Thống kê nạn nhân tử vong tai nạn giao thông có sự “vênh nhau”

Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, con số thống kê nạn nhân tử vong tai nạn giao thông có sự “vênh nhau” giữa Bộ Công an và Bộ Y tế.
Hiện trường một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. (Ảnh: TTXVN)

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, tám tháng đầu năm vừa qua, tai nạn giao thông giảm 5% về cả 3 tiêu chí (số người tử vong, số vụ, số người bị thương) nhờ vào sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Tuy nhiên, ông Hùng cho rằng, con số thống kê nạn nhân tử vong tai nạn giao thông vẫn có sự “vênh nhau” giữa Bộ Công an và Bộ Y tế. Vì thế, trong năm 2018, Bộ Công an sẽ chủ trì, soạn thảo sửa đổi Nghị định về thống kê tai nạn giao thông.

[Gần 5.500 người ra đường và không bao giờ trở về nhà trong 8 tháng]

Thông tin trên được đưa ra tại buổi họp báo của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phát động giải thưởng báo chí về an toàn giao thông năm 2017 vào chiều nay (29/8).

Theo ông Hùng, một thống kê về tai nạn giao thông năm 2015 từ Bộ Công an cho thấy, số người tử vong vì tai nạn giao thông là 8.762 người. Trong khi đó, Bộ Y tế báo cáo từ sổ khai của người nhà nạn nhân từ hơn 11.000 cấp xã, phường lên tới 16.850 người, cao gần gấp đôi so với số liệu báo cáo từ Bộ Công an.

“Khi khai tử người thân cũng có trường hợp cung cấp thông tin thiếu chính xác nhưng tỷ lệ này rất ít,” ông Hùng đánh giá.

Đặt câu hỏi việc có người nghi ngờ về tính chính xác con số báo cáo của Bộ Công an, ông Hùng bày tỏ quan điểm, quy định chức năng, đặc trưng tính nghiệp vụ của ngành Công an là có thể thống kê một cách chính xác đầy đủ và chịu trách nhiệm trước pháp luật là Viện kiểm sát Nhân dân và Tòa an Nhân dân về con số tai nạn giao thông.

“Còn con số mà Bộ Y tế thống kê là sau này và ít khi được quan tâm, luật pháp cũng không quy định lấy thống kê đó mang ra tòa để xử phạt người nào đó vi phạm phải đi tù hay không. Hai phương pháp thống kê khác nhau, nhưng muốn chính xác thì cần con số đầy đủ cuối cùng về số người tử vong do tai nạn giao thông, phải có quy định pháp luật rõ ràng để ai phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về cung cấp thông tin. Bộ Y tế phải có trách nhiệm đến đâu trong việc cung cấp thông tin?,” ông Hùng nói.

Cũng tại buổi phát động giải thưởng báo chí về an toàn giao thông năm 2017, ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng, giải thưởng báo chí về an toàn giao thông là hoạt động có ý nghĩa quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền về an toàn giao thông trên báo chí qua đó nâng cao nhận thức của nhân dân, các cấp chính quyền trong công tác đảm bảo an toàn giao thông…

Các tác phẩm báo chí về an toàn giao thông vừa qua có tính kịp thời, lan tỏa công đồng, có những góp ý, phản biện về chính sách của cơ quan quản lý Nhà nước để từ đó hoàn thiện về khung pháp lý.

Nội dung tác phẩm tham dự tập trung vào tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông; văn hóa giao thông, các giải pháp cấp bách bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên cả 5 lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng hải và hàng không.

Cơ cấu giải thưởng gồm 1 giải đặc biệt (20 triệu đồng/giải), 2 giải nhất (10 triệu đồng/giải), 5 giải nhì (5 triệu đồng/giải), 10 giải ba (3 triệu đồng/giải) và 15 giải khuyến khích (1 triệu đồng/giải).

Theo quy định thể lệ, thời hạn nộp tác phẩm dự thi trước 16 giờ 30 phút ngày 15/11/2017. Lễ trao giải dự kiến vào tháng 12/2017. Thể loại tham dự gồm bài phản ánh, phỏng vấn, ghi chép, bình luận, phỏng vấn, phóng sự điều tra, bút ký báo chí thuộc loại hình báo in và báo điện tử từ ngày 1/1/2017 đến 15/11/2017./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục