầu năm, tăng 22% so với cùng kỳ. Đặc biệt, sầu riêng vẫn là loại quả được thị trường Trung Quốc ưa chuộng.

Đối với mặt hàng dừa tươi, Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận định nhu cầu nhập khẩu mặt hàng này của thị trường Trung Quốc là rất lớn và có xu hướng tăng trưởng ổn định, năm sau cao hơn năm trước. Trong khi đó, sản lượng dừa của Trung Quốc mới chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu tiêu thụ nội địa, phần còn lại là nhập khẩu.

"Nếu xuất khẩu chính ngạch được mặt hàng này vào thị trường Trung Quốc sẽ giúp xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng khả quan. Theo tính toán của Hiệp hội Rau quả Việt Nam, khi Nghị định thư xuất khẩu dừa tươi được ký, nếu chuẩn bị tốt, ngành dừa có thể thu thêm khoảng 300-400 triệu USD/năm từ thị trường này," ông Đặng Phúc Nguyên thông tin.

ttxvn_kinh_te_VN_Trung_quoc_17-3.jpg
Sầu riêng vẫn là loại quả được thị trường Trung Quốc ưa chuộng. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)

Mới đây, tại lễ ký kết Bản ghi nhớ hợp tác giữa Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Lai Châu (Việt Nam) với Chính quyền nhân dân huyện Kim Bình, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), ông Vũ Huy Hòa, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Lai Châu cho biết: Việc ký kết chương trình hợp tác với nhiều nội dung thiết thực về quản lý, điều hành cửa khẩu, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế biên mậu, tạo điều kiện thuận lợi thông quan, xây dựng cặp cửa khẩu Ma Lù Thàng-Kim Thủy Hà phồn vinh, thịnh vượng. Qua đó, đánh dấu bước phát triển mới giữa hai bên, hợp tác toàn diện và thực chất hơn.

Theo dự thảo Bản ghi nhớ hợp tác, hai bên nhất trí trao đổi bằng công hàm định kỳ 1 lần/quý để cung cấp thông tin như thông báo tình hình thông quan, tình hình xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh qua cửa khẩu; các quy định, chính sách mới về tình hình xuất, nhập khẩu hàng hóa, xuất nhập cảnh tại cửa khẩu.

Ngoài ra, hai bên thiết lập cơ chế hội đàm mỗi năm 2 lần nhằm chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý và khai thác cửa khẩu; tạo kênh trao đổi thông tin qua đường dây nóng hoặc qua liên lạc viên; với nội dung khác căn cứ tình hình thực tế có thể sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh nội dung, điều khoản đã nêu tại Bản ghi nhớ...

Tương tự, Chủ tịch Tập đoàn Sailun kiêm Chủ tịch Công ty TNHH Sailun Việt Nam Lưu Yến Hoa nhấn mạnh: Sailun đã đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất tất cả các dòng lốp xe của Tập đoàn tại tỉnh Tây Ninh, thành lập Trung tâm nghiên cứu phát triển tại Thành phố Hồ Chí Minh và lập liên doanh với Cooper Tires năm 2019 với tổng vốn đầu tư đến nay khoảng 1,5 tỷ USD.

Theo bà Lưu Yến Hoa, nhà máy tại Tây Ninh là cơ sở sản xuất lớn nhất ở nước ngoài của Tập đoàn Sailun, tạo việc làm cho 7.000 nhân viên. Nhà máy đang sử dụng 100% nguồn cao su tự nhiên của Việt Nam.

Trong khi đó, Trung tâm nghiên cứu phát triển tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng là trung tâm nghiên cứu phát triển lớn nhất của Tập đoàn Sailun ở nước ngoài bởi Tập đoàn đánh giá cao chất lượng và sự trung thành của nguồn nhân lực Việt Nam.

Bà Lưu Yến Hoa bày tỏ cảm ơn Chính phủ và các cấp chính quyền Việt Nam đã hỗ trợ, tạo điều kiện cho Tập đoàn Sailun đầu tư tại Việt Nam từ năm 2012 đến nay. Cùng đó, cam kết Tập đoàn sẽ tiếp tục đầu tư thêm 200 triệu USD tại Việt Nam thời gian tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.