Thiếu cát đắp nền đường, Cao tốc Cần Thơ-Cà Mau chậm tiến độ 6 tháng

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc Cao tốc Cần Thơ-Cà Mau chậm tiến độ 6 tháng là do thiếu nguồn vật liệu cát đắp nền đường, nhà thầu chủ yếu thi công hạng mục cầu trên tuyến, đào đất, đắp bờ bao...
Thi công tuyến Cao tốc Cần Thơ-Cà Mau. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Ngày 30/1, Đoàn Công tác của Bộ Giao thông Vận tải do ông Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải dẫn đầu, đến làm việc với Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận, lãnh đạo tỉnh An Giang về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nguồn vật liệu san lấp phục vụ thi công xây dựng công trình Đường bộ Cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đoạn Cần Thơ-Cà Mau.

Theo Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận, Dự án Đường bộ Cao tốc đoạn Cần Thơ-Cà Mau được khởi công ngày 1/1/2023, hiện các nhà thầu đã tổ chức 167 mũi thi công, huy động 686 máy móc thiết bị các loại, cùng 1.096 nhân sự kỹ sư và công nhân.

Sau hơn 1 năm, sản lượng thi công là 3.816 tỷ đồng/18.812 tỷ đồng, đạt 20,3% giá trị hợp đồng, chậm so với tiến độ khoảng 6 tháng.

Do thiếu nguồn vật liệu cát đắp nền đường nên các nhà thầu chủ yếu triển khai thi công hạng mục cầu trên tuyến, đào đất, đắp bờ bao và thi công đường công vụ, cầu tạm.

Ngoài ra, một số vị trí thi công trên tuyến Cao tốc Cần Thơ-Cà Mau còn vướng mặt bằng, một số vị trí vướng công trình hạ tầng kỹ thuật chưa di dời đặc biệt là đường điện cao thế nên khó khăn trong việc tiếp cận để di chuyển thiết bị vào thi công.

Ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận, cho biết Cao tốc Cần Thơ-Cà Mau cần khoảng 18,46 triệu m3 cát trong khi nguồn vật liệu cát trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long khan hiếm do cùng lúc nhiều dự án cao tốc triển khai đồng loạt.

Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương ưu tiên bố trí ngay nguồn cát cho dự án Cao tốc Cần Thơ-Cà Mau; trong đó tỉnh An Giang là 7 triệu m3 (năm 2023 là 3,3 triệu m3), Đồng Tháp là 7 triệu m3 (năm 2023 là 3,3 triệu m3) và Vĩnh Long là 5 triệu m3 (năm 2023 là 2,5 triệu m3), ông Thi báo cáo tại cuộc họp.

Đoàn Công tác của Bộ Giao thông Vận tải làm việc với Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận, lãnh đạo tỉnh An Giang về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nguồn vật liệu san lấp phục vụ thi công xây dựng công trình Đường bộ Cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021- 2025 đoạn Cần Thơ-Cà Mau. (Ảnh: Thanh Sang/TTXVN)

Theo Giám đốc Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận, để chủ động nguồn vật liệu cát đắp nền đường, ngay sau khi dự án được khởi công, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải và Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận cùng nhà thầu thi công đã chủ động làm việc với các địa phương, đồng thời có văn bản đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long hỗ trợ nguồn vật liệu cát cung cấp cho dự án và hướng dẫn thủ tục thực hiện theo cơ chế đặc thù.

Theo ông Trần Văn Thi, đến nay, các địa phương mới xác định được nguồn bố trí cho dự án khoảng 16 triệu m3 từ nhiều nguồn gồm: tăng 50% công suất các mỏ đang khai thác trên địa bàn tỉnh hoặc giới thiệu mỏ mới trong quy hoạch để nhà thầu thực hiện thủ tục mở mỏ khai thác phục vụ thi công dự án. Tuy nhiên, công suất khai thác hàng ngày của các mỏ hiện nay rất hạn chế nên không thể đáp ứng yêu cầu tiến độ dự án.

Đến nay, An Giang đã xác định được nguồn cung cho Dự án Cao tốc Cần Thơ-Cà Mau là khoảng 6 triệu m3 từ nguồn tăng công suất các mỏ hiện hữu và triển khai thủ tục cấp mới 5 mỏ mới cho nhà thầu khai thác, trong đó đã hoàn thiện thủ tục để khai thác 1,566 triệu m3 từ các mỏ hiện hữu đang khai thác; đang hoàn thiện thủ tục 5 mỏ với trữ lượng khai thác dự kiến 4,4 triệu m3.

Hiện tỉnh gặp khó khăn nguồn cát cung cấp cho Cao tốc Cần Thơ-Cà Mau, khi mới chỉ xác định được nguồn cung khoảng 6 triệu m3 và còn thiếu 1 triệu m3 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trong khi đó, thủ tục cấp quyền khai thác các mỏ còn mất nhiều thời gian do phải thực hiện nhiều thủ tục tương tự như quy trình thông thường…

Bên cạnh đó, công suất được phép khai thác của 5 mỏ mới rất hạn chế. Theo hồ sơ Sở Tài nguyên và Môi trường An Giang trình Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt, hầu hết các mỏ phải kéo dài sang năm 2025 mới khai thác hết trữ lượng.

