Thông qua 637 hồ sơ xét tặng danh hiệu nghệ nhân di sản văn hóa

Hội đồng chuyên ngành cấp Bộ đã thông qua 67 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân và 570 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú (trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể).
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Phú Đẹ trong lĩnh vực ca trù được đề nghị xét tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân. (Ảnh: Báo Ảnh Việt Nam/TTXVN)

Theo thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội đồng chuyên ngành cấp Bộ đã thông qua danh sách 67 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân và 570 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú (trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể) đủ điều kiện trình Hội đồng cấp Nhà nước.

Những cá nhân được đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân và Nghệ nhân ưu tú là những người đang nắm giữ, truyền dạy và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thuộc các loại hình: nghệ thuật trình diễn dân gian (âm nhạc, múa, sân khấu…), ngữ văn dân gian (dân ca, sử thi, hò, vè…), tập quán xã hội và tín ngưỡng (hương ước, nghi lễ…), tri thức dân gian (ẩm thực, trang phục…), nghề thủ công truyền thống…

Trong đó, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là hai địa phương có số lượng hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể nhiều nhất (bảy hồ sơ).

Kon Tum là địa phương có số lượng hồ sơ đủ điều kiện trình Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lớn nhất (với 31 hồ sơ).

[Hồi sinh nghề truyền thống đậu bạc Định Công của đất Thăng Long]

Trước đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nhận được 103 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân và 740 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú (trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể) lần thứ hai do 59 Hội đồng cấp tỉnh gửi.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đăng tải Dự thảo danh sách hồ sơ được Hội đồng chuyên ngành cấp Bộ xét đủ điều kiện trình Hội động cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú (trong  lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể) để lấy ý kiến của nhân dân trước khi Hội đồng chuyên ngành cấp Bộ hoàn thiện hồ sơ trình Hội đồng cấp Nhà nước. Thời gian lấy ý kiến kéo dài từ ngày 30/5-19/6.

Việc xét tặng danh hiệu nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể được tổ chức định kỳ 3 năm/lần. Trước đó, vào năm 2015, Chủ tịch nước đã trao tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú cho 600 cá nhân và truy tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân cho 17 cá nhân./.

Theo quy định tại Nghị định số 62/2014/NĐ-CP (ngày 25/6/2014) của Chính phủ (quy định về xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể), hai loại danh hiệu này được xét tặng đối với những cá nhân “có tài năng nghề nghiệp đặc biệt xuất sắc, có cống hiến to lớn, tiêu biểu cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong phạm vi cả nước, thể hiện ở việc nắm giữ kỹ năng, bí quyết thực hành di sản văn hóa phi vật thể, có thành tích, giải thưởng, sản phẩm tinh thần hoặc vật chất có giá trị cao về lịch sử, văn hóa, khoa học, nghệ thuật, thẩm mỹ, kỹ thuật.”

Bên cạnh đó, những cá nhân được đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú có thời gian hoạt động trong nghề từ 15 năm trở lên. Danh hiệu Nghệ nhân nhân dân được trao cho các cá nhân có thời gian hoạt động trong nghề từ 20 năm trở lên và đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục