Trung Quốc ngày càng khó đạt mục tiêu tăng trưởng hàng năm giữa bối cảnh ngân hàng UBS Group AG điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng kinh tế nước này trong năm nay từ 4,9% xuống 4,6%, do sự suy giảm của thị trường bất động sản và lập trường về chính sách tài khóa thắt chặt.
UBS cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm tới từ 4,6% xuống 4%.
Động thái trên diễn ra sau khi báo cáo lợi nhuận yếu của một số công ty tiêu dùng hàng đầu Trung Quốc trong tháng này làm dấy lên lo ngại rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể không đạt được mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% trong năm nay.
Sự suy giảm của thị trường bất động sản đã tác động mạnh đến nhu cầu nội địa và lòng tin tiêu dùng. Năm 2022, Trung Quốc đã không đạt được mục tiêu tăng trưởng hàng năm do các biện pháp phong tỏa để chống dịch COVID-19 và việc thay đổi chính sách đột ngột.
Các nhà kinh tế của UBS dự đoán sự suy yếu của lĩnh vực bất động sản sẽ ảnh hưởng lớn hơn đến nền kinh tế tổng thể, trong đó có cả tiêu dùng gia đình.
Nhiều nhà phân tích đã điều chỉnh giảm hạ dự báo tăng trưởng đối với kinh tế Trung Quốc sau khi trong quý 2/2024, nước này ghi nhận tốc độ tăng trưởng yếu nhất trong năm quý.
Các ngân hàng khác cũng nghi ngại về khả năng Trung Quốc đạt được mục tiêu tăng trưởng, trong đó JPMorgan Chase & Co., dự đoán về mức tăng trưởng 4,6% và Nomura Holdings Inc., dự báo mức thấp hơn là 4,5%.
Khảo sát của Bloomberg vào tháng Tám cho thấy các nhà kinh tế đã hạ dự báo tăng trưởng cho quý 3 và quý 4/20224 từ 4,7% xuống 4,6%.
Dù Trung Quốc đã nới lỏng chính sách đối với thị trường bất động sản kể từ cuối năm 2022, với việc giảm yêu cầu thanh toán trước, hạ lãi suất thế chấp và nới lỏng hạn chế đối với việc mua nhà, quá trình thực hiện các biện pháp này vẫn diễn ra chậm và có tác động hạn chế.
Theo các nhà kinh tế, nền tảng cơ bản về nguồn cung và nhu cầu bất động sản của Trung Quốc đã thay đổi trong những năm gần đây, sự tự tin trên thị trường ở mức thấp khi tăng trưởng thu nhập hộ gia đình yếu, mức tồn kho cao và tốc độ giảm tồn kho diễn ra chậm. UBS đã hạ triển vọng đối với lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc.
Sự suy giảm của thị trường bất động sản Trung Quốc ít có dấu hiệu đảo chiều.
Trong tháng Bảy, doanh số bán nhà mới đã giảm gần 20% so với cùng kỳ năm trước, trong khi giá nhà lần đầu giảm với tốc độ nhanh nhất trong chín năm qua.
Các dự án nhà mới cũng tiếp tục giảm với tốc độ khoảng 20%. Cuộc khủng hoảng bất động sản đã kéo theo sự suy giảm trong tất cả các lĩnh vực từ thị trường lao động đến tiêu dùng và tài sản hộ gia đình trong hai năm qua.
Những khó khăn kinh tế đã góp phần vào sự sụt giảm kéo dài trên thị trường chứng khoán lớn thứ hai thế giới, bất chấp các nỗ lực của chính quyền nhằm phục hồi niềm tin của nhà đầu tư.
Chỉ số CSI 300 tại Trung Quốc đã giảm 4,2% từ đầu năm đến nay và đang trên đà ghi nhận năm giảm thứ tư liên tiếp.
Sự sụt giảm của lĩnh vực bất động sản cho thấy gói biện pháp được công bố vào tháng Năm chưa phát huy hiệu quả.
Trung Quốc đang xem xét đề xuất cho phép các chính quyền địa phương tài trợ cho việc mua các căn hộ chưa bán được thông qua trái phiếu đặc biệt để hỗ trợ thị trường.
Tính đến tháng Bảy, Trung Quốc có 382 triệu m2 nhà mới chưa bán được.Chiến lược gia Wang Yan tại công ty tư vấn đầu tư Alpine Macro, có trụ sở tại Canada, cho rằng mục tiêu tăng trưởng 5% của chính phủ gần như là không thể đạt được.
Ông Wang Yan nhận định các nhà hoạch định chính sách thiếu một chiến lược rõ ràng và đồng bộ để đối phó với những thách thức. Theo ông, các biện pháp nhỏ lẻ đang được thực hiện để giải quyết các vấn đề về nhu cầu cũng chỉ là tạm thời./.
Vì sao tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc giảm tốc trong quý 2?
Theo người phát ngôn Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, trong ngắn hạn, sự suy giảm tăng trưởng kinh tế vào quý 2 bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như thời tiết cực đoan và thảm họa mưa lũ thường xuyên.