Thị trường dầu châu Á thận trọng chờ số liệu lạm phát của Mỹ

Vào lúc 13 giờ 30 theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 45 xu Mỹ, hay 0,5%, lên 99,97 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 44 xu Mỹ.
Thị trường dầu châu Á thận trọng chờ số liệu lạm phát của Mỹ ảnh 1Một mỏ khai thác dầu ở Đảo Khark, Iran. (Ảnh: AFP/TTXVN phát)

Giá dầu châu Á tăng trong phiên giao dịch chiều 13/7, nhưng đà tăng bị hạn chế bởi tâm lý thận trọng trước khi số liệu lạm phát của Mỹ được công bố.

Vào lúc 13 giờ 30 theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 45 xu Mỹ, hay 0,5%, lên 99,97 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 44 xu Mỹ, hay 0,5%, và được giao dịch ở mức 95,27 USD/thùng.

Dù tăng nhẹ trong phiên này nhưng nhìn chung dầu đang có xu hướng bị bán ra do những lo ngại rằng các đợt nâng lãi suất mạnh mẽ để kiềm chế lạm phát sẽ kìm hãm các hoạt động kinh tế và làm giảm nhu cầu dầu.

[Giá dầu thế giới "tuột dốc" do giá trị đồng USD tăng mạnh]

Bên cạnh đó, đồng USD mạnh lên và tình hình dịch COVID-19 phức tạp tại Trung Quốc cũng phần nào gây áp lực lên giá dầu.

Thị trường đang hướng sự chú ý đến số liệu về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ dự kiến được công bố trong ngày 13/7.

Các chuyên gia kinh tế trong cuộc khảo sát của hãng tin Reuters dự đoán chỉ số này sẽ cho thấy lạm phát tại Mỹ gia tăng trong tháng Sáu, khi tăng 1,1% so với tháng Năm và 8,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh đó, giới đầu tư cũng đang dõi theo chuyến công du của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Trung Đông, nơi ông được dự đoán sẽ kêu gọi Saudi Arabia và các nước sản xuất dầu khác ở vùng Vịnh gia tăng sản lượng để giúp bình ổn giá dầu.

Trong báo cáo hàng tháng được công bố ngày 12/7, Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) dự đoán nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng lên trong năm 2023 và thị trường dầu vẫn thắt chặt.

OPEC ước tính các nước thành viên của tổ chức này cần tăng thêm 900.000 thùng/ngày trong năm 2023 để cân bằng thị trường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.