Cuộc thi “Khám phá các di sản thế giới ở Hà Nội-Thành phố vì hòa bình” đã chính thức được khởi động chiều ngày 6/11, tại Hà Nội.
Hiện nay, Hà Nội có bốn di sản văn hóa thế giới: Khu trung tâm Hoàng Thành Thăng Long, 82 bia đá tiến sỹ (ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám), Hội Gióng (tại đền Sóc và đền Phù Đổng) và ca trù.
Theo đó, người dự thi sẽ thể hiện ấn tượng và sự hiểu biết của mình về bốn di sản này; từ đó đưa ra các giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của di sản trong đời sống cộng đồng.
Tác phẩm dự thi có thể được trình bày dưới nhiều hình thức khác nhau: bài viết, phóng sự, phim ngắn, sản phẩm đồ họa…
Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội cho biết: “Ban tổ chức khuyến khích các bạn trẻ tham gia tìm hiểu và đề xuất những ý kiến đóng góp của mình nhằm khai thác và phát huy giá trị di sản trong đời sống cộng đồng trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước.”
Dự kiến, sau khi cuộc thi kết thúc, những đề tài xuất sắc, mang tính khả thi cao sẽ được tư vấn hoàn thiện và hỗ trợ hiện thực hóa.
Bài dự thi gửi trực tiếp về Quỹ Văn hóa Hà Nội-Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội (số 47 Hàng Dầu, Hoàn Kiếm, Hà Nội) hoặc địa chỉ email: disanvanhoahanoi@gmail.com.
Ban tổ chức không giới hạn số lượng tác phẩm dự thi của các tác giả/nhóm tác giả. Thời gian nhận bài dự thi kéo dài đến hết ngày 15/12.
Kết quả chính thức sẽ được công bố vào ngày 26/12. Ban tổ chức sẽ trao một giải nhất (trị giá 10 triệu đồng) đối với thể loại bài viết và một giải nhất (trị giá 15 triệu đồng) đối với thể loại phóng sự, phim ngắn, sản phẩm đồ họa. .
Cuộc thi “Khám phá các di sản thế giới ở Hà Nội-Thành phố vì hòa bình” do Quỹ Văn hóa Hà Nội (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội) tổ chức.
Đây là hoạt động trong chuỗi sự kiện kỷ niệm ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11) và 15 năm Thủ đô Hà Nội được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh là “Thành phố vì hòa bình” (1999-2014)./.
Ban tổ chức đưa ra bốn định hướng tìm hiểu cho người dự thi:
1/ “Khu trung tâm Hoàng Thành Thăng Long: Cần có một giải pháp tổng thể trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị của khu di tích.”
2/ “82 bia đá tiến sỹ ở Văn Miếu Quốc Tử Giám: Làm sao để cải thiện ý thức của người dân tham gia vào quá trình bảo vệ di sản quý báu?"
3/ “Hội Gióng tại đền Sóc và đền Phù Đổng: Làm sao để khai thác và phát huy giá trị của lễ hội, không gian lễ hội mà vẫn đảm bảo gìn giữ được các giá trị nguyên gốc của di sản?”
4/ “Ca trù: Làm sao để tăng cường sức sống của di sản ca trù trong đời sống cộng đồng?”