Sau gần 1 năm bị treo, Thông tư 38/2013/TT-BNNPTNT sẽ chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 7/8 tới đây với nhiều điểm thay đổi để phù hợp với thực tế.
Cụ thể, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa ban hành quyết định 3323/QD-BNN-PC về việc bãi bỏ quyết định số 2158/QĐ-BNN-PC ngày 23/9/2013 về việc ngưng hiệu lực thi hành đối với Thông tư 38. Đây cũng được coi là văn bản tháo gỡ “án treo” vốn đã lơ lửng trên đầu Thông tư 38 gần một năm nay.
Điểm mới của Thông tư 38/2013/TT-BNNPTNT sau khi được khôi phục hiệu lực là sẽ được sửa đổi bởi Thông tư 19/2014/TT-BNNPTNN; theo đó sẽ loại bỏ 107 loại phân bón; dạng lỏng của 2 loại phân bón lá, dạng bột của 3 loại phân bón lá ra khỏi danh mục phân bón phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng.
Danh mục chi tiết các loại phân bón trên được quy định cụ thể tại Phụ lục I và II Thông tư 19.
Ngoài ra, tên một số sản phẩm phân được cấp phép sử dụng cũng được thay đổi theo Phụ lục III.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông Thôn Vũ Văn Tám yêu cầu Chánh văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ pháp chế, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các tình, thành phố trực thuộc trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Trước đó, như Vietnam+ đã phản ánh, Thông tư 38/2013/TT-BNNPTNT về danh mục bổ sung phân bón được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng tại Việt Nam được xếp vào dạng những thông tư có tuổi đời ngắn kỷ lục. Đúng vào ngày văn bản này có hiệu lực thi hành thì gần như ngay lập tức đã bị “tuýt còi” bởi quyết định số 2158/QĐ-BNN-PC do Thứ trưởng Vũ Văn Tám ký. Quyết định này căn cứ vào Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 3/1/2008 của Chính phủ quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và đề nghị của Vụ trưởng vụ Pháp chế, Cục trưởng Cục Trồng trọt.
Đến ngày 24/9, tại Thông báo số 4388, Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu dừng hiệu lực thi hành của Thông tư 38 và tiến hành thanh tra trình tự, thủ tục ban hành danh mục các loại phân bón tại Thông tư 38.
Việc ra Thông tư rồi đình chỉ ngay hiệu lực trong vòng chưa đầy 24 giờ kéo theo rất nhiều hệ lụy. Đáng kể nhất là không ít doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phân bón rơi vào cảnh lao đao khi sản xuất đình trệ, vốn bỏ ra để khảo nghiệm không thể thu hồi, uy tín trên thương trường sụt giảm mạnh.
“Việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành quyết định 3323/QĐ-BNN-PC được kỳ vọng sẽ gỡ khó cho các doanh nghiệp đồng thời cũng góp phần cụ thể hóa danh mục các loại phân bón được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng tại Việt Nam hiện nay. Bên cạnh đó, người nông dân cũng sẽ được hưởng lợi vì có những sản phẩm phân bón chất lượng để sản xuất,” một chuyên gia trong lĩnh vực phân bón nhấn mạnh./.