Thị trường lao động Trung Quốc tăng trưởng ổn định trong năm 2019

Bất chấp những yếu tố bất ổn từ bên ngoài và lo ngại về nguy cơ giảm tốc của nền kinh tế, thị trường lao động Trung Quốc vẫn tăng trưởng ổn định với những con số ấn tượng.
Công nhân làm việc tại một công trường xây dựng ở tỉnh Quý Châu, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)
Công nhân làm việc tại một công trường xây dựng ở tỉnh Quý Châu, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo số liệu mới nhất của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS), trong 10 tháng đầu năm 2019, các doanh nghiệp Trung Quốc đã tạo ra khoảng 11,93 triệu việc làm mới tại các khu đô thị, đáp ứng trước hạn mục tiêu hằng năm là tạo ra hơn 11 triệu việc làm.

Trong 6 năm liên tiếp trước đó, trung bình mỗi năm nền kinh tế Trung Quốc tạo hơn 13 triệu việc làm mới ở đô thị, mặc dù tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong các năm này đều chậm lại.

Trong 3 quý đầu năm nay, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 6,2%, dù chậm nhưng vẫn nằm trong phạm vi mục tiêu 6-6,5% năm 2019 của Chính phủ Trung Quốc.

Theo người phát ngôn của NBS, mỗi % tăng trưởng GDP của kinh tế Trung Quốc có thể được chuyển đổi thành khoảng 2 triệu việc làm mới được tạo ra.

Nhờ tăng trưởng kinh tế ổn định, thị trường việc làm Trung Quốc đang nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ ngành dịch vụ.

Trong những năm gần đây, cơ cấu của kinh tế Trung Quốc đã chuyển từ một nền kinh tế do ngành công nghiệp dẫn đầu sang nền kinh tế do ngành dịch vụ dẫn đầu.

Doanh thu của khu vực kinh tế thứ 3 này trong năm 2018 đạt 46.960 tỷ nhân dân tệ (tương đương 6.660 tỷ USD), tăng 7,6%, chiếm 52,2% GDP.

Nền kinh tế các nước nói chung thông thường gồm ba khu vực kinh tế lớn, là nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ.

Theo Bộ Nguồn nhân lực và an sinh xã hội Trung Quốc, trong năm 2018, tỷ lệ việc làm trung bình mà ngành dịch vụ đóng góp cho nền kinh tế nước này cao hơn khoảng 20% so với ngành công nghiệp.

Các mô hình kinh doanh mới cũng đang tạo ra nhiều việc làm. Trung tâm Thông tin quốc gia Trung Quốc - cơ quan cố vấn hàng đầu của chính phủ nước này, cho biết trong năm ngoái, khoảng 75 triệu người lao động tham gia "nền kinh tế chia sẻ," tăng 7,1% so với năm 2017 và chiếm 9,7% số lao động trong nước.

[Trung Quốc hy vọng sớm đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ]

Kinh tế chia sẻ là một mô hình thị trường lai, dựa trên chia sẻ quyền sử dụng hàng hóa và dịch vụ thông qua các dịch vụ trực tuyến dựa vào cộng đồng.

Uber, Grab hay Airbnb là những ví dụ điển hình của hình thức kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ.

Một quan chức thuộc Bộ Nguồn nhân lực và an sinh xã hội Trung Quốc cho biết sự ổn định của thị trường việc làm, vốn là chìa khóa để đảm bảo nền kinh tế không trượt khỏi mục tiêu tăng trưởng, không chỉ là kết quả của việc nước này mở rộng quy mô của nền kinh tế mà còn nhờ cải thiện việc thực thi các chính sách liên quan đến việc làm.

Trong năm 2019, Trung Quốc đã lần đầu tiên nâng tầm chính sách kinh tế ưu tiên tạo việc làm trở thành chính sách vĩ mô.

Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc không chỉ coi trọng yếu tố tạo việc làm mà còn điều chỉnh các chính sách thúc đẩy tăng trưởng việc làm.

Theo NBS, tỷ lệ thất nghiệp ở đô thị của Trung Quốc trong tháng 10 vừa qua vào khoảng 5,1%, giảm 0,1% so với tháng trước đó.

Ngoài ra, tại cuộc họp của Quốc vụ viện Trung Quốc ngày 4/12 do Thủ tướng Lý Khắc Cường chủ trì, một loạt biện pháp đã được thông qua nhằm tăng cường hỗ trợ thị trường lao động, tăng cơ hội việc làm cho người khuyết tật và giải quyết vấn đề nợ lương ảnh hưởng đến người lao động nhập cư.

Ông Lý Khắc Cường nhấn mạnh việc làm là nguồn gốc của thịnh vượng và nền tảng cho sự ổn định xã hội.

Hồi tháng Tư vừa qua, Bộ Nguồn nhân lực và an sinh xã hội Trung Quốc đã công bố 13 ngành nghề mới, trong đó có quản lý nông nghiệp, kỹ thuật viên dự án phát triển trí tuệ nhân tạo và nhân viên chơi thể thao điện tử.

Xã hội Trung Quốc hiện đang có nhu cầu tuyển dụng rất lớn đối với lĩnh vực quản lý nông nghiệp, dự báo trong 5 năm tới có thể sẽ tuyển dụng 1,5 triệu người, cho thấy tiềm năng của ngành nghề này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.