Giá dầu trồi sụt bất nhất trong tuần giao dịch vừa qua và hai loại dầu chủ chốt là WTI và Brent cũng khép tuần với diễn biến trái chiều.
Số ca nhiễm mới dịch COVID-19 trên toàn cầu liên tục ghi nhận mức tăng kỷ lục theo ngày, làm dấy lên lo ngại rằng chính phủ các nước sẽ áp đặt trở lại lệnh phong tỏa xã hội, bên cạnh những căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và châu Âu với Trung Quốc đã tác động tiêu cực tới thị trường năng lượng.
Sau khi đồng loạt giảm khoảng 1% phiên đầu tuần (13/7), giá dầu thế giới đảo chiều đi lên trong hai phiên liên tiếp sau đó, nhờ báo cáo cho hay dự trữ dầu thô của Mỹ giảm mạnh.
Theo số liệu mới nhất của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm 7,5 triệu thùng trong tuần trước, cao hơn rất nhiều dự báo giảm 2,1 triệu thùng được các nhà phân tích tham gia cuộc thăm dò của hãng tin Reuters đưa ra trước đó.
Phil Flynn, nhà phân tích thuộc Price Futures Group, dự báo dự trữ dầu Mỹ sẽ còn giảm hơn nữa trong những tuần tới. Nguồn cung dầu trong thời gian tới đây sẽ thắt chặt hơn và thị trường đang phát đi các dấu hiệu cho thấy sẽ sớm cần thêm dầu.
[OPEC+ nhất trí nới lỏng quy mô hạn chế sản lượng khai thác]
Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh bao gồm cả Nga, còn gọi là OPEC+, ngày 15/7 đã nhất trí nới lỏng mức cắt giảm sản lượng từ tháng 8/2020, khi nền kinh tế toàn cầu từng bước phục hồi sau đại dịch COVID-19.
OPEC+ hiện đang cắt giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày kể từ tháng Năm, tương đương 10% nguồn cung toàn cầu, nhưng mức cắt giảm này sẽ chính thức giảm xuống 7,7 triệu thùng/ngày từ tháng 8 đến tháng 12/2020.
Giá “vàng đen” trở lại quỹ đạo giảm trong hai phiên giao dịch cuối tuần (16-17/7), giữa bối cảnh số ca nhiễm COVID-19 tiếp tục tăng mạnh ở Mỹ và trên thế giới, làm củng cố thêm sự không chắc chắn về triển vọng nhu cầu dầu thô.
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) giao tháng 8/2020 giảm 16 xu Mỹ (0,4%), xuống 40,59 USD/thùng.
Trong khi đó, tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 9/2020 hạ 23 xu (0,5%), xuống 43,14 USD/thùng. Tính chung cả tuần qua, giá dầu WTI tăng 0,1%, song giá dầu Brent Biển Bắc lại tăng 0,2%.
Lukman Otunuga, chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại FXTM nhận định rằng, mặc dù nhu cầu tiêu thụ dầu đã cải thiện trong những tuần gần đây do việc nới lỏng các biện pháp phong tỏa, nhưng việc thu hẹp mức cắt giảm sản lượng có thể xuất hiện sớm khi sự phục hồi các nền kinh tế toàn cầu vẫn còn mong manh và số ca nhiễm COVID-19 gia tăng ở Mỹ.
Dữ liệu cùng ngày từ công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes cho biết số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ giảm 1 giàn xuống còn 180 giàn trong tuần này. Số giàn khoan dầu tại Mỹ đã giảm 18 tuần liên tiếp, cho thấy đà sụt giảm sản lượng trong thời gian tới./.