Dự án đường ôtô Tân Vũ-Lạch Huyện dự kiến sẽ được thông xe kỹ thuật và đưa vào khai thác vào đầu tháng Chín tới đây. Đến thời điểm này, dự án đã hoàn thành công tác sơn kẻ mặt đường, cầu, biển báo, đinh phản quang, tôn hộ lan… và sửa chữa nốt các hạng mục còn lại để đảm bảo xong trước ngày 30/8.
Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án 2 (chủ đầu tư dự án), hiện nay, tổng giá trị sản lượng của phần cầu Đình Vũ-Cát Hải nhà thầu liên danh Sumitomo Mitsui-Trường Sơn-Cienco 4 đạt 98% giá trị hợp đồng.
Các nhà thầu đã phối hợp cùng với Tư vấn độc lập hoàn thành đề cương tính toán độ ổn định, sức chịu tải của hệ móng cọc, quan trắc và bổ sung thử tải đối với các hạng mục của cầu Đình Vũ-Cát Hải như mố A1, A2 và trụ P18.
Đặc biệt, nhà thầu đã hoàn thiện 15 vị trí mối nối đốt dầm SBS có hiện tượng thấm nước bằng phương pháp bơm keo epoxy đông cứng chậm để làm kín khít và vệ sinh thoát nước trong dầm hộp.
Đối với phần đường phía Hải An và thảm bê tông nhựa mặt cầu, nhà thầu Trường Sơn đã thực hiện tới 94% sản lượng công trình. Hiện nay, đơn vị đang phối hợp cùng với Tư vấn giám sát, Tư vấn kiểm định xem xét đánh giá tổng thể và hoàn thiện độ bằng phẳng lớp bê tông nhựa mặt cầu C12,5 đảm bảo chất lượng theo yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật làm cơ sở báo cáo Hội đồng nghiệm thu Nhà nước kiểm tra xem xét trước khi đưa dự án vào khai thác, sử dụng.
[Nhiều khiếm khuyết tại dự án đường ôtô vượt biển dài nhất Việt Nam]
Liên quan đến việc quan trắc lún 2 đoạn đầu cầu sông Cấm có chiều dài 158, theo ông Bùi Huy Kiểm, Giám đốc điều hành dự án (Ban quản lý dự án 2), nhà thầu đã gia tải và quan trắc lún phần nền đường vẫn tiếp tục lún so với dự báo của thiết kế (mặc dù đã chất đủ tải trọng yêu cầu thiết kế và đủ thời gian chờ lún theo tính toán ban đầu). Sau khi đánh giá tắt lún, nhà thầu sẽ tổ chức thi công hoàn thiện các lớp cấp phối đá dăm, thảm nhựa theo thiết kế.
Đề cập vấn đề vênh dầm cầu sông Cấm, ông Kiểm cho rằng, theo thiết kế, độ dốc ngang mặt cầu sông Cấm được cấu tạo bằng độ dốc ngang của cánh dầm T. Do vậy, mặt trên bản cánh được thiết kế có độ nghiêng, chiều dày 2 bên cánh dầm khác nhau nhằm tạo độ dốc ngang mặt cầu.
Trong quá trình đúc phiến dầm này, chiều dày bản cánh lớn hơn so với thiết kế và độ dốc ngang thực tế chưa tới độ dốc ngang yêu cầu là 2% do đó khi lắp đặt bị vượt cao độ khoảng 5cm so với các dầm còn lại.
Trả lời về các biện pháp khắc phục chênh lệch cao độ dầm cầu Sông Cấm, theo ông Kiểm, nhà thầu đã đề xuất biện pháp sử dụng vữa Sika không co ngót cường độ cao để bù phụ tại những vị trí chênh cao độ. Đối với tải trọng tăng lên do bù phụ, nhà thầu đã kiểm toán đánh giá kết cấu dầm đảm bảo yêu cầu về chịu lực.
“Theo đánh giá của Tư vấn giám sát, biện pháp sử dụng vữa Sika không co ngót cường độ cao để bù phụ tại những vị trí chênh cao độ đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật tạo độ dôc thoát nước ngang mặt cầu, hạn chế đọng nước làm cơ sở triên khai thi công các hạng mục chống thấm, bêtông nhựa C12,5 đáp ứng tiến độ thực hiện dự án,” ông Kiểm khẳng định.
[“Những khiếm khuyết đường ôtô Tân Vũ-Lạch Huyện không nghiêm trọng"]
Về vấn đề này, Bộ Giao thông Vận tải vừa giao Ban quản lý dự án 2 chỉ đạo nhà thầu, Tư vấn giám sát hoàn thiện hồ sơ thiết kế biện pháp khắc phục chênh cao bảo đảm chất lượng, yêu cầu kỹ thuật theo tiêu chuẩn của dự án và lưu ý các đơn vị kiểm tra tính toán bảo đảm ổn định; rà soát các giải pháp trước khi thông công lớp phòng nước, lớp phủ bêtông nhựa, yêu cầu đo đạc, kiểm tra mặt cầu bảo đảm độ bằng phẳng, cao độ, độ dốc thiết kế (lưu ý tại vị trí các khe co giãn) để chuẩn xác giải pháp bù chênh cao cho phù hợp đồng thời có các giải pháp phân lớp thi công bêtông nhựa mặt cầu hợp lý để đảm bảo chất lượng công trình.
Do nguồn vốn dự phòng còn lại của tổng mức đầu tư dự án dư, Chính phủ đã giao cho Bộ Giao thông Vận tải ký kết bổ sung phụ lục hợp đồng với nhà thầu thi công, Tư vấn giám sát để thực hiện thi công nút giao khác mức Tân Vũ theo thiết kế điều chỉnh.
Hiện nay, Ban quản lý dự án 2 đã chỉ đạo tư vấn hoàn thiện hồ sơ dự toán chi phí xây dựng và phối hợp với Tư vấn thẩm tra dự toán trình Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt đồng thời quận Hải An (Hải Phòng) đã bàn giao mặt bằng để nhà thầu tiếp cận và thực hiện công tác dọn dẹp, phát quang, phá dỡ, di dời các vật kiến trúc, công trình trong phạm vi giải phóng mặt bằng.
“Nút giao Tân Vũ sẽ được hoàn thành và đưa vào khai thác đoạn tuyến từ Km0+000 (giao với đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng) đến Km2+810 cùng với nút giao khác mức Tân Vũ trong quý 4/2018,” ông Kiểm cho hay./.
Dự án xây dựng đường ôtô Tân Vũ - Lạch Huyện có chiều dài 15,63km cầu đường, điểm đầu nối từ đường ôtô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng (tại nút Tân Vũ) thuộc phường Tràng Cát, quận Hải An; điểm cuối là cổng cảng Lạch Huyện (cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng) thuộc huyện Cát Hải.Trong đó, phần cầu có chiều dài 5,4km; phần đường dẫn dài 10,1km. Cầu Tân Vũ-Lạch Huyện được thiết kế vĩnh cửu bằng bêtông cốt thép dự ứng lực, bề rộng mặt cầu rộng 16m gồm 4 làn xe. Tổng mức đầu tư dự án hơn 11.849 tỷ đồng được thực hiện bằng vốn vay ODA Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Dự án được thực hiện bởi Liên danh các nhà thầu SumitomoMitsui (Nhật Bản) - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 với thời gian thi công 36 tháng và được tính từ ngày khởi công (tháng 2/2014). Sau khi hoàn thành sẽ là cây cầu vượt biển có chiều dài lớn nhất Việt Nam.