Theo tính toán của Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận, nếu chia theo ngày thì khối lượng bình quân khoảng 2.000 m3/mỏ/ngày, tương đương 10.000 m3/ngày/5 mỏ. Nếu tính cả khối lượng đang lấy từ Dự án chỉnh trị dòng chảy sông Vàm Nao thì khối lượng được khoảng 14.000 m3/ngày. Trường hợp cho phép khai thác tối đa công suất các thiết bị, phương tiện khai thác hiện có của các mỏ thì có thể được khoảng 18.000-20.000 m3/ 5 mỏ/ngày, cùng với khối lượng khai thác tại Vĩnh Long và Đồng Tháp thì cơ bản đáp ứng được nhu cầu của dự án.

Để đẩy nhanh thi công Cao tốc Cần Thơ-Cà Mau, hiện các nhà thầu thi công dự án đã và đang thực hiện thủ tục khai thác 16 mỏ cát trên địa bàn 3 tỉnh là An Giang, Đồng Tháp và Vĩnh Long. Trường hợp toàn bộ 16 mỏ này cùng với Dự án chỉnh trị dòng chảy sông Vàm Nao đang thực hiện thì khối lượng tối đa khai thác được cho dự án 34.000 m3/ngày, trong khi nhu cầu cần khoảng 55.000-60.000 m3/ngày.

Các đơn vị thi công hệ thống móng, trụ cầu cạn trên tuyến cao tốc. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Để đáp ứng nhu cầu vật liệu cát đắp nền và hoàn thành mục tiêu cơ bản hoàn thành dự án vào năm 2025, Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang cấp "bản xác nhận" đối với 5 mỏ đã trình hồ sơ làm cơ sở để các nhà thầu thực hiện nghĩa vụ nộp thuế, phí… ngay trong tháng 1/2024 và tổ chức khai thác từ tháng 2/2024; sớm bố trí bổ sung phần khối lượng còn thiếu khoảng 1 triệu m3 để đảm bảo đủ 7 triệu m3 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời hỗ trợ hoàn thành thủ tục và đưa vào khai thác từ tháng 3/2024.

Ban Quản lý Dự án cũng đề xuất cho phép các mỏ cấp cho dự án được khai thác tối đa công suất hoạt động của thiết bị, phương tiện được duyệt và thời gian khai thác trong ngày. Trường hợp tổng công suất các mỏ cấp cho dự án chưa đáp ứng nhu cầu tiến độ thi công, đề nghị địa phương bố trí thêm mỏ giao cho nhà thầu, đảm bảo công suất khai thác để cấp đủ về công trường 7 triệu m3 theo chỉ tiêu đã được Thủ tướng Chính phủ giao.

Cùng với đó, Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận cũng kiến nghị An Giang xem xét bố trí thêm một số mỏ cát cho dự án như: khu vực quy hoạch trên sông Hậu thuộc các phường Mỹ Phước, Mỹ Quý, phố Long Xuyên và xã Hòa Bình, huyện Chợ Mới; khu mỏ trên sông Hậu thuộc xã Bình Thủy, huyện Châu Phú và xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới hoặc các mỏ cát khác trên địa bàn tỉnh An Giang.

Về mỏ đá và mỏ đất đắp bao, Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận kiến nghị tăng 50% công suất đối với với các mỏ đang khai thác trên địa bàn tỉnh và toàn bộ phần tăng công suất cung cấp cho dự án.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, nhấn mạnh hai tuyến Cao tốc Cần Thơ-Cà Mau và Dự án Cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng đã được các nhà thầu đẩy mạnh thi công và đạt được một kết quả nhất định. Tuy nhiên, so với tiến độ thi công thì hai tuyến cao tốc này đã chậm 6 tháng và đang gặp nhiều khó khăn do thiếu cát.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng lưu ý dù khó khăn đến đâu cũng phải phấn đấu hoàn thành đúng tiến độ hai tuyến Cao tốc Cần Thơ-Cà Mau và Cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng. Bởi lẽ hai tuyến cao tốc này có ý nghĩa đặc biệt đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long và được nhân dân mong chờ ngày đưa vào hoạt động.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng đề nghị An Giang khẩn trương hoàn thiện thủ tục cấp phép nhanh 5 mỏ cát để đưa vào khai thác phục vụ thi công các tuyến cao tốc; phần thiếu 1 triệu m3 cần cấp mỏ mới hoặc tạo điều kiện cho các nhà thầu mua thương lại từ mỏ cát đang khai thác bình thường; nâng công suất cát và đá do Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận cần có căn cứ pháp lý, cơ sở thực tiễn để lấy được nguồn vật liệu để đẩy nhanh thi công dự án.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cũng đề nghị đối với các mỏ được nâng công suất khai thác, tỉnh An Giang cần đánh giá quan trắc, lập tổ kiểm tra, giám sát để tránh gây sạt lở, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân sống gần khu vực mỏ; quan tâm nâng công suất khai thác để phục vụ thi công công trình Cao tốc Cần Thơ-Cà Mau./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục