Thỏa thuận hợp tác giữa doanh nghiệp Đức với đại học Việt-Đức

GIC/AHK Việt Nam và GBA không chỉ thúc đẩy các doanh nghiệp thành viên tăng cường hỗ trợ học bổng cho sinh viên mà còn đem lại lợi ích trực tiếp cho cả sinh viên và doanh nghiệp.
Thỏa thuận hợp tác giữa doanh nghiệp Đức với đại học Việt-Đức ảnh 1Quang cảnh lễ ký kết.

Ông Elmar Dutt - Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam (GBA), ông Marko Walde - Trưởng đại diện Phòng thương mại và công nghiệp Đức tại Việt Nam (GIC/AHK Việt Nam) cùng với giáo sư Juergen Mallon - Hiệu trưởng trường đại học Việt-Đức (VGU) đã cùng ký kết thỏa thuận hợp tác vào ngày 10/7 tại Hà Nội.

Trong tương lai, GIC/AHK Việt Nam và GBA không chỉ thúc đẩy các doanh nghiệp thành viên tăng cường hỗ trợ học bổng cho sinh viên mà còn đem lại lợi ích trực tiếp cho cả sinh viên và doanh nghiệp, từ việc hình thành cầu nối liên hệ chặt chẽ thông qua các hình thức như nghiên cứu và phát triển, hỗ trợ thực tập sinh cũng như các hoạt động liên quan đến việc hoàn tất đồ án/luận văn tốt nghiệp của sinh viên tại các công ty, xí nghiệp hay nhà máy.

Giáo sư Juergen Mallon cũng là thành viên ban lãnh đạo GBA, nhấn mạnh việc hợp tác này là bước tiến quan trọng cho sự phát triển của trường sẽ tạo ra sự hiệp lực thực tế và trực tiếp giữa các giảng viên, sinh viên cùng với các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam, với mục tiêu chính là thúc đẩy giáo dục trình độ cao, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu và phát triển.

VGU đã phát triển hệ thống trường học hiện đại tại Bình Dương với hơn 12.000 sinh viên theo học. Ông Marko Walde và ông Elmar Dutt đều nhất trí rằng mối liên kết này sẽ mang đến lợi ích lâu dài và đáng kể trong việc phát triển của các công ty Đức ở quy mô rộng, thông qua việc tuyển dụng các tài năng có chuyên môn cao trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển. Hiện nay, đã có hơn 20 công ty Đức tại Việt Nam đang hợp tác rất chặt chẽ với trường Đại học Việt-Đức.

Vào tháng 10/2014, VGU sẽ cử ra một điều phối viên đại diện cho việc phát triển thỏa thuận hợp tác này. Qua đó, các công ty Đức tại Việt Nam sẽ có được đầu mối liên hệ cụ thể và duy nhất từ trường Đại học Việt-Đức, người có thể đáp ứng được mọi yêu cầu hỗ trợ và hợp tác từ phía doanh nghiệp.

GBA đang đại diện cho hơn 160 thành viên là các công ty Đức hoạt động tại Việt Nam. Với các mối quan hệ chiến lược lâu dài của văn phòng, doanh nghiệp hai nước sẽ được hưởng lợi và tiết kiệm thời gian của mình trong việc nghiên cứu và xâm nhập thị trường.

Mỗi năm văn phòng hỗ trợ hàng trăm công ty Đức trong việc mở rộng hoạt động kinh doanh, tìm kiếm đối tác và nơi đầu tư thích hợp tại Việt Nam cũng như hỗ trợ các công ty Việt Nam trong việc phát triển thị trường của họ tại Đức và châu Âu thông qua vai trò đại diện chính thức của hội chợ Berlin, Duesseldorf, Nuernberg và hội chợ quốc tế đồ chơi Toy Fair.

VGU là trường đại học công lập của Việt Nam được thành lập vào năm 2008 và hoạt động theo mô hình đào tạo và quản lý của Đức. VGU đóng góp vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ Việt Nam cũng như vào sự phát triển hệ thống giáo dục hiện đại thông qua việc cung cấp sự chuyển giao công nghệ mang lại lợi ích song phương./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Biểu tượng Boeing tại nhà máy ở Renton, Washington, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Boeing bán công ty con để có thêm nguồn thu

Boeing cho biết sẽ bán Digital Receiver Technology, công ty sản xuất thiết bị không dây cho các cơ quan tình báo, cho Thales Defense & Security, công ty điện tử quốc phòng lớn nhất châu Âu.